Đào tạo nghề nghiệp gắn với đặt hàng của doanh nghiệp
Giáo dục - Ngày đăng : 16:07, 09/08/2018
Cụ thể, trong năm 2017, 2018, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã có văn bản gửi các địa phương, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, doanh nghiệp để chỉ đạo, thúc đẩy tăng cường gắn kết giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động, việc làm và an sinh xã hội.
Theo đó, Bộ đã chỉ đạo Tổng cục giáo dục nghề nghiệp tổ chức chức ký kết các chương trình phối hợp công tác với nhiều cơ quan, tổ chức, hiệp hội và tập đoàn doanh nghiệp lớn…, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong việc gắn kết với doanh nghiệp. Đồng thời, các trường chủ động ký kết hợp tác đào tạo nguồn nhân lực cho doanh nghiệp trong việc tuyển sinh, tổ chức đào tạo và giải quyết việc làm cho người học sau khi tốt nghiệp.
Ảnh minh họa.
Ngoài ra, để nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng cao, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội thực hiện thí điểm một số mô hình đào tạo song hành phù hợp với điều kiện Việt Nam. Theo đó, học sinh vừa học ở trường vừa học tại doanh nghiệp, sau khi kết thúc đào tạo sẽ được doanh nghiệp nhận vào làm việc và mô hình này đang được một số trường thực hiện như: Cao đẳng Bách nghệ Hải Phòng, Cao đẳng công nghệ quốc tế Lilama II….
Đối với hình thức đặt hàng đào tạo, bên cạnh hình thức nhà nước giao nhiệm vụ đào tạo gắn với kinh phí (đặt hàng đào tạo), các trường đã đẩy mạnh đào tạo theo đặt hàng với doanh nghiệp. Theo đó, doanh nghiệp đặt hàng và đồng hành với nhà trường ngay trong chương trình đào tạo, chăm chút cho các sinh viên từ lý thuyết, thực hành nghề nghiệp tại trường và doanh nghiệp sát nhất với yêu cầu thực tế, tiến tới tiếp nhận sinh viên vào làm việc ngay khi tốt nghiệp mà không tốn thời gian đào tạo lại. Hình thức đào tạo theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp đã được thực hiện khá thành công ở các trường: Cao đẳng Công nghệ Hà Nội, Cao đẳng du lịch, Cao đẳng Kỹ nghệ Dung Quất, Cao đẳng Công nghệ Thủ Đức, Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng….
Thời gian học thực hành cũng được các trường nâng lên. Ảnh Ngô Chuyên.
Hiện nay, các trường đang đa dạng hoá các hình thức, phương thức đào tạo. Cụ thể, hình thức đào tạo theo niên chế, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn mở rộng việc tổ chức đào tạo theo hình thức thường xuyên (vừa học, vừa làm), phương thức đào tạo theo tích lũy mô đun, tín chỉ, tạo các điều kiện thuận lợi cho mọi người lao động thực hiện được cơ hội học tập nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, học liên tục, suốt đời và không phải học lại mô đun, tín chỉ đã học, tích lũy được.
Cụ thể, khi bắt đầu khóa học cơ sở đào tại nghề nghiệp tổ chức kiểm tra xem xét, miễn giảm những môn học, mô đun, tín chỉ mà người học đã học xong, có kết quả điểm đạt yêu cầu trở lên hoặc số tín chỉ mà người học tích lũy được trước khi vào học.
Trước khi học từng môn học, mô đun, nhà giáo trực tiếp giảng dạy thực hiện việc kiểm tra, đánh giá kiến thức, kỹ năng của người học để chuẩn bị nội dung giảng dạy phù hợp.
Chỉ tổ chức giảng dạy những nội dung kiến thức, hướng dẫn thực hành kỹ năng nghề nghiệp theo nội dung, yêu cầu của môn học, mô đun mà người học chưa biết, chưa làm được hoặc chưa biết kỹ, đầy đủ, chưa làm thành thạo. Kết thức đợt học, kỳ học hoặc môn học, mô đun người học làm công việc của mình tại nơi ở, nơi làm việc và tự ôn luyện nội dung, kiến thức thực hành kỹ năng nghề đã học để chuẩn bị kiểm tra, thi kết thúc môn học, mô đun đã học.