Hà Nội: Sẽ tiếp tục chương trình đào tạo song ngữ ở trường phổ thông
Giáo dục - Ngày đăng : 06:51, 17/03/2018
Ông Chử Xuân Dũng cho biết, Hà Nội hiện là địa phương đầu tiên của cả nước triển khai thí điểm đào tạo song bằng bậc THPT. Năm 2017, Hà Nội chính thức đưa chương trình quốc tế vào giảng dạy trong các nhà trường phổ thông và cụ thể là Trường THPT Chu Văn An và Trường Tiểu học Đô thị Sài Đồng.
Trường THPT Chu Văn An là trường đầu tiên được triển khai dạy thí điểm song bằng Chương trình đào tạo song bằng tú tài THPT quốc gia Việt Nam và tú tài Anh quốc (chứng chỉ A-level – được cấp bởi tổ chức giáo dục Cambridge. “Khóa học đầu tiên đã tuyển sinh đủ 50 học sinh chia làm 2 lớp. Ban đầu các em học khá vất vả bởi cấp THCS chúng ta chưa có sự chuẩn bị. Tuy nhiên, đến nay học sinh tiếp thu được kiến thức và tương đối khả quan về khả năng nhận được chứng chỉ A-level”, người đứng đầu Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho hay.
Cũng theo ông Dũng, Hà Nội dự kiến tiếp tục mở rộng mô hình này ở bậc THCS với 7 trường công lập tham gia thí điểm năm học mới 2018-2019 (gồm Trường THCS Thanh Xuân, THCS Cầu Giấy, THCS Nghĩa Tân, THCS Chu Văn An, THCS Trưng Vương và THCS Ngô Sĩ Liên).
“Việc hợp tác cùng các chương trình quốc tế trong mọi lĩnh vực, đặc biệt là mảng giáo dục, đã mang lại nhiều cơ hội cho Việt Nam tiếp cận những xu hướng, kiến thức và mô hình giáo dục tiên tiến. Tuy nhiên, đây cũng là một thử thách đối với các tổ chức giáo dục trong việc cải cách và hoàn thiện chất lượng giáo dục để đáp ứng nhu cầu tuyển dụng ngày càng khắt khe của nước ta”, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội nhấn mạnh.
Đại diện Cambridge International và GĐ Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội (phải) thông tin về việc sẽ mở rộng các chương trình đào tạo song ngữ tại trường công lập của Hà Nội.
GS Ben Schmidt - Giám đốc khu vực của tổ chức Cambridge International tại Đông Nam Á & Thái Bình Dương cho hay, Tổ chức giáo dục quốc tế Cambridge International đã hỗ trợ thành công nhiều giảng viên Việt Nam trong việc giảng dạy chương trình quốc tế được soạn thảo bằng tiếng Anh. Thông thường, đây là các khóa học song ngữ để có thể kết hợp cùng với chương trình giáo dục trong nước.
Đánh giá về học sinh của Việt Nam khi theo học chương trình này, TS Ben Schmit nói: “Chất lượng học sinh học chương trình song bằng ở Việt Nam rất tốt, các em đạt được những kết quả rất đáng khích lệ. Nếu so sánh với các trường khác ở trên thế giới thì có thể nói chất lượng ngang bằng hoặc thậm chỉ có thể tốt hơn".
Về hướng đầu tư cho phát triển đội ngũ giáo viên hiện có ở các trường thực hiện chương trình này, ông Ben Schmit cho hay Cambridge mong muốn phát triển đội ngũ giáo viên để giúp cho họ có được phương pháp giảng dạy mang tính chất hiện đại và tích cực tại lớp học.
Với những bước chuẩn bị đầu tiên tại trường trung học, học sinh sẽ có nền tảng vững chắc khi theo học cao hơn ở các nước khác. Những trường đại học danh giá ở Anh, Mỹ và nhiều nước khác đặc biệt chào đón những sinh viên có văn bằng chứng chỉ được cấp bởi tổ chức giáo dục Cambridge International. Hơn nữa, chứng chỉ Cambridge A level của Cambridge International là chứng chỉ học thuật trung cấp quốc tế đầu tiên được đại học Quốc gia Việt Nam tại Hà Nội chấp thuận, vì vậy học sinh sẽ có thêm lựa chọn bằng cấp để nộp vào các trường đại học trong nước.
Ông Giles Lever - Đại sứ Anh tại Việt Nam cho biết, giáo dục từ lâu đã là một trong những lĩnh vực hợp tác quan trọng nhất giữa Anh và Việt Nam. "Năm 2018 là năm đánh dấu kỷ niệm 45 năm quan hệ ngoại giao và hướng đến giai đoạn tiếp theo của mối quan hệ song phương, tôi rất vui mừng khi thấy các mối quan hệ hợp tác mới được hình thành trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Các dự án thí điểm sáng tạo giữa Cambridge International, Trường trung học Chu Văn An và Trường tiểu học Sài Đồng đánh dấu bước đi quan trọng trong việc cho phép sinh viên Việt Nam tiếp cận với nội dung chương trình và bằng cấp của thế giới”, ông Giles Lever nói.