Trang mới cho Giáo dục: Cần sớm áp dụng
Giáo dục - Ngày đăng : 10:44, 07/12/2017
Cụ thể, tại 2 cuộc hội thảo góp ý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục, đại diện các Sở GD-ĐT, cán bộ quản lý và giáo viên cốt cán của các địa phương đều bày tỏ đồng thuận cao với những nội dung trong dự thảo, đặc biệt là 3 nội dung về chính sách với nhà giáo, chuẩn trình độ giáo viên tiểu học và miễn học phí cho học sinh THCS công lập.
Nhiều đại biểu đồng thuận với đề nghị xếp lương nhà giáo cao nhất trong hệ thống thang bảng lương hành chính sự nghiệp. Ảnh- Hải Nam
Theo đó, vấn đề đề nghị xếp lương nhà giáo cao nhất trong hệ thống thang bảng lương hành chính sự nghiệp nhận được sự ủng hộ rất lớn từ đội ngũ giáo viên, bởi điều này góp phần giúp nâng cao đời sống nhà giáo, từ đó các thầy cô yên tâm công tác, cống hiến cho ngành, đồng thời thu hút được nhiều người giỏi vào ngành sư phạm.
Việc nâng chuẩn giáo viên tiểu học lên trình độ cao đẳng, ý kiến từ các địa phương khẳng định, đây là sửa đổi cần thiết và khả thi, vì hiện nay hầu hết giáo viên tiểu học đã đạt trên chuẩn. Nếu được chính thức đưa vào Luật, điều này sẽ thúc đẩy chất lượng đội ngũ, nâng cao chất lượng giáo dục tiểu học.
Vấn đề chính sách phổ cập liên quan đến học phí, trong đó đề xuất mở rộng đối tượng miễn học phí đến học sinh THCS trường công lập tại dự thảo Luật cũng nhận được sự đồng tình, nhất trí cao. Các ý kiến cho rằng, việc này thể hiện rõ sự nhân văn trong chính sách giáo dục đào tạo.
Một số nội dung có tính đột phá trong dự thảo Luật cũng được các địa phương đưa ra như sửa đổi, bổ sung khoản 4, Điều 100, quy định UBND các cấp chịu trách nhiệm về chất lượng giáo dục của địa phương; sửa đổi, bổ sung hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng mở, linh hoạt, liên thông giữa các cấp học và trình độ đào tạo.
Tại các hội thảo, một số đề xuất cũng được gửi tới Ban soạn thảo như đề nghị xem xét miễn học phí cho trẻ mầm non 5 tuổi, nên có hệ GDTX cấp huyện, chính sách cần quan tâm tới đối tượng là cán bộ quản lý giáo dục.
Chủ trì các cuộc hội thảo góp ý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ khẳng định, Ban soạn thảo sẽ nghiêm túc tiếp thu các ý kiến, để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật.
Thứ trưởng hy vọng những vấn đề được đề cập trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục sẽ mang lại niềm vui cho những người làm giáo dục, góp phần đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT.
Mở rộng đối tượng miễn học phí sẽ tạo cơ hội cho trẻ em nghèo đến trường nhiều hơn. Ảnh Hải Nam
Đồng thời, Bộ GD-ĐT cũng nêu là 4 lý do quan trọng đặt ra cần phải sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục là:
Lý do thứ nhất: Yêu cầu thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, Quốc hội về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT tại Nghị quyết số 29-NQ/TW và Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội.
Lý do thứ hai: Đảm bảo phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013. Theo Thứ trưởng, một trong những nội dung quan trọng trong Hiến pháp năm 2013 là những quy định về GD-ĐT, điều đó thể hiện qua khẳng định “Công dân có quyền và nghĩa vụ học tập” (Điều 39); “Phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu nhằm nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, Nhà nước ưu tiên đầu tư và thu hút nguồn đầu tư khác cho giáo dục…” (Điều 61).
Nhằm triển khai quy định trên, Nhà nước cần xây dựng chiến lược học tập suốt đời, theo đó mọi người đều có cơ hội được đi học; các hình thức học tập phù hợp với từng đối tượng và được quản lý một cách chặt chẽ theo tiêu chuẩn thống nhất tương ứng với trình độ. Đổi mới nền giáo dục theo hướng phát triển năng lực và nhân cách người học, xây dựng nền giáo dục thực chất và hiện đại.
Lý do thứ 3: Khắc phục những bất cập của Luật Giáo dục hiện hành. Với nội dung này, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ phân tích: Hiện nay, một số nội dung chính sách và điều khoản của Luật đã không còn phù hợp với yêu cầu thực tiễn và phát triển nền giáo dục theo định hướng mở, liên thông, hội nhập quốc tế và cuộc cách mạng khoa học công nghệ 4.0.
Một số nội dung cơ bản của hệ thống giáo dục trong Luật như: Cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân, quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, chương trình giáo dục phổ thông, sách giáo khoa, phân luồng sau trung học, giáo dục thường xuyên, phân cấp quản lý nhà nước trong lĩnh vực giáo dục… đã bộc lộ những hạn chế bất cập cần sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện chính sách, pháp luật nhằm tháo gỡ những vướng mắc trong thực tiễn thi hành.
Lý do thứ 4: Đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất với các luật hiện hành có liên quan.
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh: Bộ GD-ĐT cũng như Ban soạn thảo dự án Luật nhận thấy, việc tổ chức lấy ý kiến rộng rãi của các chuyên gia, nhà quản lý, nhà giáo và những đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của Luật sẽ rất có lợi, vì qua đó những người hoạch định chính sách sẽ hiểu sát thực tiễn để có những quy định phù hợp với cuộc sống.