BLHS năm 2015: Những quy định mới đối với người dưới 18 tuổi phạm tội

Tiêu điểm - Ngày đăng : 21:48, 08/01/2018

Theo BLHS năm 2015, chính sách xử lý đối với người dưới 18 tuổi phạm tội được quy định tại Chương XII gồm 18 điều luật (từ Điều 90 đến Điều 107).

So với BLHS năm 1999 thì Chương XII quy định đối với người dưới 18 tuổi phạm tội của BLHS năm 2015 có nhiều nội dung sửa đổi, bổ sung mới.

Tăng cường bảo vệ người chưa thành niên

Về thuật ngữ, BLHS năm 1999 đã sử dụng thuật ngữ “người chưa thành niên” để chỉ đối tượng là người dưới 18 tuổi, thuật ngữ “trẻ em” để chỉ đối tượng là người dưới 16 tuổi, đồng thời, có sự phân hoá trong chính sách xử lý đối với trẻ em và người chưa thành niên là người phạm tội cũng như quy định xử lý nặng hơn khi đối tượng bị xâm hại là trẻ em, người chưa thành niên trong một số cấu thành tội phạm cụ thể (ví dụ: tội giết người, tội mua bán trẻ em, ....). Tuy nhiên, BLHS năm 2015 đã sử dụng thuật ngữ “người dưới 18 tuổi” thay cho thuật ngữ “người chưa thành niên” và “người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi” thay cho thuật ngữ “trẻ em”...

Về nội dung, BLHS năm 2015 đã tiếp tục hoàn thiện chính sách hình sự đối với người chưa thành niên (người dưới 18 tuổi) phạm tội nhằm bảo đảm sự phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước ta về tăng cường bảo vệ người chưa thành niên. Chính sách này cũng đề cao hiệu quả phòng ngừa và tính hướng thiện trong việc xử lý người phạm tội được ghi nhận tại các Nghị quyết số 48/NQ-TW và số 49/NQ-TW của Bộ Chính trị, đồng thời bảo đảm sự phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Quyền trẻ em và các chuẩn mực pháp lý quốc tế về tư pháp đối với người chưa thành niên. Nội dung sửa đổi, bổ sung về chính sách xử lý đối với người chưa thành niên phạm tội nhằm tiếp tục hoàn thiện quy định về nguyên tắc xử lý đối với người chưa thành niên phạm tội; bổ sung các biện pháp giám sát, giáo dục trong trường hợp người dưới 18 tuổi được miễn trách nhiệm hình sự. Ngoài ra, chính sách này nhằm hoàn thiện hệ thống chế tài đối với người chưa thành niên phạm tội theo hướng tăng cường khả năng áp dụng các chế tài không tước tự do; bổ sung các chế định pháp lý về quyết định hình phạt trong trường hợp chuẩn bị phạm tội và phạm tội chưa đạt, tổng hợp hình phạt, miễn chấp hành phần hình phạt tù còn lại; hoàn thiện quy định về xoá án tích đối với người chưa thành niên bị kết án theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho các em tái hoà nhập cộng đồng.

BLHS năm 2015: Những quy định mới đối với người dưới 18 tuổi phạm tội

Hội thảo về kế hoạch vận hành Tòa Gia đình và người chưa thành niên tại TAND tỉnh Đồng Tháp 

Về nguyên tắc xử lý đối với người dưới 18 tuổi phạm tội

Điều 91 BLHS năm 2015 sửa đổi, bổ sung Điều 69 BLHS năm 1999 theo hướng ghi nhận đầy đủ hơn một số nguyên tắc xử lý đối với người chưa thành niên phạm tội đã được quy định tại Công ước Quyền trẻ em và các chuẩn mực quốc tế khác có liên quan vừa bảo đảm tăng cường hiệu quả giáo dục, phục hồi đối với người chưa thành niên phạm tội, vừa thể hiện quan điểm của Đảng và Nhà nước ta trong việc thực hiện các cam kết quốc tế bảo vệ, giáo dục trẻ em nói chung và người chưa thành niên phạm tội nói riêng, là một nỗ lực tiếp theo trong việc làm hài hòa hệ thống pháp luật quốc gia với Công ước Quyền trẻ em.

