Leo núi, vượt sông tìm con chữ của học sinh bản Vui

Giáo dục - Ngày đăng : 08:46, 22/03/2018

Các em học sinh ở bản Vui thức dậy khi trời còn chưa sáng, nhai tạm miếng cơm nguội và chuẩn bị cho hành trình leo núi, vượt sông đi tìm “con chữ”.

Bản Vui, thuộc xã Thanh Xuân, huyện Quan Hóa, (Thanh Hóa). Bản nằm biệt lập với trung tâm xã bởi con Sông Mã. Con đường duy nhất để vào bản là con đò ngang do người dân tự góp tiền để mua. Con đò này không chỉ là cầu nối giữa bản và trung tâm mà còn là con đường duy nhất giúp các em ở đây đến trường.

Từ bờ sông, chúng tôi đi bộ hơn 9km mới vào đến trung tâm bản. Trời bắt đầu đã nhá nhem. Bên trong ngôi nhà sàn của trưởng bản Cao Công Nghĩa, ánh lửa lập lòe đã được nhóm lên. Chúng tôi được biết, bản Vui có 58 em học sinh đang phải qua sông để đến trường mỗi ngày. Chiếc đò bắc qua con sông này do bản làng tự góp tiền mua. Mỗi một hộ gia đình sẽ trực để đưa đò 3 ngày. Cứ như vậy cả bản làng sẽ quay vòng, thay phiên nhau đưa đò. Nên kinh nghiệm lái đò, hiểu về nguồn nước đối với một số hộ giường như là không có, chưa kể đến những hôm người già trực, sức yếu tay mềm nên rất nguy hiểm.  

Leo núi, vượt sông tìm con chữ của học sinh bản Vui

Trời mờ sáng các em phải đi bộ gần 9km để đến trường

“Để đến được trường, các em phải vượt hơn 9km đường đồi núi và 200m đi đò qua sông. Những ngày trời nắng còn đỡ, nhưng chỉ cần vài hạt mưa xuống, đường trở nên lầy lội, khó đi, chỉ cần sảy chân một chút có thể rơi xuống vực hoặc ngã gãy tay lúc nào không hay", ông Nghĩa cho biết thêm.

Nói về những khó khăn mà các em luôn phải đối mặt mỗi khi đến trường, em Hà Nhật Long ở bản Vui chia sẻ: “Nhiều hôm trời mưa, chúng em đến trường quần áo bẩn hết, có những bạn còn bị ngã gãy tay, bong gân khi leo đường núi. Không chỉ có vậy, có hôm mưa to, các em phải nghỉ học vì không qua được sông, hoặc phải ngủ lại trường. Biết là vất vả vậy nhưng chúng em vẫn cố gắng đến trường để học con chữ”.

Leo núi, vượt sông tìm con chữ của học sinh bản Vui

Hàng ngày các em học sinh bản Vui phải qua đò đến trường

Em Hà Anh Truyền cũng ở bản Vui cho biết: “Bọn em không có sách giáo khoa mới mà chỉ mượn lại của các anh chị đã học qua để học nên chúng em gì giữ nó rất cẩn thận để cho những đứa em khác có cái mà học”.

Chia sẻ về những khó khăn của bà con bản Vui, ông Phạm Quang Hạt, Phó Chủ tịch xã Thanh Xuân cho biết: “Trong toàn xã có 2 bản phải qua đò. Trong đó, bản Vui là khó khăn nhất. Chúng tôi đã kiến nghị nhiều lần lên chính quyền xin kinh phí xây cầu nhưng vẫn phải chờ.”

“Vẫn biết các em học sinh đi học vất vả, chính quyền đã vận động các hộ gia đình ở trung tâm xã tạo điều kiện cho các em trú lại những ngày mưa to gió lớn, để không xảy ra tình trạng đáng tiếc”, ông Hạt thông tin.

Leo núi, vượt sông tìm con chữ của học sinh bản Vui

Tất cả các em đều không được trang bị áo phao khi đi thuyền qua sông

Chào tạm biệt bản Vui, chiếc đò từ từ đưa chúng tôi qua sông, đến giữa dòng, gặp nước chảy siết nó bắt đầu lắc lư, khiến ai cũng rùng mình, nín thở. Chỉ khi đò cập bến, chúng tôi mới thở phào bước lên bờ.  

Những đoạn đường các em đến trường đã gặp không ít khó khăn, nhưng nguy hiểm hơn cả có lẽ là lúc đặt chân lên thuyền. Lúc đấy tính mạng các em đều giao phó cho người lái đò và dòng chảy của con sông. Do vậy, ước mong một cây cầu cho người dân và các em học sinh bản Vui là rất chính đáng.

Tài Đức