Giáo viên nhận xét về đề thi môn Ngữ văn

Giáo dục - Ngày đăng : 11:36, 25/06/2018

Những ý kiến của các giáo viên về đề Ngữ Văn trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018 mang đến một cái nhìn đa chiều về đề thi năm nay.

Theo chia sẻ của một giáo viên môn Ngữ văn ngay sau khi kết thúc môn thi Ngữ văn kỳ thi THPT Quốc gia sáng nay cho biết: "So với đề năm 2017, đề năm nay hay hơn, diễn đạt chặt chẽ hơn và khó hơn. Với kiểu đề này đòi hỏi học sinh phải tư duy, vận dụng kiến thức và kỹ năng để làm bài chứ không thể học thuộc.

Mặc dù chưa phải mở hoàn toàn, nhưng đề văn này sẽ góp phần thúc đẩy sự đổi mới phương pháp dạy học văn trong bối cảnh hiện nay. Tôi nghĩ, với đề này thì số học sinh đạt điểm từ 7,0 trở lên chỉ chiếm khoảng 30 %, số học sinh đạt 5,0 điểm trở xuống chiếm khoảng 20%, còn 50 % số học sinh còn lại sẽ đạt từ 5,0 – cận 7,0 điểm". 

Giáo viên nhận xét về đề thi môn Ngữ văn

Ảnh minh họa. Hải Nam.

Bàn cụ thể về các câu hỏi trong đề, tôi thấy phần Đọc – Hiểu các tác giả biên soạn đề đã chọn ngữ liệu hay, thức thời, giàu ý nghĩa nhân sinh. Các câu hỏi ở phần này hợp lý và đúng theo cấu trúc đề minh họa, cụ thể là câu hỏi 1, 2 ở mức độ nhận biết; câu hỏi 3 ở mức độ thông hiểu; câu hỏi 4 ở mức độ vận dụng thấp. Kết cấu các câu hỏi vậy là hợp lí.

Ở phần này khó nhất là câu hỏi 4, khó bởi học sinh ngoài việc bày tỏ quan điểm “… phù hợp với thực tiễn hay không?” thì còn phải trả lời câu hỏi “Vì sao?”, nghĩa là phải có lý lẽ chứ không thể đơn thuần là lựa chọn quan điểm. Câu hỏi này chỉ học sinh khá trở lên mới làm được. 

Ở phần Làm văn, câu 1 diễn đạt chặt chẽ, nội dung yêu cầu hay và có ý nghĩa thức dậy ý thức của mọi người về sứ mệnh đánh thức tiềm lực đất nước trong bối cảnh hiện nay. Với yêu cầu của câu hỏi này thì đa số học sinh sẽ có đất để diễn, phát huy được năng lực của mình.

Câu 2 cũng là một bài tập khá hay. Đây chính là bài tập để phân hóa học trò. Độ khó của đề chủ yếu nằm ở câu này. Khó vì trước hết là có sự xuất hiện của chương trình lớp 11 trong câu nghị luận văn học, tiếp nữa là yêu cầu của đề đòi hỏi học sinh phải phân tích một đối tượng trong chương trình 12 rồi liên hệ với một đối tượng ở chương trình lớp 11 để “nhận xét về cách nhìn hiện thực của hai nhà văn”. “Nhận xét” nghĩa là phải đưa ra được quan điểm đánh giá của người viết. Muốn nhận xét được thì học sinh phải nắm vững nét riêng trong cách nhìn hiện thực của mỗi nhà văn. Ở bài tập này, đa số học sinh sẽ phân tích được sự đối lập giữa hình ảnh chiếc thuyền ngoài xa với cảnh bạo lực ở gia đình hàng chài. Nhưng để liên hệ với “Hai đứa trẻ” để “nhận xét về cách nhìn hiện thực của hai nhà văn” thì không quá nhiều học sinh làm được.

