Chánh án Nguyễn Hòa Bình: Vị Tư lệnh ngành sâu sát với công việc và biết “chia lửa” cùng các cán bộ Thẩm phán
Tiêu điểm - Ngày đăng : 11:27, 23/02/2018
Từ công tác chuyên môn là thụ lý, xét xử các loại vụ án đạt chỉ tiêu cao, tổ chức những phiên tòa xét xử rút kinh nghiệm, triển khai thực hiện các nghị quyết của TANDTC, đến việc đưa ra xét xử những vụ án lớn mà dư luận cả nước quan tâm...
Với kết quả đó, bên cạnh sự nỗ lực của tất cả các bộ Thẩm phán TAND, công chức, viên chức toàn ngành phải kể đến sự quyết đoán và quyết tâm cao của vị Thủ lĩnh ngành- Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình với mong muốn về một nền tư pháp trong sạch, vững mạnh.
Khối lượng công việc lớn, nhưng chất lượng
Với sự lãnh đạo điều hành của Ban lãnh đạo TANDTC và sự quyết tâm trong toàn ngành, năm 2017 Tòa án các cấp đã giải quyết được 457.024/499.918 vụ việc đã thụ lý, đạt tỷ lệ 91,4%; số vụ việc còn lại hầu hết còn trong hạn luật định. Chất lượng công tác xét xử được nâng lên rõ rệt, hầu hết các vụ án đều được giải quyết trong thời hạn luật định. Các bản án hình sự được tuyên đúng người, đúng tội, đúng pháp luật và không bỏ lọt tội phạm. Các Tòa án cũng đã tăng cường tổ chức các phiên tòa theo tinh thần cải cách tư pháp.
Tại phiên tòa xét xử không hạn chế thời gian tranh tụng của các luật sư, đại diện VKS…; Tiến hành khởi tố, bắt tạm giam bị cáo khi đủ điều kiện hoặc có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm, trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung khi vụ án thiếu chứng cứ; Tòa án cũng kiến nghị để khắc phục các sai sót cả về tố tụng và cả trong hoạt động quản lý kinh tế, quản lý cán bộ... Các vụ án lớn, trọng điểm, nhất là các vụ án kinh tế, tham nhũng đều được đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh như vụ Hà Văn Thắm, Giang Kim Đạt, Phạm Công Danh và đồng phạm,… được dư luận đồng tình, đánh giá cao.
Một số những thiếu sót trong xét xử các loại vụ án những năm trước được các Tòa án khắc phục kịp thời. TANDTC đã yêu cầu các Tòa án lựa chọn và đăng ký các giải pháp đột phá trong xây dựng kế hoạch công tác của năm 2017, tập trung khắc phục những tồn tại hạn chế hay giải quyết những vấn đề nổi cộm mà thực tiễn đang đặt ra tại đơn vị mình. Các Tòa án đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tố tụng, kịp thời xem xét một cách thận trọng, kỹ lưỡng với tinh thần cầu thị đối với những trường hợp xét xử từ những năm trước nhưng có đơn kêu oan. Tiến hành bồi thường và xin lỗi công khai theo Luật bồi thường Nhà nước.
Đáng chú ý, trong năm 2017, số lượng đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm tăng đột biến và tập trung chủ yếu tại các Tòa án cấp cao, lãnh đạo TANDTC đã đề ra và triển khai thực hiện nhiều giải pháp, như: sửa đổi quy trình xử lý đơn; biệt phái gần 200 cán bộ tăng cường cho các Tòa án cấp cao và phân công chéo cán bộ tỉnh này giải quyết đơn của tỉnh khác để đảm bảo tính khách quan. Vì vậy, công tác này đã có những tiến bộ, số lượng đơn được giải quyết tăng lên, chất lượng đảm bảo. Các đơn khiếu nại liên quan đến quyết định tố tụng, hành vi tố tụng của Thẩm phán đều được các Tòa án xem xét, giải quyết kịp thời trách nhiệm, nên tỷ lệ giải quyết đạt cao (97,4%); tuân thủ đúng thủ tục, thời hạn theo quy định của pháp luật và hướng dẫn của liên ngành tư pháp Trung ương.
Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình trả lời chất vấn trước Quốc hội
Có sự đột phá trong cải cách tư pháp
Công tác hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật và phát triển án lệ có nhiều đổi mới, huy động được đông đảo cán bộ, công chức Tòa án các cấp, các nhà khoa học, các cán bộ có nhiều kinh nghiệm trong hoạt động xét xử tham gia nên đã đạt được những kết quả tích cực. Năm 2017, Chánh án TANDTC đã ban hành 02 Thông tư Quy định về phòng xử án và Quy chế tổ chức phiên tòa; Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã ban hành 05 Nghị quyêt hướng dẫn áp dụng pháp luật; TANDTC đã ban hành 13 án lệ, 03 tập giải đáp vướng măc về áp dụng pháp luật trong thực tiễn xét xử. Hiện nay, đang tiếp tục nghiên cứu, xây dựng 05 dự thảo Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán; phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan nghiên cứu, xây dựng 08 Thông tư liên tịch.
Nhiều Thông tư, Nghị quyết và văn bản hướng dẫn áp dụng pháp luật của TANDTC được dư luận xã hội rất quan tâm, như: hướng dẫn về quy định có lợi trong BLHS 2015, Thông tư về mô hình phòng xét xử theo tinh thần cải cách tư pháp..., những văn bản này đã góp phần tháo gỡ nhiều vướng mắc, đảm bảo tính thống nhất về áp dụng pháp luật trong công tác xét xử. Với số lượng các Thông tư, Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán, giải đáp pháp luật được ban hành nhiều như vậy có thể thấy rằng, việc tăng cường hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật, trong 2017 TANDTC đã làm bằng nhiều năm trước đó cộng lại.
Trong Kỳ họp thứ tư,QH khóa XIV các đại biểu cũng rất đồng tình với Chánh án Nguyễn Hòa Bình khi ông cho biết, TANDTC đã có những chỉ đạo đối với toàn hệ thống về việc tổ chức phiên tòa theo tinh thần CCTP. Theo đó, lãnh đạo TANDTC yêu cầu các Thẩm phán phải duy trì các phiên tòa có tranh tụng và không được hạn chế thời gian tranh tụng nếu như vấn đề tranh tụng, nhu cầu tranh tụng vẫn còn thì Chủ tọa phiên tòa có thể kéo dài thêm thời gian diễn ra phiên tòa để các bên đưa ra ý kiến của mình.
Thực tế thời gian qua cũng đã có nhiều vụ án như vậy, báo chí cũng đã đề cập đến và dư luận cũng rất đồng tình và đánh giá cao. Vụ án Trương Hồ Phương Nga, do TAND TP Hồ Chí Minh xét xử và vụ án VN Pharma do Tòa án cấp cao TP Hồ Chí Minh xét xử vừa qua là một ví dụ điển hình cho nguyên tắc tranh tụng rõ nét. Kết quả tranh tụng đó đã đưa ra phán quyết, được dư luận đồng tình. Tất cả những ý kiến được nêu ra trong quá trình tranh tụng đều được ghi nhận trong hồ sơ vụ án và được nhận định trong bản án. Đây là những kỹ năng đòi hỏi các Thẩm phán Chủ tọa phiên tòa phải thực hiện. Thực tế, phiên tòa có tranh tụng, tôn trọng và bảo vệ quyền con người và thực hiện đầy đủ các quyền năng tố tụng giao cho hội đồng xét xử ngày cành nhiều. Mặc dù, vấn đề tranh tụng không chỉ phụ thuộc vào Tòa án, bởi vì Tòa án chỉ là người duy trì ghi nhận và nhận định kết quả tranh tụng, còn chủ thể của tranh tụng chính là Luật sư và đại diện Viện Kiểm sát, chất lượng của tranh tụng do các chủ thể tranh tụng quyết định.
Kỷ luật nghiêm minh, nhưng khen thưởng kịp thời
Đó là những gì chúng ta có thể cảm nhận được từ người đứng đầu ngành Tòa án. TANDTC cũng đã có nhiều giải pháp bằng nhiều hình thức khác nhau bồi dưỡng đội ngũ cán bộ và nâng cao chất lượng xét xử. Đào tạo qua hệ thống truyền hình trực tuyến, đào tạo theo từng khu vực, theo chuyên đề, theo luật, đào tạo cho hội đồng và Hội thẩm nhân dân... số lượng rất nhiều.
