Tòa án đã đạt được mục tiêu cao nhất là bảo vệ quyền con người, bảo vệ công lý
Tiêu điểm - Ngày đăng : 09:36, 16/02/2018
Chủ tịch nước Trần Đại Quang trao quyết định bổ nhiệm chức danh Thẩm phán TANDTC và chức vụ Phó Chánh án TANDTC
Bước tiến vượt bậc của Hiến pháp 2013
Trong quá trình cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến quyền con người nói chung, quyền của người tham gia tố tụng nói riêng và đặc biệt là bảo đảm quyền của người bị buộc tội trong quá trình tiến hành tố tụng.
Nghị quyết 48-NQ/TW và 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược hoàn thiện hệ thống pháp luật và Cải cách tư pháp đến năm 2020 cũng đã có những định hướng quan trọng về vấn đề này. Theo đó, các Nghị quyết đã chỉ rõ: “ Việc phán quyết của Tòa án phải căn cứ chủ yếu vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa”. Đồng thời xác định “Nâng cao chất lượng tranh tụng tại các phiên tòa xét xử, coi đây là khâu đột phá của hoạt động tư pháp”.
Về cải cách thủ tục xét xử, quan điểm của Đảng tập trung vào các nội dung như: Bổ sung các quyền tố tụng của người tham gia tố tụng, đồng thời tăng cường trách nhiệm của cơ quan, người tiến hành tố tụng trong việc bảo đảm cho người tham gia tố tụng thực hiện đầy đủ các quyền luật định; nâng cao chất lượng công tố của Kiểm sát viên tại phiên tòa, bảo đảm tranh tụng dân chủ với người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự và những người tham gia tố tụng khác; khi xét xử, Tòa án phải bảo đảm cho mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, thực sự dân chủ, khách quan; đảm bảo cho Thẩm phán và Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật…”.
Hiến pháp năm 2013 đã có bước tiến vượt bậc trong việc quy định về quyền con người; phát triển, kế thừa có chọn lọc những giá trị bất biến về quyền con người, quyền công dân được ghi nhận trong các điều ước quốc tế về quyền con người mà nước ta tham gia ký kết như Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền, Công ước quốc tế về các quyền chính trị, dân sự và các bản Hiến pháp của Nhà nước Việt Nam ta trước đây. Trong nhiều nội dung mới được quy định, lần đầu tiên, vấn đề quyền con người đã được Hiến pháp ghi nhận một cách trực tiếp và không đồng nhất với quyền công dân.
Theo Hiến pháp năm 2013, quyền con người, quyền công dân được ghi nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm thực hiện bằng nhiều biện pháp khác nhau; các quyền đó chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong những trường hợp đặc biệt cần thiết; mọi người đều có quyền bình đẳng trước pháp luật, không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội…
Đặc biệt, Hiến pháp 2013 đã có bước tiến quan trọng về lập hiến khi có những quy định ghi nhận quyền con người của người bị buộc tội - người có thể phải chịu những hậu quả nặng nề về pháp lý cũng như chính trị - xã hội của hoạt động tư pháp phù hợp với Nhà nước pháp quyền, cải cách tư pháp và tư tưởng bảo vệ quyền con người hiện đại. Theo Điều 31 Hiến pháp thì: 1/ “Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật”; 2/ Người bị buộc tội có quyền được xét xử kịp thời, công bằng, công khai bằng một Tòa án khách quan, không thiên vị; 3/ Có quyền không bị kết án hai lần vì một tội phạm; 4/ Người bị buộc tội có quyền tự bào chữa, có luật sư hoặc người khác bào chữa; 4/ Người bị buộc tội trái pháp luật có quyền được bồi thường thiệt hại về vật chất, tinh thần và phục hồi danh dự.
Các quy định của Hiến pháp 2013 về quyền con người, quyền công dân là cơ sở hiến định cơ bản, quan trọng cho việc xây dựng các văn bản pháp luật nói chung, các bộ luật, luật liên quan đến tư pháp nói riêng đã cụ thể hóa, thể hiện khá đầy đủ tinh thần của Hiến pháp.
Tòa án đã áp dụng hiệu quả
Theo Hiến pháp 2013, vị trí, chức năng, nhiệm vụ của Tòa án trong nhà nước pháp quyền với cơ chế phân công, phối hợp và kiểm soát lẫn nhau giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. “TAND là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp”. Là cơ quan nhân danh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam xử lý các vi phạm pháp luật, các tranh chấp trong xã hội và phán quyết nhiều vấn đề liên quan đến con người, Tòa án không chỉ có sứ mệnh, có nhiệm vụ mà còn có khả năng bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người hiệu quả nhất.
Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình trao Cờ thi đua của Chính phủ cho các đơn vị xuất sắc
Trong những năm qua, các TAND đã quán triệt khá tốt tinh thần cải cách tư pháp, bảo vệ quyền con người trong các hoạt động, nhất là trong hoạt động xét xử của mình. Trong xét xử các vụ án hình sự, các Tòa án đã quán triệt và thực hiện tốt nguyên tắc suy đoán vô tội; nguyên tắc xác định sự thật khách quan của vụ án để mạnh dạn đình chỉ vụ án hoặc tuyên không có tội. Nhiều vụ án đã được Tòa án đình chỉ khi không có đủ căn cứ buộc tội, tránh trả hồ sơ lòng vòng để điều tra bổ sung, kéo dài vụ án. Trong xét xử tại phiên tòa, các HĐXX đã chú trọng xem xét về tính hợp pháp, có căn cứ của các quan điểm buộc tội cũng như gỡ tội của CQĐT, VKS, người bào chữa, thực hiện triệt để nguyên tắc tranh tụng để ra phán quyết đúng người, đúng tội, đúng pháp luật không để xảy ra oan sai.
Việc thụ lý, giải quyết các tranh chấp khác trong xã hội đều được các Tòa án thực hiện trên tinh thần thận trọng, đảm bảo sự thật khách quan, công bằng, công minh, đúng pháp luật nhằm đạt đến chuẩn công lý.
Các phiên tòa xét xử thời gian gần đây đã được tổ chức và điều hành bảo đảm cho bị cáo thực hiện đầy đủ quyền bào chữa; bảo đảm cho người tham gia tố tụng khác thực hiện quyền bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Việc tranh tụng tại phiên tòa được tăng cường. Quá trình hỏi và tranh luận tại phiên tòa đã bảo đảm khách quan, minh bạch và công bằng, không thiên vị và định kiến. Các vấn đề về nội dung và tố tụng giải quyết vụ án đều được xem xét toàn diện, đầy đủ. Rõ nhất là một số vụ án xét xử trong thời gian gần đây nhiều phiên tòa tranh tụng đã được Tòa án thực hiện khá tốt, được dư luận và nhân dân đồng tình.
Về vấn đề này, trong quá trình giám sát hoạt động của TAND, UBTVQH đã đánh giá: “Nhìn chung, trong quá trình xét xử sơ thẩm vụ án hình sự, các quyền của bị can, bị cáo nói riêng và quyền con người nói chung đều được các Tòa án bảo đảm thực hiện. Trong công tác xét xử vụ án hình sự hiện nay thấy rằng, các Tòa án đã thực hiện tốt các thủ tục, quyền hạn mà BLTTHS quy định đối với bị can, bị cáo. Việc bảo đảm quyền bào chữa được thực hiện tốt; đảm bảo tốt thời hạn chuẩn bị xét xử, không có tình trạng Tòa án gây khó dễ cho luật sư trong thực hiện các quyền tố tụng theo quy định…”.
Tuy nhiên, còn một thực tế hiện nay, có không ít vụ án Tòa án trả hồ sơ điều tra bổ sung do không đủ căn cứ kết tội, nhưng CQĐT làm không đạt theo yêu cầu hoặc vẫn giữ nguyên kết luận ban đầu thì một số Tòa án còn nể nang, né tránh. Dẫn tới Tòa trả hồ sơ cho CQĐT, VKS quyết định xử lý mà không mạnh dạn áp dụng nguyên tắc: Khi Tòa án đã trả hồ sơ để VKS, CQĐT điều tra bổ sung nhưng kết quả điều tra bổ sung không làm rõ được những vấn đề mà Tòa án đã yêu cầu thì Tòa án căn cứ vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa để đưa ra phán quyết, bảo đảm việc xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Nếu kết quả kiểm tra, xác minh, thu thập, bổ sung chứng cứ và tranh tụng công khai tại phiên tòa không đủ căn cứ để kết tội thì phải tuyên bị cáo không phạm tội, đảm bảo thực hiện đúng nguyên tắc “suy đoán vô tội”.
Quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành của TANDTC
Qua theo dõi thời gian gần đây, việc tăng cường công tác hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật và rút kinh nghiệm công tác xét xử được lãnh đạo TANDTC chỉ đạo tiến hành thường xuyên, rõ nét nhất là trong năm 2017. Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã ban hành được nhiều nghị quyết hướng dẫn áp dụng pháp luật; nhất là vào thời điểm “giao thời’ có hiệu lực pháp luật của các bộ luật lớn được ban hành như BLDS, BLTTDS, BLHS, BLTTHS.