Nội dung sửa đổi, bổ sung Điều 91 BLHS năm 2015 bổ sung nguyên tắc “Việc xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội phải bảo đảm lợi ích tốt nhất của người dưới 18 tuổi” (khoản 1 Điều 91). Đây là nguyên tắc định hướng cho cán bộ tiến hành tố tụng khi quyết định lựa chọn biện pháp xử lý cụ thể đối với người chưa thành niên, nhằm tìm ra biện pháp phù hợp nhất đối với các em. Nội dung của nguyên tắc này là đòi hỏi các cơ quan, tổ chức, cá nhân, khi tiến hành một hoạt động liên quan đến việc xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội cần bảo đảm rằng quyết định đó là tốt nhất cho trẻ em trong mối quan hệ hài hòa với các lợi ích khác cũng như bảo đảm sự nghiêm minh của pháp luật.

Trên cơ sở kế thừa quy định tại khoản 2 Điều 69 của BLHS năm 1999 về miễn trách nhiệm hình sự đối với người chưa thành niên, khoản 2 Điều 91 của BLHS năm 2015 quy định người dưới 18 tuổi phạm tội thuộc một trong các trường hợp theo quy định của pháp luật và có nhiều tình tiết giảm nhẹ, tự nguyện khắc phục phần lớn hậu quả thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự và áp dụng các biện pháp giám sát, giáo dục.

Theo đó, các trường hợp được miễn trách nhiệm hình sự và áp dụng các biện pháp giám sát, giáo dục gồm: người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội ít nghiêm trọng, phạm tội nghiêm trọng, trừ trường hợp quy định tại các điều: Điều 134 (tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác); Điều 141 (tội hiếp dâm); Điều 171 (tội cướp giật tài sản); Điều 248 (tội sản xuất trái phép chất ma túy); Điều 249 (tội tàng trữ trái phép chất ma túy); Điều 250 (tội vận chuyển trái phép chất ma túy); Điều 251 (tội mua bán trái phép chất ma túy); Điều 252 (tội chiếm đoạt chất ma túy). Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng do cố ý quy định tại khoản 2 Điều 12 của Bộ luật tức là phạm tội rất nghiêm trọng thuộc một trong 28 tội danh mà BLHS năm 2015 quy định đối tượng này phải chịu trách nhiệm hình sự, trừ trường hợp quy định tại các điều: Điều 123 (tội giết người); Điều 134, các khoản 4, 5 và khoản 6 (tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác); Điều 141 (tội hiếp dâm), Điều 142 (tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi); Điều 144 (tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi); Điều 150 (tội mua bán người); Điều 151 (tội mua bán người dưới 16 tuổi); Điều 168 (tội cướp tài sản); Điều 171 (tội cướp giật tài sản); Điều 248 (tội sản xuất trái phép chất ma túy); Điều 249 (tội tàng trữ trái phép chất ma túy); Điều 250 (tội vận chuyển trái phép chất ma túy); Điều 251 (tội mua bán trái phép chất ma túy); Điều 252 (tội chiếm đoạt chất ma túy).Người dưới 18 tuổi là người đồng phạm nhưng có vai trò không đáng kể trong vụ án.

Như vậy, so với BLHS 1999, khoản 2 Điều 91 BLHS năm 2015 đã mở rộng đối tượng được miễn trách nhiệm hình sự đối với cả người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi, quy định cụ thể điều kiện miễn trách nhiệm hình sự, đồng thời bổ sung quy định về việc áp dụng các biện pháp giám sát, giáo dục đối với các em được miễn trách nhiệm hình sự nhằm bảo đảm tính khả thi cũng như hiệu quả áp dụng của chế định pháp lý này.

