CEO 8X Dũng Đoàn: Tôi đã đuổi 90% nhân sự vì thiếu trung thực
Giáo dục - Ngày đăng : 15:27, 11/05/2018
Đoàn Việt Dũng, sinh năm 1986, hiện đang là chủ sở sở hữu của Shopdunk - chuỗi siêu thị Apple lớn nhất Việt Nam. Anh đã có những chia sẻ với các bạn trẻ xung quanh việc lựa chọn nhân sự cho doanh nghiệp.
Lừa dối 1 con ốc vít cũng bị đuổi việc
Dũng cho rằng trung thực không còn là câu chuyện cá nhân, là lòng tự trọng hay nhân cách của mỗi người mà đó còn câu chuyện chung của văn hóa doanh nghiệp, là điều kiện tiên quyết để lựa chọn và trao quyền cho nhân viên trong công ty.
Trong lĩnh vực phân phối, bán lẻ, sửa chữa điện thoại, linh kiện điện tử nói riêng và nhiều ngành nghề khác nói chung, khách hàng đa phần chỉ có thể ra quyết định chi tiền dựa trên niềm tin với nhà cung cấp chứ không phải vì sự hiểu biết về chuyên môn.
Rất hiếm có trường hợp khách hàng thật sự có đủ kiến thức chuyên môn để đánh giá và thẩm định sản phẩm.
"Bởi vậy, nếu không được kiểm soát chặt chẽ, chỉ cần một nhân viên không trung thực, khách hàng sẽ dễ dàng bị móc túi mà không có cách nào phát hiện ra được. Không khó để kết luận rằng: cứ 10 người thợ sửa iPhone thì 8 người có xu hướng lừa dối, móc túi khách hàng", Dũng bày tỏ.
CEO Dũng Đoàn cho biết đã có thời điểm anh phải sa thải một loạt nhân viên, thậm chí là nguyên cả một phòng ban vì lừa dối khách hàng.
Dù phải đối diện với khả năng khủng hoảng nhân sự, anh cũng không thể dung túng cho sự thiếu trung thực bởi thiếu trung thực với khách hàng đồng nghĩa với việc tự tay ký vào bản án "tử hình" cho doanh nghiệp.
Theo vị CEO trẻ này, nhân sự công ty anh luôn thiếu vì chỉ cần phát hiện nhân viên lừa dối khách hàng 1 con ốc vít anh cũng sẵn sàng đuổi việc ngay.
Lời giải nào cho bài toán nhân sự?
Gian dối, không trung thực dường như đã “ăn vào máu” của người trẻ Việt Nam. Đây là một thực tế không ai muốn thừa nhận.
Tuy nhiên, không nhiều người hiểu được rằng thiếu trung thực không chỉ là việc mất danh dự của cá nhân người đó mà còn ảnh hưởng tới công việc, sự nghiệp, túi tiền của chính họ và cả sự sống còn của công ty.
"Tôi không dám trách cứ bất cứ ai, bất cứ một nguyên nhân đơn lẻ nào về thực trạng này, bởi tôi biết chúng ta vẫn cần cải tiến nhiều hơn nữa trong mọi mặt, từ văn hóa tới giáo dục, từ nếp sinh hoạt gia đình tới thói quen xã hội để đạt tới một trình độ tiến bộ cao hơn.", Dũng Đoàn chia sẻ.
Về phía doanh nghiệp, CEO Dũng Đoàn cho rằng doanh nghiệp không thể ngồi chờ xã hội thay đổi để sản sinh ra một thế hệ người Việt trẻ có đạo đức tốt, trung thực, đáp ứng nhu cầu vận hành của công ty mà phải tự “bơi”.
Phương án khả dĩ nhất buộc phải thực hiện để đáp ứng nhu cầu về nhân sự đó chính là chủ động mở các lớp đào tạo đầu vào cho nhân sự.
Song song với việc đào tạo về kỹ năng, doanh nghiệp cần nhấn mạnh nội dung về đào tạo đạo đức, nhân cách con người trong chương trình học. Cùng với đó, xây dựng hệ thống kiểm soát nội bộ chặt chẽ cũng là một giải pháp doanh nghiệp cần hướng tới để cải thiện mỗi ngày.
Dũng cho rằng mọi nhân viên trong công ty phải được nhắc nhở thường xuyên về tiêu chí hoạt động là sự trung thực. Bất kể hành động vi phạm nào, dù là nhỏ nhất cũng sẽ phải chịu hình phạt tương xứng. Mỗi giải pháp được đưa ra, doanh nghiệp sẽ phải chịu rất nhiều chi phí đầu tư về thời gian và tiền bạc.
Vị CEO trẻ trăn trở: "Sẽ tốt hơn biết bao nếu chúng ta chỉ cần tập trung vào kinh doanh và cung cấp giá trị cho khách hàng thay vì phải đầu tư thêm thời gian và tâm sức để đào tạo và kiểm soát những giá trị căn bản nhất của con người?
Tới khi nào người Việt Nam chúng ta mới trở nên trung thực, bớt gian dối và tập trung vào kiếm tiền chân chính hơn?"