Người thầy áo lính với lớp học không biên giới
Giáo dục - Ngày đăng : 14:04, 22/12/2017
Lớp học không phân biệt lứa tuổi
Đêm đến, khi nhà nhà quây quần bên mâm cơm tối, thì ở một góc nhỏ của trường Tiểu học Cầm Bá Thước, xã La Lốp, huyện Ea Súp (Đắk Lắk) ánh điện vẫn sáng. Người đàn ông khoác trên mình bộ quân phục đang kê lại bàn ghế và lau bảng để đón học sinh của mình vào lớp trong ngày mới. Anh chính là đại úy Phạm Văn Hiếu – Chính trị viên phó Đồn biên phòng huyện Ea Súp.
Xã Ia Rve, huyện Ea Súp là địa phương còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, tỷ lệ hộ nghèo cao; trình độ văn hóa, nhận thức của người dân còn thấp, đặc biệt là tình trạng mù chữ trong một bộ phận người dân trên địa bàn rất cao. Bởi vậy, quá trình sản xuất người dân bị hạn chế về kỹ thuật cũng như những tiến bộ của khoa học nên hiệu quả mang lại không cao.
Hình ảnh thầy Hiếu đang dạy cho lớp xóa mù chữ.
Để gần với dân, hiểu được dân, những chiến sĩ bộ đội biên phòng phải học tiếng dân tộc thiểu số. Với mục đích hỗ trợ cho chiến sĩ, cũng như những sĩ quan mới về đồn nhận nhiệm vụ công tác sớm nắm bắt được địa bàn, Ban chỉ huy Đồn biên phòng huyện Ea Súp đã tổ chức các buổi học tiếng dân tộc.
Đại úy Hiếu chia sẻ: “Muốn hiểu được dân, muốn biết được những khó khăn của dân hay vận động được người dân đi học thì buộc mỗi người làm công tác phải biết tiếng của người dân để hiểu những gì họ nói, họ mong muốn. Đặc biệt, mỗi vùng miền sẽ có những phong tục, tập quán riêng. Văn hóa của họ mình cũng cần phải biết. Chính vì vậy, ngôn ngữ là cầu nối nhanh nhất khi muốn gần dân”.
Nhằm rút ngắn thời gian học mỗi ngày, Đại úy Hiếu cố gắng trò chuyện, làm việc cùng dân nhiều hơn, cùng dân lên nương rẫy. Điều đó giúp anh hiểu được văn hóa, thấu hiểu những khó khăn, thiếu thốn, đặc biệt truyền đạt những cách làm mới, cánh gieo trồng làm sao để tăng năng suất, tiết kiệm chi phí cho người dân nhiều hơn. Bởi vậy, cách tốt nhất vẫn là dạy chữ. Khi biết chữ, người dân sẽ tự mình có thể nghiên cứu thêm kiến thức cũng như tiếp xúc với những mô hình làm kinh tế mới, tăng năng suất, giúp cải thiện cuộc sống.
Sau những lần đi thực tế ở trong dân, Đại úy Hiếu đã mạnh dạn báo cáo cụ thể tình hình, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng kế hoạch mở lớp xóa mù chữ, giúp bà con có thể biết đọc, biết viết, biết tính toán và sau đó là biết áp dụng kiến thức khoa học kỹ thuật vào trong đời sống, sản xuất, góp phần nâng cao trình độ dân trí trên khu vực biên giới.
Học viên ban đầu chưa đủ 10 bàn tay
Ngay sau khi được sự đồng ý của cấp trên và chính quyền địa phương, Đại úy Hiếu đã đến từng nhà vận động người dân. Đi một lần không được, anh đi lần hai, lần ba cho đến khi thuyết phục được người dân đồng ý đến học mới thôi.
“Lớp học ban đầu có chưa đến 10 học viên. Để tạo hứng thú và giúp học viên không cảm thấy nản khi học, ngoài những tiết học, tôi thường tổ chức những tiết sinh hoạt văn nghệ, chia sẻ kinh nghiệm về nuôi trồng cho bà con. Đưa những cái thực tế bà con cần để bà con hiểu được. Khi biết chữ, bà con có thể đọc, có thể biết được những kiến thức mới để áp dụng vào đời sống, vào nuôi trồng, những biện pháp để bảo vệ sức khỏe hay sơ cứu khi bị thương…”.
Thế rồi, thông qua những buổi học chữ, những buổi sinh hoạt văn nghệ, anh Hiếu càng hiểu được những cái bà con đang cần, đó chính là có cái chữ để thoát nghèo. Dần dần, người dân kéo đến lớp học của anh ngày càng nhiều, từ chưa đến chục người lên đến 20 người và hiện nay lớp học của anh có 52 học viên theo học.
