Cô giáo 9X với buổi sinh hoạt cuối tuần

Giáo dục - Ngày đăng : 12:33, 09/11/2017

Để tạo cảm hứng cho học sinh trong mỗi giờ sinh hoạt lớp cuối tuần, cô giáo Phan Hồng Anh - giáo viên môn Toán trường THPT chuyên Hà Nội Amsterdam đã thay đổi cách sinh hoạt truyền thống bằng mỗi tuần một chủ đề, để học sinh tự chuẩn bị và thuyết trình.

Không đặt tiêu chí trò phải sợ

Gặp cô giáo Hồng Anh tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện cuộc vận động “Mỗi thầy cô là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo giai đoạn 2007-2017, đánh giá 1 năm thực hiện phong trào thi đua “đổi mới sáng tạo trong dạy học và giải thưởng nhà giáo có tâm huyết, sáng tạo lần thứ nhất năm 2016-2017”.

Hình ảnh một cô giáo dịu hiền, nho nhã nụ cười tỏa nắng bất kể ai cũng thiện cảm. Trò chuyện cùng cô mới biết cô sinh năm 1991, là cựu học sinh chuyên Toán trường THPT chuyên Hà Nội Amsterdam.

Cô giáo 9X với buổi sinh hoạt cuối tuần

Cô Phan Hồng Anh đoạt giải đặc biệt cuộc thi "Cô giáo tài năng, duyên dáng toàn quốc" năm 2017. Ảnh Ngô Chuyên.

Ngay sau khi tốt nghiệp trường Đại học Sư phạm Hà Nội Hồng Anh trở về với ngôi trường mình từng học và vun đắp ước mơ cho cô trở thành cô giáo. Tại đây, ngoài công tác giảng dạy, cô còn có vai trò là bí thư chi đoàn giáo viên đồng thời là cô giáo chủ nhiệm.

Với tiêu chí không muốn học trò sợ mình, mà muốn học trò xem mình là người bạn, gần gũi với học trò. Chính vì cố đã biến mỗi giờ sinh hoạt theo hình thức nhìn nhận, đánh giá những tổng kết một tuần qua bằng những hoạt động trải nghiệm, những chủ đề riêng kích thích sự sáng tạo của học sinh.

Cô Hồng Anh chia sẻ: “Hiện nay, đối với tiết sinh hoạt này thì đa phần là các thầy cô vẫn hay tập trung vào những hoạt động như sơ kết tuần và tập trung vào phê bình, nhận xét những ưu nhược điểm trong cái tuần đó”.

“Nếu mình tập trung vào các hạn chế trong tuần của học sinh như vậy vô cùng nhàm chán, làm giảm hiệu quả mình cần đạt được trong sinh hoạt. Trong khi hiện nay, chủ trương của ngành giáo dục của mình chuyển dần từ kiến thức chuyên môn sang bồi dưỡng kỹ năng sống cũng như rèn luyện các hành vi hằng ngày cũng như lý tưởng sống cho các em”, cô giáo 9X phân tích.

Để lôi kéo cũng như thu hút các em hứng thú với giờ sinh hoạt cuối tuần, cô đã tổ chức những hoạt động trải nghiệm, chuyên đề sinh hoạt cho cuối tuần cho các em. “Để có thể đổi mới cách sinh hoạt, lôi kéo được học sinh thì em có sử dụng, những hoạt động giáo dục tích cực vào các tiết sinh hoạt, theo như chủ đề mà mình chọn hàng tuần thì các em học sinh sẽ đề ra muốn làm gì và tham gia các hoạt động gì".

"Thực sự như vậy tiết sinh hoạt sẽ trở thành một tiết hoạt động có thể là ngoại khóa diễn ra ở trong lớp hoặc có thể là ngoài lớp. Các hoạt động ấy phải thực sự có  tham vấn của học sinh không đơn thuần chỉ là nghe một chiều từ giáo viên”, cô Hồng Anh nói.

Cô giáo 9X với buổi sinh hoạt cuối tuần

Hồng Anh chia sẻ: "cô sẵn sàng trò chuyện với học trò của mình bất cứ lúc nào, không chỉ là nói trực tiếp mà còn qua tin nhắn, chat Zalo, Facebook…". Ảnh Ngô Chuyên.

Buổi sinh hoạt biến thành buổi thuyết trình

Chia sẻ về những ấn tượng trong buổi sinh hoạt của mình, cô giáo trẻ Hồng Anh nói: “Buổi sinh hoạt mình tâm đắc nhất là buổi sinh hoạt về áo dài. Bởi hiện nay đang thời đại hội nhập, các em có rất nhiều cơ hội để đi khắp nơi trên thế giới, giao tiếp rất nhiều với người nước ngoài, trang phục truyền thống sẽ là cái ấn tượng đầu tiên của bất kỳ ai khi nhìn vào mỗi người. Chính vì vậy, chủ đề áo dài mình đưa ra sẽ giúp các em hiểu biết thêm về kiến thức về trang phục truyền thống đặc biệt là nét đẹp truyền thống của dân tộc”.

Để tạo không khí sôi nổi, cô giáo trẻ Hồng Anh đã chia lớp mình thành nhiều nhóm, mỗi nhóm một phần việc để tìm hiểu và sau đó thuyết trình. “Ban đầu em cũng khá suy nghĩ khi đưa ra cách sinh hoạt lớp mới này. Bởi để có giờ sinh hoạt như thế này, các em sẽ phải chuẩn bị nhiều hơn đặc biệt em cũng lo các em sẽ không hào hứng. Thế nhưng, ngay buổi đầu tiên thay đổi các em lại thích những tiết sinh hoạt lớp cuối tuần như vậy, đặc biệt là những bạn ngày trước có thành tích không được lý tưởng lắm”, Hồng Anh nói.

“Từ khi thay đổi cách thức sinh hoạt dường như buổi sinh hoạt cuối tuần đó không còn cảm giác nặng nề, học sinh cảm thấy các bạn yêu thích hơn, thậm chí những tiết sinh hoạt như vậy còn hơn cả những tiết học chuyên môn”, cô Hồng Anh vui vẻ trải lòng.

Cũng theo cô Hồng Anh: “Học sinh bây giờ có cái tôi cá nhân rất mạnh, với lứa tuổi này các bạn đã có ý thức về khả năng của bản thân và cac em mong muốn được tôn trọng cái tôi. Bản thân em là giáo viên chủ nhiệm ở trường luôn muốn lắng nghe học sinh trong mọi vấn đề”. “Làm giáo viên chủ nhiệm cái quan trọng là cái lắng nghe học sinh của mình”, cô Hồng Anh trải lòng.

Ngô Chuyên