Đổi mới giáo dục: Thành công hay thất bại phụ thuộc vào giáo viên
Giáo dục - Ngày đăng : 17:21, 19/10/2017
Với vai trò là một nhà quản lý, nhà giáo gắn bó với nghề giáo gần 40 năm, thầy Lê Đức Dũng, Hiệu trưởng trường Tiểu học Xuân Đường, Đồng Nai đã có cuộc trao đổi với phóng viên báo Công lý về phương pháp học cũng như đổi mới giáo dục hiện nay.
PV: Theo ông, điều khó khăn nhất mà chúng ta gặp phải trong đổi mới giáo dục?
Thầy Lê Đức Dũng: Đổi mới giáo dục, giáo viên cần phải liên tục đổi mới trong khi đó lương không tăng, điều kiện làm việc không tăng, do đó nói giáo viên cần đổi mới là cực kì khó. Nếu cái gì nói bằng mệnh lệnh, con dấu vô tình thì người ta sẽ đối phó ngay thôi. Còn nói làm sao để anh em chấp nhận, người ta tin mình, nghe mình cùng làm, cái đó mới là cái khó nhất.
Vai trò người thầy là quan trọng nhất trong đổi mới giáo dục. Ảnh Ngô Chuyên.
Nếu không có sự đồng thuận trong nhà trường thì nhiều khi việc trong trường chưa biết hết mà người ngoài đã thông tỏ thì sẽ không bao giờ làm được điều gì tốt đẹp cả.
Tôi cho rằng, cái khó nhất của người quản lý là đối diện với đội ngũ giáo viên. Tôi hay nói đùa nhưng mà thật, khi tôi bố trí họp hội đồng nhà trường là tôi phải họp hình chữ U.
Vì tôi sợ 4-5 chục ánh mắt hướng vào tôi, những ánh mắt đó luôn đòi hỏi ở người quản lý những điều họ mong muốn, mình sợ mình không làm được sẽ khiến họ thất vọng.
PV: Theo ông, vai trò của người thầy như thế nào khi đổi mới giáo dục?
Thầy Lê Đức Dũng: Quan trọng nhất của đổi mới giáo dục là người thầy. Nếu không có người thầy tốt thì mọi cuốn sách hay đểu trở nên vô nghĩa, chính người thầy sẽ biến cuốn thường thành cuốn sách tốt và ngược lại.
Mấu chốt là đội ngũ, trong mọi đổi mới, nếu không từ người thầy thì coi như thất bại. Và để có được người thầy tốt thì cần vai trò của người quản lý. Người hiệu trưởng không canh cánh mang đến những điều tốt nhất cho đội ngũ giáo viên, cho nhà trường của mình thì dù có làm gì đi chăng nữa thì chất lượng của nhà trường cũng sẽ không có chiều sâu.
Các hoạt động cần nhất của người quản lý là phải làm sao để mỗi tiết dạy, giáo viên thấy thoải mái, học trò thấy thoải mái thì chắc chắn thành công. Còn mình chưa biết thì chắc chắn anh em cảm thấy nặng nề.
Người ở vị trí quản lý thì nên đưa người có chuyên môn lên làm thầy, người làm quản lý phải là người biết chia sẻ tâm tư, ngẫm nghĩ cùng anh em. Xu thế hiện nay, tôi không phê bình nhưng có quá nhiều tiêu chí khiến việc chọn 1 người lãnh đạo có chuyên môn đang bị lu mờ.
PV: Cảm xúc của thầy khi được trở thành một đại diện cho tất cả các giáo viên trong tỉnh tham dự lễ tuyên dương này?
Thầy Lê Đức Dũng: Lễ tuyên dương là để tôn vinh sự sáng tạo. Vì tôn vinh cái sáng tạo đó nên tôi mới có mặt ở đây, so với thành tích của các trường khác trong tỉnh Đồng Nai thì anh em chúng tôi không phải là cờ đầu. Vì thi có giải Olympic thì đã có trường chuyên, thi tiếng Anh trên mạng thì cũng có 1 số trường tiểu học trọng điểm của thành phố.
Nhưng anh em được tuyên dương vì Sở GD-ĐT nhìn nhận rằng, trong những điều kiện khó khăn nhất định đó, anh em chúng tôi vẫn lấy được những điểm tích cực của mô hình trường học mới, chúng tôi dạy được học sinh, tạo được sự đồng thuận với cha mẹ học sinh.
Chúng tôi đã tạo ra chất lượng để tạo niềm tin nơi mô hình này. Do đó, cách sáng tạo này, tôi nghĩ là một cách làm hay, không đi đường mòn. Tôi vẫn nói với các anh em rằng, một là mình giỏi nhất, hai là mình phải là người mới nhất, khi mới nhất thì mình đã là người sáng tạo.