Thông qua phần trả lời của Chánh án, người dân và các ĐBQH đã hiểu được quyết tâm của vị Tư lệnh ngành đối với chất lượng thực thi công vụ. Các quy định về thi đua trong toàn hệ thống TAND đều đã được đổi mới. Trên cơ sở đánh giá của người dân về bình chọn tiêu chí Thẩm phán giỏi, Thẩm phán tiêu biểu đã có nhiều người được lựa chọn. Chánh án cũng cho biết, qua tổng kết thi đua có nhiều Thẩm phán xét xử liên tục 1.500, 2.000 vụ mà không bị kháng cáo, kháng nghị và TANDTC đã kịp thời khuyến khích động viên bằng cách có chính sách bổ nhiệm trước thời hạn. Có những Thẩm phán xét xử trên 1.000 vụ hay 2.000 vụ cũng được xem xét bổ nhiệm ngay. Trong kỳ họp trước, có Thẩm phán kiên quyết không nhận hối lộ và có những Thẩm phán đã từng bị tạt axít… thì cũng đã được bổ nhiệm ngay giữ chức vụ quan trọng.
Năm qua, riêng ở địa phương đã có hơn 200 khóa đào tạo với 40.000 lượt Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân đã được đào tạo các khóa khác nhau tham dự. Còn ở quy mô của Tòa án tối cao, cũng đã tổ chức được hơn 7 khóa đào tạo cho toàn hệ thống cũng như cho các khu vực Bắc, Trung, Nam cho Thẩm phán, Thư ký và các Thẩm tra viên; Kế hoạch của TANDTC là thông qua hệ thống truyền hình trực tuyến, các Thẩm phán Tòa án tối cao lần lượt mỗi tháng phải có 1 bài giảng cho toàn hệ thống, chủ đề là gắn liền với nâng cao chất lượng xét xử trong năm tới…đây là những giải pháp khá căn cơ và hiệu quả.
Cùng với đó là việc nâng cao chất lượng viết các bản án cho các Thẩm phán. TANDTC đã tổ chức đợt tập huấn rộng rãi cho các Thẩm phán với những chuyên gia đầu ngành vê tư pháp và ban hành mẫu đối với từng loại bản án để áp dụng trong phạm vi toàn quốc. Việc công khai bản án, quyết định của Tòa án trên Cổng thông tin điện tử là giải pháp đột phá, tăng cường sự giám sát của nhân dân đối với hoạt động của Tòa án. Đây cũng là một kênh để đào tạo, đánh giá Thẩm phán một cách thực chất.
Giải pháp nữa được đưa ra là các Tòa án áp dụng biện pháp tăng cường hòa giải trong các vụ án dân sự. Cùng với đó là đưa ra chỉ tiêu thi đua, mỗi một Thẩm phán hòa giải một vụ thì coi như chỉ tiêu thi đua đạt như giải quyết hai vụ án để khuyến khích. Đó là một quyết sách tốt vì với việc các vụ án và đặc biệt là các vụ án dân sự mà nếu như dưới sự dẫn dắt của các Thẩm phán mà hai bên hòa giải được với nhau thì vụ án sẽ không có đơn thư, kháng nghị, kháng cáo, giám đốc thẩm, tái thẩm, phúc thẩm và vụ án sẽ không bị kéo dài, tạo đồng thuận của xã hội, đầu vào của đơn giám đốc thẩm sẽ giảm, và về lâu dài sẽ giảm được tình trạng quá tải như hiện nay.
Trong năm 2017 qua theo dõi thấy rằng, việc thúc đẩy mạnh việc tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm trong toàn hệ thống và đưa ra chỉ tiêu mỗi Thẩm phán ít nhất phải có một phiên tòa rút kinh nghiệm, đã làm cho hoạt động của Tòa án có nhiều chuyển biến mạnh mẽ, cả về chất lượng xét xử đến ý thức trách nhiệm của mỗi Thẩm phán nói chung. “Nếu làm tốt phiên tòa rút kinh nghiệm thì hơn 6 nghìn Thẩm phán một năm, chúng tôi có 6 nghìn bài học cho đội ngũ Thẩm phán”, phát biểu này của Chánh án Nguyễn Hòa Bình đã thể hiện được quyết tâm trong cách chỉ đạo điều hành.
