Phụ huynh hãy là vị trọng tài phân minh nhất giữa học sinh và giáo viên
Giáo dục - Ngày đăng : 11:02, 06/03/2018
Đó là chia sẻ của một giáo viên về hưu xin được dấu tên về câu chuyện phụ huynh bắt cô giáo quỳ gối xin lỗi ở trường Tiểu học Bình Chánh. Phải chăng những vị phụ huynh này đang “tôn” con mình lên trời, chỉ vì muốn lấy lại công bằng cho con mà dùng cách hành xử “ăn miếng, trả miếng”.
Phải chăng, một số vị phụ huynh này đang cổ xúy hình thức phạm lỗi của con mình?
Tôi đọc được một dòng comment trên facebook Đình Vũ chia sẻ: “Hồi học Tiểu học, bố mẹ tôi từng đến gặp một thầy giáo chuyên đánh, tát, phạt học sinh quỳ gối suốt tiết học vì không học bài cũ, không làm bài tập… để cho tôi vào lớp thầy. Vậy mà, giờ lại có phụ huynh đến bắt cô giáo quỳ gối xin lỗi vì phạt con họ quỳ gối. Dẫu biết rằng, thời nay, thầy cô không được đánh, tát, phạt học sinh như trước nhưng nếu bênh vực con, đe dọa giáo viên đến mức này thì sao con thành người? Thầy cô đánh, phạt (trừ bạo hành) còn tốt hơn là để sau này ra đời cả xã hội vả vào mặt con mình”.
Ảnh minh họa. Nguồn Internet.
Tôi đồng ý là không nên dùng bạo lực hay những hình phạt tàn bạo để răn đe học sinh. Nhưng bạn hãy nghĩ xem, với lứa tuổi cấp một sau gia đình thì trường học chính là ngôi nhà trường thứ 2 hình thành nên nhân cách của các em.
Nếu ở trường các em không được học tính kỹ luật, tính nghiêm túc trong học tập thì liệu lên các cấp cao hơn hay ra xã hội các em có tính kỹ luật không?
Hay phụ huynh đang muốn cô giáo chỉ làm nghĩa vụ giảng bài, đến tháng nhận lương còn học sinh muốn tiếp thu như thế nào mặc kệ, nhân cách các em như thế nào cũng kệ luôn?
Thế thì một số phụ huynh nhầm rồi, nghề giáo khác các nghề khác, bởi nghề giáo là nghề trồng người, kiến tạo tương lai cho đất nước không phải chỉ làm công ăn lương. Trên vai mỗi thầy cô còn gánh rất nhiều trọng trách, áp lực và đặc biệt hơn lương tâm của nghề giáo không cho phép giáo viên phó mặc học sinh.
Tôi thử hỏi những vị phụ huynh bắt cô giáo quỳ gối xin lỗi, khi con phạm lỗi không kiềm chế được các vị có dùng phạt không? Tôi tin chắc dù ít hay nhiều trong số các vị đã có vị dùng hình phạt để dạy con. Lúc đó có ai lên tiếng không? Có ai phạt lại các vị không?
Hay các vị đang nghĩ, con mình chỉ có mình mới được phạt khi phạm lỗi? Còn thầy cô phải nâng đỡ, phải yêu chiều và chạy theo những thói hư của con các vị? Vậy cần gì các vị phải gửi con đến trường để được các thầy cô dạy dỗ.
Tôi biết, cô giáo khi nóng vội bắt học sinh quỳ gối là cô sai. Nhưng liệu có đến mức phải bắt cô giáo quỳ gối xin lỗi để lấy lại công bằng cho con mình không?
Sao các vị không thử đặt câu hỏi, cả lớp học chỉ có con mình bị phạt mà con người khác không bị phạt? Bởi lẽ các em chưa ngoan, chưa chấp hành kỹ luật cô giáo mới phạt. Nếu lúc đó, các vị bình tĩnh suy nghĩ, trực tiếp trao đổi với cô giáo bằng thần lắng nghe, thiện chí thì tôi tin sự việc này sẽ được giải quyết một cách nhẹ nhàng.
Tôi đồng tình với việc, thương thì cho roi, cho vọt nhưng qua đây cũng muốn nhắn với các cô giáo rằng nghề giáo là nghề đào tạo ra nhân cách con người, là người tạo dựng tương lai cho thể hệ trẻ. Dẫu biết, sẽ có những trường hợp học sinh hư, không lắng nghe nhưng chúng ta hãy mềm dẽo. Giáo dục con người là một hành trình nhạy cảm, đòi hỏi sự mềm dẻo trong cách ứng xử và linh hoạt trong cách giao tiếp, giải quyết tình huống.
Mong rằng, phụ huynh và giáo viên có sự gắn kết với nhau, không nên chỉ vì những việc nhỏ mà làm cho hai bên đối đầu. Tôi cũng mong phụ huynh là vị trọng tài phân minh nhất giữa học sinh và giáo viên.