Nhiều thí sinh 25 điểm vẫn lo trượt nguyện vọng 1
Giáo dục - Ngày đăng : 13:54, 19/07/2017
Phụ huynh méo mặt cùng con
Lo lắng, hoang mang và cảm thấy bất an khi đưa ra quyết định chọn trường cùng con, chị Trần Thị Lý (ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) chia sẻ: “Đây là đứa con thứ 3 của mình thi đại học. Và năm nay con vất vả nhất không phải là giai đoạn làm bài thi mà là quá trình chọn trường”.
Nhiều thí sinh 25 điểm vẫn lo trượt nguyện vọng 1. Ảnh Ngô Chuyên.
Chị Lý chia sẻ thêm: “Tôi thực sự cảm thấy hoang mamg khi nhiều trường top đầu như Đại học Y, Đại học Luật, Đại học Ngoại thương cũng lấy bằng điềm sàn hoặc nhỉnh hơn một tí là 17-18 điểm. Mà điển hình Đại học Y Hà Nội từ trước tới nay có bao giờ lấy dưới 26 điểm đâu. Phải chăng các trường đang đánh lừa thí sinh”.
Được biết, con gái chị Lý năm nay thi được 25 điểm, thế nhưng cả nhà vẫn lo lắng con sẽ trượt điểm nguyện vọng 1 Đại học Ngoại thương. “Năm nay, thí sinh được phép đăng ký nhiều nguyện vọng nữa nên tỉ lệ ảo lại càng cao. Hai ngày này, vợ chồng tôi đang xem xét có nên thay đổi nguyện vọng cho cháu xuống trường thấp hơn không. Bởi điểm 25 là cháu cũng thuộc dạng khá nhưng khi trượt nguyện vọng 1 thì chọn các trường nguyện vọng 2 càng khó”, chị Lý trải lòng.
Cũng có con năm nay thi đại học, chị Trần Thị Sang chia sẻ: “Tôi mong rằng các trường top đầu nên cân nhắc thật kỹ điểm nguyện vọng 1 không nên chỉ dựa theo điểm sàn của bộ. Nên lấy sát với điểm trúng tuyển để học sinh có thể cân nhắc rõ, chỉ còn mấy ngày nữa là hết thời gian thay đổi nguyện vọng”.
“Trước đây, con đầu của tôi đi thi đại học về là biết đỗ hay không rồi. Nhưng mấy năm nay, đỗ hay không còn phải may mắn. Năm nay con tôi đăng ký trường Luật thi khối C, mà từ trước tới nay trường Đại học Luật chưa bao giờ lấy dưới 20 điểm thi khối C. Nhưng năm nay nhận hồ sơ từ 15,5, tôi thấy các trường đang tạo tâm lý bất an cho phụ huynh và học sinh ấy”, chị Sang chia sẻ.
Chị Sang cũng nhấn mạnh thêm: “Tôi nhớ cảnh cách đây 3 năm, một phụ huynh ở tỉnh tôi phải thuê xe cứu thương đi rút hồ sơ cho con. Hay trường hợp, nhiều thí sinh 28 điểm vẫn trượt Đại học Y Hà Nội, đó là bài học đắt giá thế mà các trường chưa tỉnh”.
Thi sinh nên cân nhắc kỹ khi thay đổi nguyện vọng. Ảnh Ngô Chuyên.
Thí sinh lưu ý khi thay đổi nguyên vọng
Nhằm giảm bớt những lo lắng cho phụ huynh và học sinh khi thay đổi nguyện vọng. Ông Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng - Bộ GD-ĐT chia sẻ: “Nếu những thí sinh điểm dưới điểm sàn xét tuyển của các trường thì chắc chắn phải điều chỉnh. Trong trường hợp điểm trên mức sàn xét tuyển từ 0,5 đến 3 điểm thì thí sinh mới cần cân nhắc. Thí sinh vẫn nên tham khảo phổ điểm theo tổ hợp xét tuyển của năm trước và năm nay để dự đoán mức biến động của điểm chuẩn và đưa ra những lựa chọn chính xác. Căn cứ phổ điểm, thí sinh sẽ xác định được số người có mức điểm bằng và cao hơn mức điểm của mình trong năm 2017".
Bên cạnh đó, ông Nghĩa lưu ý: “Theo quy định, thí sinh đủ điểm để trúng tuyển nhiều nguyện vọng sẽ chỉ được quyền vào học ngành có nguyện vọng với thứ tự ưu tiên cao nhất. Ý nghĩa của thứ tự nguyện vọng ưu tiên khi trường đặt ra tiêu chí phụ là ưu tiên thứ tự nguyện vọng cao của thí sinh trong trường hợp quá nhiều thí sinh có đầu điểm tương đương. Vì thế, các em phải cân nhắc kỹ khi xác định thứ tự ưu tiên của các nguyện vọng khi đăng ký xét tuyển và khi điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển”.
Năm nay, thí sinh đăng ký rất nhiều nguyện vọng, chính vì vậy, Bộ GD-ĐT đã xây dựng phần mềm xét tuyển để hỗ trợ các trường. Và có hai khu vực xét tuyển là: Nhóm khu vực phía Nam và nhóm khu vực phía Bắc.
Theo đánh giá Bộ GD-ĐT, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết: “Phổ điểm truyền thống sự phân hóa giữa phổ điểm khối A và B. Đây là những khối mà đông thí sinh nhất, tuy nhiên năm nay không khác biệt nhiều so với năm 2016. Đặc biệt, cái đường cong của điểm cao thoải hơn, do vậy các trường tuyển sinh mà có điểm chuẩn cao sẽ không có khó khăn gì trong việc sơ tuyển, không cần sử dụng quá nhiều tiêu chuẩn phụ”.
“Tuy nhiên, nay có nhiều em đạt điểm cao hơn, vì vậy trong đợt điều chỉnh hồ sơ mới thí sinh có thể cân nhắc để đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng và các em được quyền đăng ký nhiều nguyện vọng. Ví dụ như: thí sinh có thể đăng ký đa khoa Hà Nội, Hải Phòng, TP. HCM…. Các em đăng ký nhiều nơi như vậy các điểm của các em phù hợp với trường nào mình có thể chọn trường đó. Các em có thể trúng tuyển được nguyện vọng, đúng ngành nghề mà mình yêu thích”, Thứ trưởng Bùi Văn Ga chia sẻ.