Chia sẻ những áp lực của Thẩm phán
Biết rằng niềm tin, sự mong muốn của dân đối với đội ngũ Thẩm phán rất cao và không có cách nào khác là theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4, TANDTC đã đề cao kỷ luật, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám đốc kiểm tra. Ban cán sự Đảng và lãnh đạo TANDTC đã ban hành Quy định 120 nhằm siết chặt kỷ luật đối với cán bộ Thẩm phán trong thi hành công vụ. Trong đó, quy định rất chặt chẽ các điều kiện liên quan đến xử lý kỷ luật, rất nghiêm minh. Qua tìm hiểu thấy rằng, nhiều Thẩm phán khá lo ngại với những quy định trong quyết ban hành vì quá chặt, quá khắt khe. Tuy nhiên, ở góc độ người làm công tác nghiên cứu pháp luật thấy rằng, đó là những quy định thực sự cần phải có để nâng cao chất lượng chuyên môn và CCTP trong giai đoạn hiện nay.
Khối lượng công việc nhiều nên áp lực lớn đối với các Thẩm phán nói riêng và cán bộ, công chức Tòa án nói chung. Kỷ luật là nghiêm minh, song có thể nói, ông là người sâu sát công việc, hiểu và chia sẻ những khó khăn, áp lực đối với cán bộ của mình. Trước Quốc hội, ông cũng đã phát biểu rằng, áp lực công việc của Tòa án là rất lớn. Với áp lực này, không chỉ là sự vất vả mà còn liên quan đến chất lượng xét xử các vụ án nên rất cần sự quan tâm chia sẻ của cử tri cả nước.
Theo quy định của ngành Tòa án, mỗi Thẩm phán phải xét xử 5 vụ/tháng. Nhưng thực tế nhiều nơi, họ phải xét xử hơn con số đó rất nhiều lần. Như TP.Hồ Chí Minh trung bình mỗi Thẩm phán xét xư 12 vụ/tháng; quận Ninh Kiều ở Thành phố Cần Thơ đã lên đến 18 vụ/tháng. Với số lượng án phải xét xử như vậy, nguy cơ rủi ro về chất lượng rất cao, dẫu rằng các Thẩm phán hết sức cố gắng, vậy nên Tòa án rất mong được tăng biên chế Thẩm phán. Minh chứng cho việc thiếu cán bộ này, Chánh án Nguyễn Hòa Bình đã chỉ ra: năm 2012, khi UBTVQH quyết định biên chế Tòa án là 15.000 người thì số lượng công việc là 250.000 nghìn vụ/năm. Sau 5 năm, năm 2017 số lượng công việc là 499.000 vụ, tăng gần gấp đôi so với năm 2012 nhưng định biên vẫn như cũ, nên đây là một áp lực rất lớn của Tòa án.
Hiện nay, theo quy định của luật mới, 63 TAND cấp tỉnh không được quyền giải quyết đơn giám đốc thẩm mà dồn về cho 3 Tòa cấp cao, vì vậy đây là một áp lực lớn cho những Tòa này trong điều kiện nhân lực chưa đủ và kinh nghiệm cũng chưa cao.
Để khắc phục vấn đề này, TANDTC đã tiến hành nhiều giải pháp, trong đó có việc điều động và bố trí cho đủ số lượng Thẩm phán và biên chế của 3 Tòa cấp cao, khoảng 200 Thẩm phán điều động từ các Tòa địa phương lên. Cho đến nay về cơ bản nhân lực của 3 Tòa cấp cao đã được bố trí đủ, còn về năng sẽ lực tiếp tục bồi dưỡng và nâng cao thêm.
Mặc dù đã điều động số lượng cán bộ, Thẩm phán như vậy, nhưng “dưới áp lực của số lượng công việc lớn như vậy, cán bộ Thẩm phán làm ngày, làm đêm nhưng không thể đáp ứng được hết, tình hình này có thể còn kéo dài”, Chánh án cho biết. Ông cũng rất tâm tư khi nói rằng, “điều động cán bộ đi rồi, các Tòa địa phương rất kêu, họ nói đang thiếu người mà nay còn lấy đi nên rất áp lực, chúng tôi cũng rất chia sẻ với các địa phương nhưng không còn cách nào khác”. Rồi trụ việc liên quan đến 35 trụ sở hiện nay của các Tòa án cấp huyện đang phải đi thuê hiện nay… cũng là những lo lắng của vị Tư lệnh ngành đã truyền sang cả các ĐBQH.