80% học sinh mong muốn có không gian riêng tư để nói ra vấn đề của bản thân

Giáo dục - Ngày đăng : 20:56, 24/04/2018

Theo khảo sát của Bộ GD-ĐT tại Hà Nội và Hải Dương cho thấy khoảng 80% học sinh có những vướng mắc cần chia sẻ và mong muốn có một không gian riêng tư trong trường học để nói ra và tìm giải pháp cho những vấn đề của bản thân.

Theo như thông tin được đưa liệu tại Hội thảo “Đào tạo chuyên gia tham vấn học đường trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0” của Bộ GD-ĐT đã khảo sát tại Hà Nội và Hải Dương cho thấy khoảng 80% học sinh có những vướng mắc cần chia sẻ và mong muốn có một không gian riêng tư trong trường học để nói ra và tìm giải pháp cho những vấn đề của bản thân.

Đồng thời, cũng theo nghiên cứu dịch tễ trên bảy tỉnh phía bắc của cán bộ trường đại học Giáo dục cho thấy khoảng 20% các em học sinh có tổn thương sức khỏe tâm thần tới mức phải can thiệp trị liệu. Chính vì vậy, các dịch vụ tham vấn hướng nghiệp, tham vấn khủng hoảng học đường, tham vấn sức khỏe tâm thần trường học...đã và đang trở thành nhu cầu xã hội cấp bách.

80% học sinh mong muốn có không gian riêng tư để nói ra vấn đề của bản thân

 TS Bùi Văn Linh, Phó Vụ trưởng phụ trách, Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên. Ảnh Ngô Chuyên.

tTrước vấn đề đó, Bộ GD-ĐT đã ban hành nhiều văn bản, quyết định về công tác tư vấn, tư vấn tâm lý và các vấn đề xã hội cho học sinh, sinh viên. Gần đây nhất, Bộ GD-ĐT đã ban hành Thông tư 31/2017/TT-BGDĐT “Hướng dẫn thực hiện công tác tư vấn tâm lý cho học sinh trong trường phổ thông” có hiệu lực từ 2/2/2018 (Thông tư 31), góp phần giải quyết những tồn tại hiện nay.

Tuy nhiên, một hạn chế lớn trong thực tiễn triển khai công tác tham vấn, tư vấn học đường chính là nguồn nhân lực có đủ trình độ và kỹ năng. Hiện hầu hết các nhà trường chưa có cán bộ chuyên trách làm công tác tham vấn tâm lý.

Đội ngũ công tác tham vấn tâm lý trong nhà trường chủ yếu là giảng viên một số chuyên ngành như Luật, Tâm lý, Ngữ văn, Giáo dục công dân. Một số khác là giáo viên dạy Lịch sử, Địa lý hay cán bộ chuyên trách tại các phòng ban như phòng Công tác học sinh, sinh viên, Đoàn Thanh niên, Hội sinh viên. Mặc dù hàng năm, đội ngũ cán bộ kiêm nhiệm công tác tham vấn tâm lý đều được tập huấn nâng cao trình độ nhưng nội dung tài liệu tập huấn còn chưa chuẩn hóa. Cán bộ tập huấn không phải là chuyên gia tham vấn học đường có nhiều kinh nghiệm thực tế làm hạn chế năng lực tham vấn tư vấn trên thực tế của đội ngũ này.

Chia sẻ về vấn đề này, TS Bùi Văn Linh, Phó Vụ trưởng phụ trách, Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên cho biết: Theo quy định tại Thông tư 31, mỗi nhà trường sẽ có một tổ tư vấn tâm lý cho học sinh, tổ này do hiệu trưởng hoặc ít nhất là một hiệu phó làm tổ trưởng, các thành viên tùy theo điều kiện, khả năng, năng lực có số lượng khoảng từ 3-7 người và tất cả giáo viên tham gia đều phải có chứng chỉ bồi dưỡng về công tác tư vấn tâm lý. Trong thời gian còn lại của năm 2018 có thể linh động tạo điều kiện cho các thầy cô còn sau này thì tất cả những thầy cô tham gia đều phải được đào tạo chuẩn hóa theo chương trình bồi dưỡng và cấp chứng chỉ.

80% học sinh mong muốn có không gian riêng tư để nói ra vấn đề của bản thân

Ảnh minh họa. Nguồn Intenet.

TS Bùi Văn Linh cho biết thêm: Trong thời gian tới, yêu cầu bảo đảm thể chất, tinh thần cho học sinh và giáo viên đều quan trọng như nhau. Qua một vài vụ việc cá biệt xảy ra trên thực tế thời gian qua cho thấy công tác tư vấn tâm lý, tham vấn học đường trong thời gian tới cần phải được mở rộng thêm tới cả giáo viên, hướng tới sàng lọc những thầy cô gặp khó khăn để tiếp cận và hỗ trợ các thầy cô làm tốt nhiệm vụ truyền đạt tri thức, đạo đức cho học sinh.

Cũng chia sẻ về vai trò của người tham vấn học đường, Tiến sĩ tâm lý Trần Thành Nam, chủ nhiệm khoa Khoa học giáo dục - Trường ĐH Giáo dục - ĐH Quốc gia Hà Nội nói: “Đối với những quốc gia phát triển khác thì công tác tham vấn học đường đã được chú ý từ lâu. Ở mỗi trường đều có các chuyên gia tâm lý tham vấn học đường. Để làm được vị trí này thì ngoài yêu cầu mặt nghề nghiệp, ở các quốc gia đó còn yêu cầu là người làm công tác tham vấn học đường có trình độ thạc sỹ trở lên thì mới có những kỹ năng để thực hiện các công việc bảo vệ cho học sinh.

So với các quốc gia đang phát triển thì chúng ta đang lo lắng nhiều hơn về việc dạy chữ, dạy tri thức mà chưa để ý nhiều tới sự phát triển sức khỏe tinh thần của các em cũng như tối đa tiềm năng của các em.

Những người làm công tác tham vấn sẽ có vai trò giảm thiểu mọi rào cản, khó khăn về mặt tâm lý cũng như mặt học tập. Tối đa hóa tiềm năng của bản thân để giúp cho cá nhân đạt được những mục tiêu tốt nhất mà họ có thể đạt được.

Ngô Chuyên