Những đề xuất giáo dục đình đám nhất năm 2017
Giáo dục - Ngày đăng : 08:30, 30/12/2017
Dưới đây là những đề xuất táo bạo của ngành giáo dục, nhận được sự quan tâm và gây nhiều tranh cãi trong năm 2017.
Thí điểm không còn công chức, viên chức giáo viên
Năm vừa qua, từ “biên chế” trở thành từ khoá “nhạy cảm” đối với giáo viên. Hồi tháng 5.2017, Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ đã đưa ra ý tưởng "sẽ thí điểm không còn công chức, viên chức đối với giáo viên ở một số trường phổ thông". Câu nói này về sau được diễn dịch thành chuyện “bỏ biên chế giáo viên”.
Ảnh minh họa.
Ý tưởng này ngay từ khi đưa ra đã vấp phải sự phản ứng của nhà giáo và tranh cãi trong dư luận.
Thầy cô phản ứng là bởi có một thực tế, để có được một suất biên chế trong ngành giáo dục, giáo viên phải chạy chọt đủ đường. Với tâm lý dựa vào biên chế, lâu nay trong giáo dục đã có một “cuộc đua ngầm” vào biên chế bằng mọi giá.
Đó cũng là mặt trái của biên chế. Biên chế tuy tạo tính ổn định trong nghề nghiệp đối với giáo viên, nhưng mặt khác, nó tạo nên “bức bình phong” án ngữ, cố thủ trong nghề giáo.
Vì chính sách này đụng chạm đến quyền lợi của hàng triệu giáo viên trên cả nước nên nhiều người băn khoăn, lo lắng cũng là điều dễ hiểu. Cuối cùng, vào tháng 6/2017, khẳng định không có chủ trương bỏ biên chế giáo viên của lãnh đạo Chính phủ trước cử tri, đại biểu quốc hội đã giải toả tâm tư, nỗi lo lắng của hơn 1 triệu giáo viên, cũng như cả xã hội.
Tăng lương giáo viên, miễn học phí đến cấp THCS
Cuối năm 2017, Bộ GD&ĐT trình Chính phủ dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục với nhiều thay đổi quan trọng.
Điểm nổi bật trong dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục hiện hành là xếp lương giáo viên (GV) cao nhất trong hệ thống bậc lương hành chính sự nghiệp và miễn giảm học phí tới cấp THCS. Những đề xuất này thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận.
Lâu nay, lương giáo viên là vấn đề đã được nhắc đi nhắc mãi. Điệp khúc lương giáo viên không đủ sống, lương giáo viên thấp… được phân tích mổ xẻ rất nhiều. Chính vì vậy, không chỉ đội ngũ giáo viên mà cả xã hội đều đồng tình với đề xuất tăng lương cho giáo viên, để thầy cô yên tâm công tác.
Điều khiến nhiều người băn khoăn nhất là tiền đâu để tăng lương và miễn học phí? Hơn nữa, sau khi miễn học phí, liệu các trường có “sáng tạo” ra các khoản thu xã hội hóa, trở thành gánh nặng cho nhiều gia đình? Dù vậy, đây vẫn là những đề xuất mang tính đột phá của Bộ GDĐT trong năm vừa qua.
Kiến nghị dẹp bỏ Ban đại diện cha mẹ học sinh
Hoạt động biến tướng, trái với trách nhiệm và quyền hạn quy định trong điều lệ… đã khiến rất nhiều phụ huynh cho rằng nên xóa bỏ ban đại diện cha mẹ học sinh.
Đỉnh điểm, vào tháng 9/2017, TS Vũ Thu Hương – giảng viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội - đưa ra kiến nghị đã đến lúc nên xóa bỏ ban đại diện cha mẹ học sinh.
Sau đó, cho rằng ban đại diện cha mẹ học sinh đang “lạm quyền” khi đứng ra thu những khoản tiền vô lý, ông Vũ Quốc Bình (40 tuổi, phụ huynh học sinh trường Tiểu học Hòa Bình, quận 1, TPHCM) cũng viết đơn kiến nghị tới Văn phòng Chính phủ đề xuất dẹp bỏ hội phụ huynh. Bởi theo ông Bình, gọi là hội phụ huynh nhưng thực tế biến tướng hoạt động với mục tiêu “hội phụ thu học sinh” để thực hiện “BOT học đường”.
