Để tiếp thị qua điện thoại chuyên nghiệp hơn
Giáo dục - Ngày đăng : 15:13, 24/05/2018
Nếu bạn quan tâm đến việc tham gia lĩnh vực bán hàng, đặc biệt nếu bạn muốn đạt được các kỹ năng bán hàng trong thế giới thực nhưng chưa sẵn sàng gặp gỡ khách hàng tiềm năng trực tiếp thì công việc tiếp thị qua điện thoại là một nơi tốt để bắt đầu. Theo chia sẻ từ Trưởng phòng Tư vấn Tuyển dụng Careerlink.vn, một trong những trang web nổi tiếng trong lĩnh vực hỗ trợ nhân sự và tìm kiếm việc làm thì 6 mẹo sau sẽ giúp bạn trở thành một nhân viên tiếp thị qua điện thoại chuyên nghiệp.
Tham khảo các việc làm hấp dẫn tại careerlink.vn
1. Biết tên của người nhận cuộc gọi
Trước khi gọi cho một khách hàng tiềm năng, hãy đảm bảo bạn biết chính xác tên của người đó. Nếu ngay từ đầu bạn đã gọi sai tên của khách hàng thì sẽ gây cảm giác khó chịu và họ sẽ nhanh chóng lờ bạn đi. Ấn tượng đầu tiên luôn rất quan trọng nên hãy ghi nhớ tên của người nhận cuộc gọi, nếu không chắc hãy viết tên của họ ra một mảnh giấy và để trước mặt.
2. Luyện tập giọng điệu chuẩn mực và tích cực
Nếu nhận một cuộc gọi với giọng kiểu “ngáy ngủ”, hoặc thái độ trả lời đầy hậm hực, thì ai cũng sẽ nhanh chóng muốn kết thúc cuộc trao đổi càng sớm càng tốt. Khi tiếp thị bằng điện thoại, khách hàng không thể thấy sản phẩm/dịch vụ hoặc nhìn thấy gương mặt “biểu cảm” của bạn, và khi đó “vũ khí” duy nhất chính là giọng nói của người gọi.
Giọng nói của bạn qua điện thoại có thể khác xa với thực tế. Do đó, để chắc chắn có một giọng nói truyền cảm, bạn nên thu âm để nghe lại cách phát âm cũng như giọng điệu của mình, từ đó phát hiện ra lỗi để khắc phục. Giọng nói hay có thể khiến người khác thích thú và lắng nghe bạn, vì vậy với một chất giọng chuẩn thì khả năng thuyết phục của bạn sẽ tăng cao nhiều lần.
3. “Thuộc lòng” tất cả các tính năng của sản phẩm
Cũng giống như một người tiếp thị trực tiếp truyền thống, bạn cũng sẽ phải nắm rõ tất cả thông tin của sản phẩm/dịch vụ trước khi nhấc máy. Bởi chỉ cần “ú ớ” vài lần thì cảm xúc của khách hàng sẽ giảm và bạn sẽ tăng tỉ lệ thất bại.
Tuy nhiên, bạn có lợi thế là không cần phải học thuộc lòng bởi có thể chuẩn bị giấy bên cạnh để đọc. Nhưng vì không phải trao đổi trực tiếp nên khách hàng sẽ có những câu hỏi “ngoài lề” khiến bạn phải nhanh trí để hồi đáp thuyết phục.
4. Linh hoạt thay đổi kịch bản “mẫu”
Tiếp theo thì bạn cần linh hoạt thay đổi kịch bản “mẫu” với từng trường hợp. Tất nhiên bạn sẽ được luyện tập cách giao tiếp, trao đổi thông tin sản phẩm theo “khung” của doanh nghiệp đề ra. Nhưng để thành công thì bạn không thể chỉ trả lời “máy móc” mà cần sự uyển chuyển để thu hút khách hàng. Tuy nhiên, hãy đảm bảo rằng bạn vẫn giữ lại những từ khóa chính mà công ty yêu cầu bạn sử dụng khi mô tả sản phẩm hoặc dịch vụ.
5. Ghi nhận các thông tin phản hồi và tự tìm giải pháp
Sau mỗi cuộc gọi, bạn cần bỏ chút thời gian để nghe lại các cuộc gọi trọn vẹn, và cả những cuộc bị cúp máy giữa chừng. Điều này sẽ giúp cho bạn biết rằng bản thân tại sao lại thành công, và lý do gì bị từ chối.
Khi nghe lại thì bạn cũng nên có sẵn giấy bút để ghi lại tất cả các câu “chốt sale” thành công, cũng như các câu khiến khách hàng nổi đóa. Ghi lại, nghiền ngẫm và phân tích thì từ đây bạn sẽ rút ra nhiều kinh nghiệm giúp cho các cuộc gọi sau được thành công hơn.
6. Thường xuyên áp dụng các kiến thức mới vào thực tiễn
Gợi ý cuối cùng chính là thường xuyên học hỏi nhiều điều từ đồng nghiệp, người thân, thậm chí sách vở. Khi bạn chủ động trò chuyện thì cũng sẽ góp phần nâng cao khả năng giao tiếp, và có thêm các kiến thức mới hữu ích.
Tuy nhiên, bạn cũng đừng nên chỉ dừng lại ở hiểu mà nên tìm cách thực hành vào những cuộc hội thoại thực tế để chắt lọc những cái hay, cái dở, và biết cái nào phù hợp cho bản thân. Về sau nếu bạn không còn làm tiếp thị qua điện thoại thì các kiến thức thu lượm được cũng giúp ích cho bạn rất nhiều.