Một số văn bản như Nghị quyết hướng dẫn áp dụng những quy định có lợi cho các bị can, bị cáo trong BLHS 2015 khi toàn bộ Bộ luật chưa có hiệu lực pháp luật; Hướng dẫn việc thực hiện việc miễn trách nhiệm hình sự đối với một số tội ít nghiêm trọng… được triển khai và được dư luận đánh giá cao. Hội đồng Thẩm phán lựa chọn các quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của Hội đồng Thẩm phán TANDTC mang tính chuẩn mực về áp dụng phát luật, chứa đựng nhiều nội dung hướng dẫn áp dụng pháp luật để ban hành án lệ giúp cho các Tòa án tham khảo, vận dụng trong quá trình giải quyết, xét xử các loại vụ án bước đầu có hiệu quả. Chánh án TANDTC ban hành các thông tư về phòng xử án, về việc công khai ban án để người dân có điều kiện tiếp cận bản án của Tòa án, tiếp cận công lý. Nhiều phiên tòa rút kinh nghiệm đã được tổ chức trong toàn quốc.
Trong giám đốc việc xét xử và giải quyết đơn yêu cầu giám đốc thẩm, TANDTC, Tòa án quân sự Trung ương cũng đã tổ chức nhiều đợt kiểm tra theo chuyên đề hồ sơ các vụ án hình sự của TAND và TAQS mà các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật. Các TAND cấp tỉnh thường xuyên duy trì việc giám đốc kiểm tra việc xét xử đối với TAND cấp huyện thuộc thẩm quyền quản lý. Qua đó, chấn chỉnh kịp thời các sai sót trong hoạt động nghiệp vụ; các khó khăn, bất cập được tổng hợp xem xét, tìm biện pháp tháo gỡ; các vướng mắc trong thực tiễn xét xử được tập trung nghiên cứu, tổng kết, từng bước xây dựng, ban hành các nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TANDTC để hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật.
Đồng thời, qua kiểm tra, giải quyết khiếu nại, Tòa án cũng đã phát hiện ra những vụ án oan trước đây như vụ Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang) bị kết án oan về tội giết người, cướp tài sản; vụ Huỳnh Văn Nén (Bình Thuận) bị kết án chung thân về tội ”Giết người” và “Tội cướp tài sản”; vụ Hàn Đức Long (Bắc Giang) bị kết án tử hình về tội “Hiếp dâm trẻ em” và “Giết người” và mới đây là vụ án Đặng Thị Nga bị xử lý oan hơn 28 năm ở Điện Biên… TANDTC chỉ đạo xử lý việc oan sai và tiến hành xin lỗi công khai cũng như bồi thường cho người bị oan. Những cán bộ có liên quan đều được xem xét xử lý nghiêm minh.
Những kết quả trên và sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ, nhân viên, nhất là Thẩm phán các Tòa án trong bảo vệ quyền con người, bảo vệ công lý là rất đáng ghi nhận. Tư tưởng, mục tiêu tôn trọng và bảo vệ quyền con người được Tòa án đã thực hiện có tiến bộ và hiệu quả trong hoạt động xét xử của mình, từng bước tạo niềm tin của nhân dân vào công lý.
Tuy nhiên, để duy trì và phát huy hơn nữa vai trò của Tòa án trong bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người thì cán bộ, nhân viên, nhất là Thẩm phán cần tích cực học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; trau dồi đạo đức, có sự cảm thông với con người, vượt qua những khó khăn, cám dỗ để hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ của mình. Lãnh đạo Tòa án các cấp nâng cao tính gương mẫu, có lòng tin vào đội ngũ; đồng thời tăng cường thanh tra, kiểm tra công vụ, nhanh chóng khắc phục những sai sót ảnh hưởng đến quyền con người, quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức.
Từ phía Nhà nước, phải đánh giá đúng vai trò của Tòa án trong nhà nước pháp quyền; đảm bảo cho Thẩm phán thực sự độc lập trong quá trình thực thi nhiệm vụ của mình; coi trọng các chính sách, chế độ đãi ngộ thỏa đáng cho Thẩm phán và nuôi dưỡng liêm chính; đầu tư cơ sở vật chất cho các Tòa án để các Tòa án thực sự trở thành cơ quan duy nhất thực hiện quyền tư pháp, hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người mà Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã xác định.