Thêm nữa, với cấu trúc bài tập này, học sinh phải xác định rõ ba thông tin trong bài tập. Thứ nhất là đối tượng chính cần phân tích “sự đối lập giữa hình ảnh chiếc thuyền ngoài xa với cảnh bạo lực ở gia đình hàng chài” (Chiếc thuyền ngoài xa – Nguyễn Minh Châu); thứ hai là đối tượng dùng để liên hệ “sự đối lập giữa cảnh phố huyện lúc đêm khuya và hình ảnh đoàn tàu” (Hai đứa trẻ - Thạch Lam); thứ ba là mục đích cần đạt của đề: “nhận xét về cách nhìn hiện thực của hai tác giả”.

Giáo viên nhận xét về đề thi môn Ngữ văn

Đề thi môn Ngữ văn.

Bên cạnh đó, ý kiến của cô Trần Thị Hải Quỳ, giáo viên dạy Văn trường THPT Lý Thường Kiệt, Hà Nội nhận xét, về tổng quan thì đề Văn năm nay khá hay.

Câu đọc hiểu là lấy ngữ liệu của một bài thơ, ngữ liệu này đặt ra một vấn đề có tính xã hội hiện nay, đặt ra câu hỏi cho thí sinh về mức độ phù hợp với thực tiễn ngày hôm nay không.

Đề thi nói về về “tiềm năng của đất nước” để để đặt ra cho thí sinh về trách nhiệm của những người trẻ như thế nào để bảo vệ đất nước, bảo vệ tiềm năng thế nào để tài nguyên đó không bị cạn kiệt, không bị lãng phí.

Cũng theo cô Quỳ, câu nghị luận văn học có tính phân hóa rất cao, đây là đề khó. Không như mọi năm, đề trích dẫn sẵn dữ liệu, đề năm nay không trích dẫn sẵn dữ liệu, học sinh phải tự nhớ, tự liên hệ, tổng hợp và vận dụng kiến thức đã học.

Đối với đề thi này, theo cô Quỳ, các em phải xác định được yêu cầu của đề. Khi các em xác định được yêu cầu của đề thì phải định hướng viết. Nếu không thì các em sẽ bị lan man.

Theo thầy Ngô Thanh Hải, giáo viên dạy Văn trường Lạng Giang số 2, tỉnh Bắc Giang nhận xét: “Đề thi môn Văn năm nay mang tính phân loại, bất ngờ. Tuy nhiên, phần nghị luận xã hội có mang tính vĩ mô. Vấn đề lớn so với tầm viết một đoạn văn của thí sinh”.

Theo thầy Hải, câu nghị luận văn học khá hay. Đòi hỏi khả năng cảm thụ, tư duy. “Thang điểm có thể sẽ phân hoá cao. Nhóm học sinh có học lực trung bình có thể đạt 4,5 đến 5,5 điểm. Còn học sinh khá giỏi sẽ bật lên từ 7,5 đến 8,5. Mặt bằng chung sẽ rơi vào khoảng 5,5 đến 6,5”, thầy Hải cho hay.

Cô Nguyễn Thị Minh Hằng, giáo viên dạy Văn trường THPT Thanh Oai A, Hà Nội cũng nhận định đề văn năm nay có sự phân loại cao. Riêng câu nghị luận văn học yêu cầu thí sinh cần phải có kiến thức cả về văn học và ngữ học.

Trước ý kiến cho rằng câu nghị luận xã hội xứng tầm với một đề tài luận án tiến sĩ, cô Hằng cho rằng, nếu thí sinh biết tóm lược những vấn đề cốt lõi thì hoàn toàn có thể làm được.

Cô Hà Thị Thu Thủy, Tổ trưởng tổ Ngữ văn, trường THPT Anhxtanh Hà Nội, đánh giá đề thi không nặng kiến thức thuộc lòng. Để làm bài tốt, thí sinh phải hiểu tác phẩm, có kiến thức thực tế.

Xuân Diệp (TH)