Bộ GD-ĐT sẽ hỗ trợ các trường muốn rà soát lại điểm thi THPT quốc gia năm 2018

Giáo dục - Ngày đăng : 17:07, 10/08/2018

Chúng ta đừng đặt vấn đề tất cả những thủ khoa ở Hòa Bình, Lạng Sơn, Sơn La đều là những người có sai phạm, như vậy sẽ tổn thương các em", PGS.TS Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục quản lý chất lượng - Bộ GD-ĐT nêu quan điểm.

Ngay sau khi các trường đại học công bố điểm chuẩn, danh sách thủ khoa đầu vào năm 2018, một điểm khiến dư luận chú ý là có nhiều thí sinh ở Sơn La, Lạng Sơn, Hòa Bình trở thành thủ khoa với số điểm rất cao so với các tỉnh có truyền thống hiếu học như Nam Định, Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Nội....

Nhiều người đặt câu hỏi liệu đó có phải năng lực thật của các em không? Liệu số thủ khoa này có nằm trong những thí sinh tiêu cực hay không?...

Bộ GD-ĐT sẽ hỗ trợ các trường muốn rà soát lại điểm thi THPT quốc gia năm 2018

PGS.TS Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục quản lý chất lượng - Bộ GD-ĐT. Ảnh Hải Nguyễn.

Trước những nghi vấn của dư luận, PGS.TS Mai Văn Trinh Cục trưởng Cục quản lý chất lượng - Bộ GD-ĐT cho biết: “Chúng ta đừng đặt vấn đề tất cả những em ấy đều là những người có sai phạm, như vậy sẽ tổn thương các em. Chúng ta đang trong quá trình xử lý, trước mắt chúng ta tạm thời chấp nhận kết quả đó để tuyển sinh”.

“Hiện nay, các em đã thi xong, khi kết quả điều tra ra, soi chiếu vào quy chế xử lý và sẽ trả các em về thực tế thậm chí là xử lý ở mức độ cao nhất. Bởi vậy, chúng ta cũng phải có thời gian chờ đợi”, ông Trinh nhấn mạnh.

Đừng làm tổn thương thêm các em nữa, đó là chia sẻ của nhiều phụ huynh hiện nay. Chị Nguyễn Thị Loan (Hai Bà Trưng – Hà Nội) chia sẻ: “Tôi thấy kỳ thi THPT quốc gia năm nay là kỳ thi đáng buồn nhất. Đáng lý ra giờ này chúng ta đang chuẩn bị sắm sửa, hành trang cho con đi nhập học thì trên các mặt báo lại đọc những câu chuyện buồn về Hà Giang, Sơn La hay Hòa Bình, những nghi vấn về điểm của thủ khoa….”.

Bộ GD-ĐT sẽ hỗ trợ các trường muốn rà soát lại điểm thi THPT quốc gia năm 2018

Ảnh minh họa. Hải Nam.

“Liệu chúng ta có đặt mình vào hoàn cảnh của những em dùng năng lực thật, điểm thi thật để thi vào ngôi trường mình mơ ước không? Khi đi nhập học, các em sẽ tổn thương như thế nào bị bạn trêu ghẹo, dẫu đó chỉ là câu đùa vô ý. Chuyện tiêu cực không phải tất cả học sinh, mà chỉ ở một số cá nhân nhưng đến thời điểm này thì đã làm tổn thương rất nhiều người, đặc biệt là các em”.

“Như chúng ta đã biết, gian lận ở Hà Giang hay một số tỉnh sau khi chấm lại, các thí sinh có điểm bất thường cũng đã được trả về với điểm thật. Chúng ta đừng vì sự nghi ngờ mà làm những em có năng lực thật sự tổn thương”, chị Loan nói thêm.

Cũng theo ông Trinh, hiện nay chưa có trường nào đề xuất rà soát đầu vào và điều đó không bị cấm. Nếu cần Bộ GD-ĐT hỗ trợ, trong phạm vị hỗ trợ, Bộ GD-ĐT sẽ hỗ trợ.

Bên cạnh đó, vấn đề tuyển sinh của các trường trên tinh thần tự chủ, phương thức tuyển sinh thế nào do các trường quyết định. “Sử dụng kết quả thi THPT quốc gia ở mức độ nào là quyền của các trường và các trường sẽ có các giải pháp của mình”, ông Trinh cho biết thêm.

 

Ngô Chuyên