Đề thi Ngữ văn bất ngờ với câu 5 điểm phân tích sự đối lập

Giáo dục - Ngày đăng : 10:56, 25/06/2018

Theo ghi nhận của nhóm phóng Báo Công lý tại các điểm thi, nhiều thí sinh đánh giá, đề thi sát với năng lực học, không đánh đố học sinh. Đặc biệt, đề thi sát với đề thi tham khảo mà Bộ GD-ĐT công bố trước đó.

Khá thỏa mãn với bài thi của mình, nam sinh Hoàng Nam Anh (tại điểm thi trường THPT Hoàng Văn Thụ - Hà Nội) chia sẻ: “Thực sự, đề thi môn Ngữ văn không quá đánh đố, đề được nâng dần cấp độ khó và cơ hội lấy điểm cũng thể hiện rõ qua từng câu. Với đề thi này, những học sinh thi tốt nghiệp không quá khó khăn để lấy điểm 6”.

Đề thi Ngữ văn bất ngờ với câu 5 điểm phân tích sự đối lập

Thí sinh phấn khởi khi kết thúc thời gian làm bài môn thi đầu tiên. Ảnh Hải Nam, tại điểm thi Trường THPT Chu Văn An.

Đề ngữ văn câu 5 điểm năm nay được thí sinh đánh giá khá chọn lọc và bất ngờ với cách yêu cầu thí sinh thể hiện bài làm của mình. Cụ thể: “Phân tích sự đối lập giữa vẻ đẹp của hình ảnh chiếc thuyền ngoài xa và cảnh bạo lực ở gia đình hàng chài (Chiếc thuyền ngoài xa – Nguyễn Minh Châu). Từ đó anh/chị hãy liên hệ sự đối lập giữa cảnh phố huyện lúc đêm khuya và hình ảnh đoàn tàu (Hai đứa trẻ - Thạch Lam) để nhận xét về cách nhìn hiện thực của hai tác giả.

Nam Anh chia sẻ: “Câu này là cơ hội để các bạn học tốt môn Ngữ văn thể hiện khả năng viết, lập luận, phân tích và cách cảm nhận không gian bối cảnh của nước mình giai đoạn đó. Không chỉ vậy, lột tả được cảm xúc, suy nghĩ của chính nhân vật là của chính tác giả trong hai tác phẩm”.

“Câu này, em làm không được tốt lắm, bởi em là dân chuyên Toán nên câu này khá khó nhằn với em”, Nam anh chia sẻ thêm.

Còn theo ghi nhận của PV tại điểm thi Trường THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội), thí sinh Lê Hoàng Lâm (học sinh Trường THPT chuyên ĐH Sư phạm Hà Nội) cho biết: “Đề văn đối với em ở mức bình thường. Vì môn văn là môn thi tốt nghiệp nên em cũng không quá áp lực, với đề này em làm bài với một tâm thế thoải mái”.

Đề thi Ngữ văn bất ngờ với câu 5 điểm phân tích sự đối lập

Phụ huynh cũng đã phần nào đó gỡ bỏ được áp lực tâm lý ngay sau khi các sĩ tử kết thúc môn thi đầu tiên. Ảnh Hải Nam.

Tại điểm thi THCS Phan Đình Giót (Q.Thanh Xuân, Hà Nội), thí sinh ra khỏi phòng thi khá sớm so với một vài điểm thi khác. Xuất hiện rất nhiều những nụ cười, cái bắt tay hay vỗ vai giữa các sĩ tử khi hỏi nhau về kết quả bài làm. Dường như, môn thi đầu tiên đã trôi qua khá nhẹ nhõm.

Nam Anh (học sinh Trường THPT Chu Văn An – Hà Nội) cho biết, đề Ngữ văn không khó và không quá đánh đố, nhưng không hấp dẫn lắm, đặc biệt là phần nghị luận. Nam sinh không mấy ấn tượng về việc liên hệ đến “sứ mệnh đánh thức tiềm lực đất nước của mỗi cá nhân trong cuộc sống hiện nay” và cho rằng phần câu hỏi khá rộng, nếu không biết gói gọn vấn đề thì dễ sa vào lan man.

“Phần này, em tập trung nói về cách phát triển của mỗi cá nhân trong mối liên hệ đánh thức tiềm lực đất nước. Còn câu cuối cùng, có liên quan đến Con thuyền ngoài xa và Hai đứa trẻ thì em làm không được tốt lắm vì hơi bị “lệch” tủ. Hi vọng đạt được 5 – 6 điểm, đủ để đỗ tốt nghiệp vì em thi khối A1”, nam sinh cho biết thêm.

Trong khi đó, với Thu Hương – nữ sinh đến từ Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, đề thi khá dài và em phải tận dụng tối đa thời gian để làm. Khó nhất vẫn là câu cuối cùng về phần so sánh, câu này Thu Hương không hi vọng đạt được nhiều điểm.

“Nói chung đề không khó, sát với năng lực học và sát với đề thi tham khảo của Bộ GD-ĐT công bố trước đó. Với đề thi này, những học sinh thi tốt nghiệp không quá khó khăn để lấy điểm 6. Bản thân em hi vọng mình đạt được 7 – 8 điểm” – Thu Hương chia sẻ.

Ngô Chuyên