Ông bố Sài gòn này chia sẻ quan điểm, hàng năm, ngân sách cho giáo dục là rất đáng kể rồi, vào nhất nhì trong các ngành, giáo viên có lương, nhà trường có ngân sách.
Ngay sau đó, ông Bình đã nhận được email của Văn phòng Chính phủ về việc đã nhận được ý kiến, sẽ chuyển cho cơ quan chức năng để giải quyết.
Cuối cùng, Bộ GD-ĐT đã lên tiếng rằng, không nên xóa bỏ ban này, nhưng sẽ điều chỉnh điều lệ ban đại diện cha mẹ học sinh để tránh lạm thu.
Đề xuất cải tiến chữ viết tiếng Việt, "giáo dục" thành "záo zụk"
Đây có thể coi là đề xuất gây nhiều tranh cãi nhất trong năm 2017.
Đề xuất cải tiến chữ viết tiếng Việt do PGS-TS Bùi Hiền (nguyên Hiệu phó Trường ĐHSP Ngoại ngữ Hà Nội) đưa ra trong hội thảo “Ngôn ngữ ở VN: Hội nhập và Phát triển”.
Lý do để ông nghĩ đến việc cần cải tiếng chữ viết là vì sau hơn 40 năm làm công tác nghiên cứu, giảng dạy, viết sách, biên soạn từ điển, ông thấy chữ quốc ngữ có nhiều ký âm rắc rối. Rất nhiều người cho đến lúc già vẫn chưa viết đúng chính tả.
PGS-TS Bùi Hiền.
Từ đó, PGS Hiền đưa ra phương án làm cơ sở để cải tiến chữ viết. Sẽ bỏ chữ Đ ra khỏi bảng chữ cái tiếng Việt hiện hành và bổ sung thêm một số chữ cái tiếng Latin như F, J, W, Z và thay đổi 11 chữ cái hiện có trong bảng chữ cái hiện hành.
Một số ví dụ theo cách viết mới là: "Giáo dục" thành "záo zụk", "Tiếng Việt" thành "Tiếq Việt".
Ngay sau khi được đăng tải trên báo chí, đề xuất của PGS Bùi Hiền đã đón nhận những tranh cãi trong dư luận.Nhiều nhà khoa học, nghiên cứu về ngôn ngữ đã lên tiếng phản biện khi cho rằng đề xuất thiếu cơ sở và thực tiễn khoa học, “thừa giấy vẽ voi” sẽ gây tốn kém, lãng phí thời gian và tiền bạc.
Bất chấm nhiều luồng ý kiến trái chiều, GGS Bùi Hiền cho biết ông sẽ kiên trì, tự bỏ tiền túi để tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện đề tài cải tiến chữ viết của mình.
Giải tán phòng giáo dục
Thầy Bùi Nam – một nhà giáo tâm huyết - chia sẻ ý kiến trên giaoduc.net: Nên giải tán phòng giáo dục quận, huyện để lấy tiền tăng lương cho giáo viên. Ngay sau khi kiến nghị này được đăng tải, nhiều người bày tỏ đồng tình.
Thầy phân tích, tính chung trên cả nước, cán bộ quản lý từ mầm non đến THPT là 103.821/ 822.454 viên chức (chiếm 12,6%). Con số này chưa kể đến lực lượng viên chức tăng cường về thực hiện nhiệm vụ tại sở/phòng GD nhưng vẫn nhận lương tại các trường.
Từ đó, thầy Nam góp ý: Cần giải tán các phòng giáo dục ở các huyện, quận trong cả nước, thay vào đó tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho hiệu trưởng các trường.
Hiệu trưởng sẽ được tự chủ về chuyên môn, tài chính và các quyết định khác. Việc tổ chức thi cử, trường sẽ trực tiếp “nhận lệnh” từ Sở GDĐT. Có thể quản lý bằng công nghệ, chứ không cần qua cấp trung gian là phòng giáo dục nữa.
Ngay sau khi kiến nghị này được đăng tải, cộng đồng sư phạm, trong đó có các hiệu trưởng và đặc biệt là các giáo viên như “mở cờ trong bụng”. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, đề xuất của thầy Nam là tùy tiện, không khả thi.