Nữ sinh Hà Tĩnh từ chối 6 trường Đại học danh giá để theo đuổi ước mơ quân nhân

Giáo dục - Ngày đăng : 08:45, 27/07/2018

Từng là học sinh có khả năng học tiếng Anh yếu nhất lớp rồi vươn lên top đầu, kết thúc ba năm cấp 3 được 7 trường Đại học danh tiếng trong cả nước tuyển thẳng, nhưng em đã từ chối để theo đuổi ước mơ trở thành quân nhân.

Ước mơ trở thành một quân nhân

Cô nữ sinh đó là Kiều Anh Phương – cựu học sinh lớp chuyên Anh trường THPT chuyên Hà Tĩnh. Chia sẻ với báo Công lý về cảm xúc khi biết tin mình được tuyển thẳng vào 7 trường ĐH hàng đầu của cả nước, Anh Phương nói: “Khi biết tin mình được tuyển thẳng vào ĐH Sư phạm 1 Hà Nội em thực sự rất vui sướng, cảm xúc khó tả vô cùng”.

Nữ sinh Hà Tĩnh từ chối 6 trường Đại học danh giá để theo đuổi ước mơ quân nhân

Chân dung cô nữ sinh được 7 trường ĐH danh giá tuyển thẳng. Ảnh NVCC.

Anh Phương chia sẻ thêm: “Rồi khi các trường ĐH khác dần dần công bố kết quả tuyển thẳng em vừa mừng mà vừa lo lắng. Bởi trường em trông chờ nhất là Học viện Khoa học Quân sự mãi chưa có. Khi nhận cuộc gọi từ thầy giáo của trường lúc hơn 7 giờ sáng ngày 18/7 em không tin vào tai mình. Em vẫn chưa định hình được thông tin cho đến khi 9 giờ sáng hôm đó thấy tên mình nằm trong danh sách trúng tuyển thẳng của trường. Bồi hồi, xúc động, lâng lâng và trong đầu như trống rỗng hoàn toàn luôn”.

Được biết lý do mà Anh Phương quyết định chọn vào nghiệp binh bởi tình yêu màu xanh áo lính ngay từ bé. “Sau một thời gian tìm hiểu kĩ càng về môi trường sống, làm việc của quân đội em lại càng yêu hơn. Đây là một môi trường đáng mơ để mình rèn luyện không những về kiến thức kĩ năng mà còn về thể chất, tinh thần”, Anh Phương  nói.

Anh Phương cũng tâm sự thật, vì em có một niềm đam mê với tiếng Anh nên em nghĩ Học viện Khoa học quân sự sẽ là 1 ngôi trường lý tưởng để em có thể theo đuổi và thực hiện giấc mơ của bản thân là trở thành một giảng viên của trường quân đội hoặc là phiên dịch viên trong ngành quân đội.

Được biết, gia đình Anh Phương có truyền thống với ngành sư phạm, mẹ là cô giáo dạy môn Ngữ văn bởi vậy gia đình luôn muốn em theo ngành sư phạm. “Nhưng vì em rất thích màu áo xanh người lính, bởi vậy khi bố mẹ thấy được sự đam mê của em đã hết mực ủng hộ và tiếp thêm động lực cho em cố gắng”, Anh Phương chia sẻ.

Từ một cô gái nằm trong top yếu về tiếng Anh trở thành nữ thủ lĩnh xuất sắc

Với bảng thành tích xuất sắc đồng thời là học sinh giỏi tỉnh môn tiếng Anh, năm lớp 12 giành giải nhì tiếng Anh trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, Anh Phương được quyền nộp hồ sơ đăng ký xét thuyển thẳng vào nhiều đại học. Theo đó, Anh Phương đã nộp hồ sơ xét tuyển thẳng vào 7 trường gồm: Học viện Khoa học quân sự, ĐH Y Hà Nội, ĐH Ngoại thương, Học viện Ngoại giao, ĐH Sư phạm I Hà Nội, ĐH Kinh tế quốc dân, ĐH Quốc gia Hà Nội. 

Nữ sinh Hà Tĩnh từ chối 6 trường Đại học danh giá để theo đuổi ước mơ quân nhân

Kiều Anh Phương (từ phải sang thứ 4), được đánh giá là nữ sinh đầy ý chí. Ảnh NVCC.

“Lúc chưa có kết quả em không nghĩ là mình trúng tuyển vào Học viện Khoa học quân sự nên em có phần chắc chắn sẽ học ở ĐH Sư phạm 1 Hà Nội. Bên cạnh đó sự hấp dẫn của các ngành như quan hệ quốc tế của Học viện Ngoại giao hay ngành  Kinh tế quốc tế của ĐH Kinh tế Quốc dân khiến em lung lay. Nhưng niềm khao khát đậu vào quân sự vẫn luôn ấp ủ trong em. Chưa một giây phút nào em không mong ngóng là mình trúng tuyển”, Anh Phương nói.