Những điểm cần lưu ý khi miễn trách nhiệm hình sự theo khoản 2 Điều 91

Việc miễn trách nhiệm hình sự và áp dụng biện pháp giám sát, giáo dục có thể được áp dụng ở bất kỳ thời điểm nào của quá trình tố tụng đối với vụ án, bất kể ở giai đoạn điều tra, truy tố, hay xét xử và do cơ quan tiến hành tố tụng đang thụ lý vụ việc có thẩm quyền áp dụng. Để bảo đảm lợi ích tốt nhất đối với người chưa thành niên, sớm đưa các em ra khỏi vòng tố tụng, cần xem xét, áp dụng miễn trách nhiệm hình sự càng sớm càng tốt. Quy định này không loại trừ việc người dưới 18 tuổi được miễn trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 29 của BLHS năm 2015 khi họ có đủ điều kiện quy định tại Điều này.

Một điểm khác biệt giữa hai chế định miễn trách nhiệm hình sự này là miễn trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 29 đồng nghĩa với việc trả tự do hoàn toàn cho người được miễn trách nhiệm hình sự, trong khi đó, người được miễn trách nhiệm hình sự theo khoản 2 Điều 91 sẽ phải chịu sự giám sát, giáo dục của cơ quan, tổ chức trong một thời hạn nhất định tuỳ từng trường hợp cụ thể. Do đó, chỉ miễn trách nhiệm hình sự và áp dụng biện pháp giám sát, giáo dục đối với người dưới 18 tuổi phạm tội nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 29 của BLHS năm 2015.

Ngoài ra, khoản 4 và khoản 5 Điều 69 của BLHS năm 1999 đã được sửa đổi, bổ sung theo hướng tiếp cận phù hợp hơn trong chính sách xử lý đối với người dưới 18 tuổi phạm tội. Theo đó, Công ước Quyền trẻ em khẳng định nguyên tắc: “Việc bắt, giam giữ hoặc bỏ tù trẻ em… phải là biện pháp cuối cùng và trong thời hạn thích hợp ngắn nhất”. Như vậy, cách tiếp cận của Công ước trong việc áp dụng chế tài đối với người chưa thành niên là ưu tiên áp dụng các biện pháp không giam giữ. Các biện pháp mang tính giam giữ và hình phạt tù chỉ được áp dụng khi không còn cách nào khác. Tuy nhiên, theo cách quy định tại khoản 4 Điều 69 của BLHS năm 1999 "Khi xét xử, nếu thấy không cần thiết phải áp dụng hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội, thì Toà án áp dụng một trong các biện pháp tư pháp được quy định tại Điều 70 của Bộ luật này" thì lại thể hiện theo hướng ngược lại, nghĩa là trước tiên Toà án phải cân nhắc việc áp dụng hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội. Chỉ trong trường hợp xét thấy không cần thiết áp dụng hình phạt thì mới áp dụng biện pháp tư pháp - với tính chất là những biện pháp thay thế hình phạt, nhân đạo hơn đối với người bị kết án.

Khoản 4 Điều 91 của BLHS năm 2015 đã thể hiện lại nguyên tắc này theo hướng phù hợp hơn với tinh thần của Công ước về Quyền trẻ em. Khi xét xử người dưới 18 tuổi, Tòa án trước hết phải cân nhắc khả năng áp dụng việc miễn trách nhiệm hình sự và áp dụng một trong các biện pháp giám sát, giáo dục hoặc khả năng áp dụngbiện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng đối với các em và chỉ khi xét thấy việc áp dụng các biện pháp này không bảo đảm hiệu quả giáo dục, phòng ngừa thì mới áp dụng hình phạt đối với các em. Đồng thời, khoản 6 của Điều 91 cũng quy định rõ Toà án chỉ áp dụng hình phạt tù có thời hạn đối với người dưới 18 tuổi khi xét thấy các hình phạt và biện pháp giáo dục khác không có tác dụng răn đe, phòng ngừa và với thời hạn thích hợp ngắn nhất.

(còn nữa)

PGS.TS. Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC