100% sinh viên ĐH Bách khoa Hà Nội ra trường sau 6 tháng có việc làm
Giáo dục - Ngày đăng : 11:17, 24/03/2018
Thí sinh không nên chọn quá nhiều nguyện vọng
PGS. TS Trần Văn Tớp - Phó Hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa Hà Nội, người có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tư vấn tuyển sinh và đào tạo chia sẻ: “Hiện nay, thông tin rất là nhiều nên các em cần tìm hiểu kỹ càng các ngành ở top trên, top giữa và top dưới. Đối với trường top trên các em cũng chọn những ngành top trên, các trường top giữa và top dưới dựa trên kết quả thi THPT quốc gia, dựa vào kinh nghiệm và đặc biệt là tư vấn của nhà trường để có thể điều chỉnh kịp thời trước khi xét tuyển. Tuy vậy, các em đã phải đăng ký, nhưng theo quy chế cho phép các em được điều chỉnh”.
PGS.TS Trần Văn Tớp - Phó hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa. Ảnh Ngô Chuyên.
“Theo tôi, đối với các em có học lực giỏi, rất tự tin thì cũng không nên đăng ký quá nhiều có thể chỉ 5-6 nguyện vọng, những em học lực chưa giỏi hoặc chưa tự tin thì có thể đăng ký nhiều nguyện vọng tuy nhiên không nên đăng ký nhiều quá. Sau khi biết điểm các em có thể điều chỉnh được nguyện vọng, tổ hợp xét tuyển thậm chí bổ sung nguyện vọng sau khi có điểm vì điểm mình thấp”, ông Tớp chia sẻ.
Cũng theo kinh nghiệm của ông Tớp, việc chọn ngành, nghề là một điều hết sức quan trọng, chọn đúng ngành, đúng nghề mình gắn bó, học tập với nó hết sức quan trọng vì vậy phải chọn đúng. Thiếu đam mê nhiều em khi vào học sẽ thấy mình không thuộc ngành này.
Ông Tớp đưa ra ví dụ: “Năm vừa rồi, ĐH Bách khoa Hà Nội chúng tôi đã phải giải quyết một trường hợp sinh viên học rất giỏi vì số đông nên chọn vào cơ điện tử. Sau 1 học kỳ, em đó viết thư cho thầy hiệu trưởng nói với thầy hiệu trưởng thưa thầy em không thuộc về ngành này, thầy cho em chuyển về ngành Hóa. Nhà trường đã cho em đó chuyển về ngành Hóa vì quy chế tuyển sinh cho phép”.
Theo như quy chế tuyển sinh của ĐH Bách khoa Hà Nội điểm ngành Cơ điện tử cao hơn điểm ngành Hóa nên trường đã cho chuyển. “Tuy nhiên, nếu chuyển ngược lại trở nên rất khó. Vì vậy việc đầu tiên chọn đúng ngành, đúng nghề để thỏa mãn đam mê yêu thích của mình thì sẽ đam mê trong học tập”, ông Tớp phân tích.
Ông Tớp cũng lấy thêm một ví dụ, nếu em thích ngành Công nghệ thông tin mà chọn những trường cao quá không được theo tôi, trong trường hợp này thí sinh có hai sự lựa chọn: 1 là chọn ngành mình ưa thích; 2 là ngành mình ưa thích có phổ điểm rộn. Ví dụ cùng ngành Công nghệ thông tin ĐH Bách khoa Hà Nội 28 điểm còn trường nào đó 14-15 điểm nhưng nếu em thực sự yêu thích ngành Công nghệ thông tin có thể chọn rất nhiều trường khác nhau từ trên xuống dưới.
Học sinh tìm đến gian hàng tư vấn tuyển sinh của trường ĐH Bách khoa Hà Nội. Ảnh Ngô Chuyên.
100% sinh viên ĐH Bách khoa Hà Nội ra trường có việc làm sau 6 tháng
Theo chia sẻ của ông Đinh Văn Hải – Trưởng phòng công tác sinh viên – ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết, số sinh viên tốt nghiệp sau 3 tháng tốt nghiệp là 90%, sau 6 tháng gần 100%.
“Một điều đáng mừng, sinh viên ĐH Bách khoa Hà Nội đến năm thứ 4 và thứ 5 đã có việc làm khoảng 50%. Bởi trường có vì sự hợp tác với các doanh nghiệp đặc biệt là các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam rất là tốt cho nên thông qua các chương trình đào tạo sinh viên và doanh nghiệp có những thỏa thuận và tìm đến nhau vì thế cơ hội việc làm cho sinh viên thực tập rất cao”, ông Hải cho biết.
Ông Hải cũng lưu ý 4 điểm phụ huynh, học sinh nên quan tâm khi định hướng cho con chọn trường, chọn nghề cho mình: Thứ nhất nên chọn những ngành nghề nào mà thực sực các em đam mê, chỉ có đam mê yêu thích thì học mới tốt được
Thứ 2: Căn cứ vào năng lực của mình có theo đuổi được ngành đó không đam mê rồi mà năng lực không đáp ứng được thì cũng khó
Thứ 3: tập trung vào những ngành có nhu cầu xã hội đang cần, đặc biệt là các ngành có xu hướng sắp tới công nghiệp 4.0
Thứ 4: tài chính đầu tư cho con em mình học.