Học sinh Hà Nội mất ăn mất ngủ với cuộc đua cuối cấp

Giáo dục - Ngày đăng : 08:38, 04/01/2018

Dẫu chỉ mới bước vào học kỳ 2 chưa đầy 1 tuần thế nhưng học sinh cuối cấp ở Hà Nội đã còng lưng để ôn thi. Bởi trong tâm lý của phụ huynh và học sinh Hà Nội nhiều năm trở lại đây, kỳ thi lên lớp 10 được ví còn khó hơn cả thi đại học.

Đào Phương Anh – học sinh trường THCS Thanh Trì (Hà Nội), là học sinh có thành tích cao trong học tập, nhiều năm liền đạt học sinh giỏi môn Toán cấp thành phố, thế nhưng trước kỳ thi vào lớp 10, Phương Anh cũng không hề cảm thấy dễ thở.

Học sinh Hà Nội mất ăn mất ngủ với cuộc đua cuối cấp

Cũng theo chia sẻ của nhiều phụ huynh ở Hà Nội, họ đã tập trung hết mọi nguồn lực để có thể cho con ôn tập tốt nhất. Ảnh Hải Nam.

Phương Anh chia sẻ: “Thực sự, mấy năm nay Hà Nội tuyển sinh vào lớp 10 hệ công lập giảm mạnh, nên sự cạnh tranh ngày một nhiều bởi vậy chúng em rất áp lực. Để an tâm hơn khi ôn tập, cũng như tự tin hơn khi bước vào kỳ sắp tới chúng em cũng “đua” nhau đi học thêm, ngoài học hai buổi trên ngày ở trường thì chúng em còn phải thành lập thành một nhóm và thuê gia sư kèm ở nhà”.

Ngày học cả ngày ở trường, đêm về lại thuê gia sư đêm nào cũng gần 10 giờ mới về đến nhà, Phương Anh chỉ có thời gian hơn 1 tiếng để ăn uống, vệ sinh cá nhân rồi tiếp tục học đến 1, 2 giờ sáng.

“Để em không bị phân tâm trong quá trình học tập, bố mẹ không bắt em làm việc nhà, đồng thời dành tối đa mọi thời gian để hỗ trợ cho em”, Phương Anh chia sẻ.

Được biết, Phương Anh chọn thi trường THPT Thăng Long là một trong những trường “hót” của thành phố Hà Nội. Chính vì vậy, tỉ lệ chọi rất cao.

 “Bên cạnh đó, nếu mà không đậu vào một trường công lập tốt thì cơ hội tìm kiếm suất vào một trường đại học tốt ở Hà Nội sẽ rất khó. Mặt khác, hiện nay nếu học dân lập trường tốt thì học phí bố mẹ không đủ gánh, còn nếu vào trường dân lập bình thường thì em lo môi trường, cũng như bạn bè học không ổn, như vậy cơ hội vào một trường đại học mình mơ ước lại càng khó hơn”, Phương Anh chia sẻ.

Cũng giống suy nghĩ của Phương Anh, Nguyễn Thị Minh Thư - lớp 9 trường THCS Vĩnh Tuy- Hà Nội chia sẻ: “Mục tiêu của em là thi vào trường THPT Việt Đức. Thời điểm này, em tăng cường học ôn, bố mẹ thuê gia sư về tại nhà dạy học ngày, học đêm”.

Học sinh Hà Nội mất ăn mất ngủ với cuộc đua cuối cấp

Nhiều học sinh, để ổn định tâm lý và sẵn sàng cho kỳ thi sắp tới ngay từ khi bước vào năm học đã có những chiến thuật riêng để học tập. Ảnh NC.

Được biết, thời điểm kết thúc học kỳ I làm đề thi thử, Minh Thư làm được khoảng 60% thế nhưng áp lực vẫn đè nặng lên tâm lý.  Minh Thư nói: “Tỉ lệ chọi năm nay cao. Chính vì vậy, ngay từ đầu năm học, bố mẹ đã không còn cho đi học thêm các môn năng khiếu. Tập trung toàn bộ thời gian để học”.

“Vì bố mẹ bận nên đã chuyển em về nhà ông bà ở cùng để ông bà có thể hỗ trợ ăn uống cũng như đưa đón những hôm đi học về muộn. Đồng thời, em cũng tăng cường học ôn, học nhóm cùng các bạn trong lớp”, Minh Thư chia sẻ.

Minh Thư chia sẻ thêm: “Khó khăn hiện tại chính là vấn đề ôn tập, em mong sớm có bộ đề hướng dẫn của năm nay để biết đường học, tránh học tràn lan không hiệu”.

Những chia sẻ đó cũng chính là tâm lý mà nhiều học sinh lớp ở Hà Nội đang gặp phải. Theo thông tin từ Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, năm 2018 thí sinh dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 tăng 24.000 em so với năm ngoái. Tỉ lệ “chọi” dự báo sẽ tăng cao, song tối đa cũng chỉ khoảng 60% số học sinh được học các trường công.

Những học sinh bị trượt kỳ thi tuyển sẽ phải học trường ngoài công lập, trung cấp, học nghề hoặc các trung tâm giáo dục thường xuyên. Học sinh sẽ thi hai môn Văn, Toán và xét kết quả học bạ trong 4 năm học cấp THCS.

Ngô Chuyên