Vì sao học sinh thiếu ngủ?

Giáo dục - Ngày đăng : 11:22, 07/01/2018

Dường như cuộc chiến với các kỳ thi để có thành tích cao đã khiến cho không ít học sinh mất ngủ trầm trọng. Chính vì vậy, nhiều người sau khi tốt nghiệp đi làm nhìn lại quảng thời gian học sinh, họ cảm thấy như một "cơn ác mộng". Vậy nguyên nhân do đâu?

Mới đây, tại chung kết cuộc thi Khoa học kỹ thuật học sinh trung học TP. HCM năm học 2017-2018, dự án “Vấn đề thiếu ngủ của học sinh THPT ở TP.HCM” của 2 nữ sinh Trần Thùy Trang và Phạm Thị Khánh Vy (Trường THPT Gia Định) đã nhận được sự quan tâm của dư luận. Theo nhiều học sinh, nghiên cứu đó như là một thông điệp thay các em gửi đến phụ huynh, thầy cô của mình.

Vì sao học sinh thiếu ngủ?

Trong dự án của mình, Trang và Vy cũng đề xuất các hoạt động để tuyên truyền về vai trò của giấc ngủ đến học sinh như phát hành cẩm nang “Đời dài đừng ngủ ngắn”, Bộ ảnh “Mối nguy hại của smartphone trước giờ ngủ” và “Hãy cho em ngủ”.

Để đưa dự án đến với cuộc thi, hai nữ sinh Trường THPT Gia Định đã có cuộc khảo sát với  7.363 học sinh ở các trường THPT trên địa bàn thành phố và thu được một số kết quả đáng báo động: Cứ 10 học sinh thì có đến 8 em gặp khó khăn trong việc tập trung trên lớp do ảnh hưởng trực tiếp từ giấc ngủ.

Có 81,8% học sinh ngủ dưới 7 tiếng mỗi ngày, có đến 13,7% học sinh ngủ dưới 5 tiếng. 44,1% học sinh không ngủ trưa. Thời gian học sinh đi ngủ từ 23h-0h chiếm tỉ lệ cao nhất với 39,8%, 20,7% học sinh đi ngủ sau 0h sáng, số học sinh đi ngủ trước 22h chỉ chiếm 8,6%.

Và lý do học sinh bị thiếu ngủ được 2 nữ sinh chỉ ra trong đề tài của mình là: Do áp lực học tập và ảnh hưởng từ thiết bị công nghệ. Trong đó, áp lực học tập, kiểm tra và thi cử là nguyên nhân hàng đầu ảnh hưởng đến tình trạng thiếu ngủ của học sinh phổ thông.

Theo như khảo sát, những nguyên nhân dẫn đến của học sinh là do chuẩn bị cho kỳ thi chiếm 90%; có bài kiểm tra vào ngày hôm sau là hơn 89%; làm bài tập và học bài là 86,8% và 62,1% là thời khóa biểu chưa hợp lý.

Đồng thời, trong dự án của mình, Trang và Vy cũng đề xuất các hoạt động để tuyên truyền về vai trò của giấc ngủ đến học sinh như phát hành cẩm nang “Đời dài đừng ngủ ngắn”, Bộ ảnh “Mối nguy hại của smartphone trước giờ ngủ” và “Hãy cho em ngủ”.

Giải pháp mà nhóm nghiên cứu đưa ra để khắc phục tình trạng thiếu ngủ của học sinh là: Đề nghị cơ quan chức năng lùi giờ học tiết đầu tiên, thay đổi thời khóa biểu cho phù hợp và quan trọng nhất là giảm bớt bài tập về nhà.

Theo TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, hiện nay nhiều học sinh có xu hướng đến trường với nỗi lo lắng và sợ hãi. Chương trình học ôm đồm và áp lực từ các kỳ thi đã khiến học sinh vô cùng căng thẳng, thiếu ngủ. Trong khi đó học sinh ít được trang bị phương pháp học tập cũng như một số kỹ năng cần thiết nên càng học càng rối, nặng nề. Khi những áp lực này vượt qua khả năng chịu đựng của trẻ, hậu quả xảy ra sẽ rất nghiêm trọng.

Cũng chính những nghiên cứu thực tế của học sinh để phụ huynh có thể hiểu được những áp lực, những khó khăn mà con cái mình đang phải đối mặt trong quá trình học tập.
 

Đặng Hà