Chia sẻ về phương pháp học tiếng Anh của mình cô nữ sinh tài năng cho hay: “Cái chính là em mê tiếng Anh. Bởi vì mê nên một ngày trôi qua mà không có tiếng Anh thì rất tẻ nhạt và buồn chán. Em coi tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai của mình. Buổi sáng ngủ dậy em đọc báo nước ngoài, nghe tin tức trên các tờ báo khác nhau. Em học tiếng Anh mọi lúc mọi nơi. Đặc biệt, em không coi tiếng Anh là môn học”.

Được biết, Anh Phương bắt đầu học tiếng Anh từ hồi lớp 3 năm, tuy nhiên cô nàng lại nằm trong top yêu nhất lớp. Bố mẹ em đã rất lo lắng bởi vậy phải cho em đến trung tâm học.

Anh Phương kể: “Lúc đến trung tâm cô giáo kiểm tra khả năng học của em để xếp lớp học. Em đọc sai từ “pen” rồi cô giáo đã xếp em vào lớp 1 trong khi đó mình đã học lớp 4. Bởi vậy em rất ngại và quyết tâm học thật chăm để theo được kịp các bạn cùng lứa”.

Nhờ quá trình rèn luyện chăm chỉ, cộng với sự đam mê khi học, một thời gian sau Anh Phương được chuyển lên lớp 4, và đến lớp 5 em trở thành “hiện tượng” của lớp, với những khả năng cảm thụ tiếng Anh vô cùng xuất sắc, được chọn vào lớp tài năng của trường.

Người truyền lửa cho cô nữ sinh tài năng

Khả năng của cô nàng càng được khẳng định hơn khi đậu vào lớp chuyên Anh của trường THPT chuyên Hà Tĩnh, nơi đó em có cơ hội học tập, cọ sát nhiều hơn đồng thời là môi trường để em phát huy thế mạnh của mình.

Nữ sinh Hà Tĩnh từ chối 6 trường Đại học danh giá để theo đuổi ước mơ quân nhân

Thầy Trần Văn Trung - chủ nhiệm lớp 12 Anh cùng các học trò của mình trong Lễ kết nạp Đảng viên. Ảnh NVCC.

Chia sẻ về thành tích đáng nể phục của cô học trò cưng của mình, thầy Trần Văn Trung, chủ nhiệm lớp 12 Anh, trường THPT chuyên Hà Tĩnh (Hà Tĩnh) nói Anh Phương chăm chỉ, luôn có quyết tâm rất cao, không bao giờ từ bỏ những khó khăn. Chính những khó khăn em gặp phải đã thúc đẩy em cố gắng, phấn đấu nhiều hơn để đạt được mục tiêu mình đặt ra.

Thầy Trung cho biết thêm: “Khi mới đầu năm lớp 10, em đã có ý chí muốn được vào đội dự tuyển đi thi học sinh giỏi quốc gia. Mình đã tìm những cuốn sách và giao cho Anh Phương làm. Em hoàn thành rất nhanh, đặc biệt em rất chắc về phần từ vựng, ngữ pháp nên trong quá trình rèn luyện, khả năng nghe nói đọc viết dần dần thấy trưởng thành rất vững. Sự nỗ lực, kiên trì đó đã giúp cho Anh Phương gặt hái thành công khi lọt vào đội tuyển chính thức đi thi học sinh giỏi quốc gia rồi giành giải cao tại kỳ thi đó”.

Bên cạnh đó, thầy Trung cũng chia sẻ thêm đối với môn tiếng Anh ngoài phương pháp giảng dạy thì sự truyền lửa từ giáo viên cho học sinh rất quan trọng. “Chính sự nhiệt huyết của người thầy trong các giờ học là cách truyền lửa hiệu quả nhất. Từ đó các em sẽ xây dựng được phương pháp học cho riêng mình, đặc biệt là khả năng tự học, tự nghiên cứu".

“Đồng thời, trong quá trình dạy, mình cũng chú ý đến từng học sinh để biết các em có thế mạnh ở điểm nào, yếu ở đâu, ví dụ em nào yếu về kỹ năng đọc thì qua vài lần kiểm tra mình phải định hướng cho các em cụ thể, từ đó xây dựng phương pháp và rèn luyện kỹ năng đọc hiểu cho các em”, thầy Trung chia sẻ thêm.

Ngô Chuyên