Biết điểm của con, phụ huynh Hà Nội lại nơm nớp chờ điểm chuẩn lớp 10
Giáo dục - Ngày đăng : 19:02, 29/06/2018
Theo kết quả điểm thi vào lớp 10 được Sở GD&ĐT công bố ngày 23/6 vừa qua, mặt bằng điểm của thí sinh năm nay thấp hơn năm trước. Các phụ huynh đã tính toán dựa trên danh sách điểm của toàn bộ thí sinh được công bố, thì tỷ lệ thí sinh đạt từ 49 điểm trở lên chỉ chiếm 31,61%.
Sau khi công bố điểm thi vào lớp 10, căn cứ chỉ tiêu được giao và điểm xét tuyển của học sinh đăng ký dự tuyển, các trường THPT công lập trên địa bàn Hà Nội sẽ đề xuất điểm chuẩn và Sở GD&ĐT Hà Nội duyệt cho từng trường.
Vì vậy, sau khi biết kết quả thi, các phụ huynh và học sinh vẫn không “nhẹ người”, mà tiếp tục đi từ lo lắng này sang lo lắng khác trong khoảng thời gian 1 tuần chờ thông tin công bố điểm chuẩn tuyển sinh vào lớp 10 tại Hà Nội.
Việc chậm công bố điểm chuẩn khiến nảy sinh nhiều đồn đoán tiêu cực. Nhiều phụ huynh băn khoăn, liệu có tình trạng chậm trễ để dễ bề chạy điểm không? Hay sự trì hoãn công bố điểm chuẩn có phải là để tạo điều kiện cho các trường dân lập dễ dàng tuyển sinh và ép các phụ huynh, học sinh hay không?
Trả lời khúc mắc của các bậc phụ huynh, ông Phạm Quốc Toản - Trưởng phòng Quản lý thi và Kiểm định chất lượng, Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, sau khi có kết quả, Sở phải rà soát để ghép dữ liệu với thông tin học sinh. Điểm công bố mới là dữ liệu ghép phách, số báo danh và điểm. Sau đó phải ghép thêm các thông tin dữ liệu khác của học sinh, thông tin ở THCS, và đặc biệt là thông tin về nguyện vọng của học sinh, rà soát, đối chiếu, xong phải in ra toàn bộ.
Cả thành phố có 95.000 học sinh thì phải có một khối lượng thời gian để in ra toàn bộ. Nhưng không phải in rồi chuyển cho các trường luôn được và phải có sự phê duyệt của lãnh đạo Sở, ký đóng dấu. Riêng việc này đã mất 3 ngày cho công tác in ấn.
"Không có gì là vướng mắc cả, bởi nó theo đúng tiến trình, thời gian của từng bộ phận, từng công đoạn. Chắc chắn phải có thời gian như thế mới đủ, thời gian để kiểm soát dữ liệu một cách thật chắc chắn, không nên vội vàng", ông Toản nhấn mạnh.
Về việc có trường dân lập thông báo chỉ thu hồ sơ trong 1 ngày, thậm chí 1 buổi sáng trước ngày công bố điểm chuẩn dẫn tình trạng phụ huynh lao vào chiến đấu, giành giật và đóng một số khoản tiền, nếu sau đó rút hồ sơ thì phải mất nhiều triệu đồng đã đóng và không trả lại. Phụ huynh vì lo lắng nên vẫn phải nộp đã dẫn đến thông tin cho rằng họ đang lợi dụng sự chậm trễ công bố điểm chuẩn và sự lo lắng của phụ huynh, học sinh để ép về thời gian và tiền bạc, gây thêm hoang mang?
Vị đại diện Sở GD&ĐT Hà Nội cho rằng, thông tin như thế thì cũng phải xác minh thêm. Công lập hay ngoài công lập thì đều bình đẳng như nhau, học sinh có quyền lựa chọn. Bên cạnh đó, cũng phải xem lại việc tự nguyện của phụ huynh, vì trường ngoài công lập ngoài việc theo đuổi giáo dục thì họ còn là doanh nghiệp, thế nên học sinh thực sự là khách hàng, là tự nguyện.