“Lúc học viên đến đông, tôi hiểu rằng những gì mình truyền đạt đã hiệu quả. Người dân biết được giá trị của con chữ, giá trị của những buổi học và hơn ai hết chính là tình quân dân trong đó. Tôi quan niệm rằng, ngôn ngữ là cái cầu nối giúp con người gần với nhau hơn, những buổi học không nặng nề mà là buổi chia sẻ kinh nghiệm. Từ những buổi đứng lớp, tôi cũng học được rất nhiều từ bà con, từ học viên của mình và chính họ là người giúp tôi có thể vững tin để hoàn thành nhiệm vụ và yêu hơn trọng trách là một thầy giáo mang quân hàm xanh”, anh Hiếu tâm sự.
Hàng ngày vị đại úy trẻ vẫn cùng đồng đội của mình miệt mài với lớp xóa mù chữ.
Không dừng lại ở việc dạy trên lớp, để giúp những học viên mới nhanh bắt nhịp với chương trình học của những học viên khác, ngoài những giờ giảng trên lớp anh còn tận dụng những ngày nghỉ để đến tận nhà dạy học cho học viên. Nhờ sự nỗ lực đó, lớp học xóa mù chữ của đồng chí đại úy trẻ và đồng đội đã gặt hái được nhiều thành công.
Chia sẻ về những nỗ lực của Đại úy Hiếu và cán bộ Đồn biên phòng huyện Ea Súp, ông Lê Thanh Hải - Bí thư xã Ia Rve cho biết: Sau các lớp học xóa mù chữ, xã đã phối hợp với Đồn biên phòng tiến hành khảo sát và mở các lớp học cho những người dân bị tái mù chữ. Nhờ các lớp xóa mù chữ do các chiến sĩ bộ đội biên phòng tổ chức, người dân đã biết thêm những kiến thức cơ bản như: Làm giấy khai sinh cho con, làm giấy đăng ký kết hôn, hiểu kiến thức pháp luật, biết dạy con học và biết nhìn hạn sử dụng khi mua đồ dùng”.
Đặc biệt, khi Phòng Giáo dục đào tạo Huyện Ea Súp tổ chức thi kết thúc chương trình xóa mù chữ nhằm đánh giá chất lượng học viên tham gia lớp học của thầy Hiếu, tất cả đều đạt yêu cầu, được Phòng Giáo dục cấp chứng chỉ chứng nhận.
Cái tết ghi nhận nụ cười
15 năm gắn bó với mảnh đất Tây Nguyên nắng gió, cũng là 15 năm anh ăn tết xa nhà. Những cái tết ở đồn với bà con chính là những cái tết anh hiểu được thêm giá trị của tình quân dân trong đó. “Người dân mình lành lắm, cứ đến tết, biết chúng tôi phải làm nhiệm vụ, phải xa nhà là người dân thường đến đồn để chúc tết. Những món quà chúc tết chỉ đơn giản là ít bắp ngô, củ sắn, củ khoai hay cân bột mì nhưng bản thân mỗi người lính như tôi cảm nhận đó là những món quà vô giá mà mình nhận được”, Đại úy Hiếu trải lòng.
“Mình nhớ, năm đầu tiên mình vào đây nhận công tác, cái tết đầu tiên xa nhà, cảm giác nhớ nhà đa diết. Đơn vị tổ chức làm bánh, ra đường thấy mọi người sắm sửa tết mình thấy nhớ nhà, ngồi nghĩ giờ này ở nhà bố mẹ đang làm gì, cả nhà đang gói bánh hay bày mâm ngũ quả. Chiều ngày 30 tết, cả nhà ăn cơm đoàn viên mình cũng quây quần bên mâm cơm đơn vị, nhưng thoáng trong đầu vẫn có gì đó nhớ nhà. Nhìn cảnh đồng đội nhà gần được về phép, cảm giá nhớ nhà lại càng da diết. Hiểu được tâm lý của những người mới nhận công tác như tôi, nên anh em trong đơn vị, cấp trên cũng động viên, an ủi”, Đại úy Hiếu chia sẻ.
Tết trong quân ngũ khác với tết ở ngoài rất nhiều. Buổi sáng đầu tiên của năm mới, tất cả mọi người dành cho người thân của mình, thì ở đây, những người lính biên phòng lại băng mình qua từng mét đường biên giới, kiểm tra từng cột mốc. “Ngay sau buổi chào cờ đầu năm, chúng tôi lại nhận nhiệm vụ đi tuần tra biên giới, cửa khẩu. Khác với những ngày bình thường, những ngày tết, càng phải tuần tra nghiêm ngặt hơn và số lượt phiên tuần tra cũng sẽ nhiều hơn”, Đại úy Hiếu chia sẻ.
Thế rồi, 15 năm gắn bó với đồn, gắn bó với người dân nơi đây những ngày tết, anh hiểu thêm được trách nhiệm của mình mang rất nặng trên cầu vai và thứ anh nhận lại được rất lớn chính là nụ cười và những giá trị sống khi sinh hoạt cùng nhân dân.
Một mùa xuân nữa lại về, quê hương đất nước đang chuyển mình từng ngày để vươn vai đứng dậy, Đại úy Hiếu cũng như những người lính biên phòng trên mọi miền tổ quốc vẫn luôn tràn đầy nhiệt huyết đem tuổi xuân để xóa mù chữ và xây dựng quê hương tại các vùng sâu, vùng xa của tổ quốc.