Ngôi trường đặc biệt lấy lại niềm tin đã mất của phụ huynh với những đứa con cá biệt
Giáo dục - Ngày đăng : 11:14, 27/06/2017
Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) là trường dân lập, sống bằng kinh tế thị trường lại dám tuyên bố “không chọn lọc đầu vào nhưng đảm bảo chất lượng giáo dục toàn diện để học sinh “nên người” và “thành người". Ngôi trường mà luôn bị mọi người truyền khẩu, dán nhãn chuyên nhận những học trò “kinh hoàng” trở thành những học trò “đàng hoàng”, “nên người”.
Hình ảnh tại lễ khai giảng đầu năm học của trường THPT Đinh Tiên Hoàng. Ảnh lấy từ website của trường.
Hãy bắt đầu từ cảm nhận của những học sinh đã ra trường
Với 28 năm thành lập, trường đã đào tạo được gần chục ngàn học sinh ra trường, nhiều em đỗ hai trường đại học, học thạc sĩ, tiến sĩ, như học sinh Ngô Thanh Tùng - Khi học ở trường, Tùng đã là cán bộ đoàn xuất sắc, được giải thưởng “Lý Tự Trọng” của Trung ương Đoàn. Hiện em vẫn là cán bộ Đoàn, là chủ nhiệm khoa của trường đại học Kinh tế Công nghiệp Hà Nội.
Hay học sinh Nguyễn Khắc Hiếu, là ca sĩ Sao Mai Điểm Hẹn năm 2008; Chắc trường nào cũng có những học sinh thành đạt, nhưng tôi muốn nêu ở đây một vài cảm nhận tự nhiên của học sinh sau khi đã học xong ở trường THPT Đinh Tiên Hoàng.
Em Trần Hải Yến - cựu học sinh của trường, đang học ở University – thành phố SanDiego, tiểu bang California của Mỹ gửi thư về tâm sự với cô giáo chủ nhiệm Tạ Thị Bích Vân. Vào lớp 10, Yến bất mãn vì không thi đỗ vào trường công, có điểm cao nên bố mẹ phải xin cho em vào trường THPT Đinh Tiên Hoàng để học vì thế em đã theo bạn bè nghỉ học chơi bời bố mẹ phải đến chuộc về. Được cô giáo chủ nhiệm giúp đỡ, Yến đã phấn đấu trở thành học sinh giỏi, được bố mẹ thưởng cho đi du học Mỹ. Từ môi trường đa văn hóa này, em đã nhận ra giá trị khi mình được học ở trường.
Yến tâm sự: “Trường đã dạy cho em và các bạn giá trị sống. Cùng thời gian đó, thầy hiệu trưởng mở thêm các tiết học giá trị sống. Sau những câu chuyện cô kể, học sinh đều lặng người và ngẫm nghĩ. Em nhớ nhất là câu chuyện cái đinh. Cô đã dùng những tiết giá trị sống để dạy cho em cách xử xự nói riêng và cách làm người nói chung"
"Em thấu hiểu ra được cái gì cũng có giá trị của nó (từ con người, tình cảm, vật chất, kiến thức, đồng tiền, lời nói và rộng lớn hơn là cuộc sống); nếu sở hữu cái gì mà không biết giá trị của nó thì đồng nghĩa là cái đó vô giá trị. Nếu sống mà không biết được giá trị thì suốt đời sẽ đặt dấu hỏi, sống để làm gì?", Yến cho hay.
Với suy nghĩ chẳng ai sinh ra là dốt nát, chẳng ai đi học mà không muốn là học sinh ngoan trò giỏi, hay là được đi chơi cùng bạn bè, cũng như là thành công trong đời; nhưng sự khác biệt của mỗi người là cách nhìn và chấp nhận chữ "thành công" đó. "Em đã học được rất nhiều từ ngôi trường tai tiếng và lấy lại là được bố mẹ tin tưởng và quan trọng nhất là được học cách làm người”, Yến chia sẻ.
Yến tâm sự thêm: "Em thật tự hào vì là học sinh của cô và được học những tiết học giá trị sống trong khi các bạn em chưa từng được biết lớp giá trị sống là gì. Đi du học, ai cũng tốt nghiệp từ trường cấp 3 danh tiếng hay lớn lên từ gia đình có học danh giá; khi bạn con hỏi cấp 3 học ở đâu đấy, em tự hào và nói dân lập Đinh Tiên Hoàng, cái trường duy nhất dậy giá trị sống”.
Khi lấy tài liệu xong ở trường, tôi đã vẫy taxi để ra về. Khi ngồi trên xe, người lái taxi trẻ tuổi nhìn tôi và hỏi: “Chị đến trường này xin học cho con hay đến làm việc?” – Tôi nói tôi đến làm việc thôi, anh bạn lái xe đã tự giới thiệu “em là cựu học sinh Đinh Tiên Hoàng đấy. Khi học, em cũng chưa chăm học nên không thi được vào đại học. Ra trường loay hoay kiếm sống, em đã chọn được nghề lái taxi này".
"Em biết ơn trường Đinh Tiên Hoàng đã cho em biết cách sống. Những điều các thầy cô dạy trong trường nhiều lúc chúng em không thấy hết, nhưng ra trường rồi, chúng em mới ngấm. Để thành công, trở thành ông nọ bà kia chắc ai cũng muốn nhưng mấy người làm được. Em nghĩ, thời buổi hiện nay, trước hết hãy là người tử tế cũng là tốt lắm rồi", anh tài xế chia sẻ.
Cảm nhận tình cờ của người lái taxi đã cho tôi thấy giá trị của một ngôi trường biết dạy những học sinh “nên người”. Đây chính là giá trị mà trường đã mang đến cho học sinh của mình gần ba chục năm qua.
Con đường dẫn đến thành công của trường THPT Đinh Tiên Hòang
Khi tôi hỏi nhà giáo ưu tú, TS Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hội đồng giáo dục nhà trường, Chủ tịch Hội Tâm lý – Giáo dục học Hà Nội: “Với đối tượng “không chọn lọc đầu vào”, trường đã gặp những khó khăn vất vả như thế nào?"
Để thực hiện mục tiêu dạy học sinh nên người, chúng tôi đã dạy chương trình giáo dục giá trị sống – kỹ năng sống của quốc tế, dạy chính khóa từ 2003 đến nay. Ảnh Ngô Chuyên.
Thầy Lâm khiêm tốn và nhẹ nhàng chia sẻ: "Học sinh của trường cũng như nhiều trường dân lập khác, không chọn lọc đầu vào có nghĩa là chúng tôi chỉ nhận được những học sinh có điểm thi vào THPT thấp, mà điểm thấp có nghĩa là những học sinh này gần như cả 4 năm học THCS các em chưa học, học một cách qua loa do bản thân mỗi em thiếu ý thức, gia đình không quan tâm cụ thể, sâu sát, thầy cô chủ quan không sâu sát từng học sinh, cốt cho đủ điểm lên lớp… Những học sinh này không những rơi vãi kiến thức cơ bản, nền tảng, mà các em còn mất thói quen tự học, khả năng độc lập suy nghĩ yếu, lại là những học sinh có cá tính mạnh, thích gì làm nấy, sống không có nền nếp, kỷ luật, ở cả gia đình và nhà trường. Tóm lại, đến trường chúng tôi phải làm lại từ đầu tất cả, trong suốt 3 năm THPT".
"Và một khó khăn khác rất quan trọng là: 80% học sinh chính là con em những người lao động nghèo, gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống, nên không thể thu học phí cao để chi cho những hoạt động giáo dục chất lượng cao được", thầy Lâm trải lòng.
Luôn theo đuổi triết lý giáo dục của mình: luôn tôn trọng và yêu thương học sinh; cùng với cha mẹ học sinh quan tâm đến việc “dạy con nên người” và tập trung xây dựng để học sinh có đủ “5 tự”: “đó là biết cách tự học, biết sống tự chủ, tự tin, tự trọng và tự chịu trách nhiệm về những việc mình làm”. Trường luôn thực hiện phương châm giáo dục “nhân cách không chỉ được hình thành bởi những gì nghe và nói, mà chủ yếu phải được hình thành bởi sự nỗ hành động của mỗi cá nhân”.
Thầy Lâm cho biết: "Với học sinh, chúng tôi tập trung vào dạy những kiến thức, kỹ năng cơ bản theo kiểu chắt lọc, chứ không rườm rà, làm sao để học sinh thích học, biết cách học, có thói quen học và học có hiệu quả. Để thực hiện mục tiêu dạy học sinh nên người, chúng tôi đã dạy chương trình giáo dục giá trị sống – kỹ năng sống của quốc tế, dạy chính khóa từ 2003 đến nay".
Tổ chức giáo dục và tư vấn hướng nghiệp cho 100% học sinh để các em có động lực học, động lực sống nên người. Và chúng tôi quan tâm giáo dục pháp luật, giáo dục kỷ luật tự giác…
Tháng 7 hàng năm, trường để học sinh tự lựa chọn các hoạt động thể chất, nghệ thuật mà các em ưa thích như: bơi lội, bóng đá, bóng rổ, cầu lông, võ, thể dục thẩm mỹ, dân vũ…. Và để các em được tham gia trại hè trải nghiệm sáng tạo 2 ngày 1 đêm, nhằm gây hứng thú tự học tự rèn cho học sinh.
"Để tổ chức được những hoạt động đó, chúng tôi phải có một đội ngũ nhà giáo tâm huyết, tận tâm với nghề, được bồi dưỡng để có quan điểm và phương pháp giáo dục tiên tiến, phù hợp với đối tượng học sinh", thầy Lâm kể.
Bên cạnh đó, cũng theo đánh giá của nhiều phụ huynh trường THPT Đinh Tiên Hoàng tồn tại phát triển nhờ đội ngũ cán bộ quản lý tận tâm, gương mẫu đi đầu trong việc thực hiện văn hóa Đinh Tiên Hoàng, đặc biệt đội ngũ giáo viên chủ nhiệm hàng ngày bám sát với học sinh và là những người thực hiện quản lý học sinh theo tiêu chuẩn quốc tế ISO 9001: 2000 Họ là người luôn thực hiện 5 nguyên tắc ứng xử với học sinh Đinh Tiên Hoàng: Đó là tôn trọng và chấp nhận mọi cái mạnh, cái yếu của học sinh.
Luôn đánh giá học sinh một cách khách quan, không dán nhãn chủ quan, thành kiến; Luôn để cho học sinh được quyền lựa chọn những phương pháp giáo dục sao cho phù hợp mỗi học sinh, không cào bằng; Để học sinh được hoạt động trong các hoạt động tập thể, tránh để học sinh bị cô độc, lấy hoạt động tập thể để lôi kém, giáo dục học sinh và cuối cùng là nhà sư phạm, nhà giáo dục phải biết gieo nhu cầu và tổ chức để mỗi học sinh từng bước thực hiện yêu cầu giáo dục không đòi hỏi học sinh phải lập tức tiến bộ, lập tức thay đổi, mỗi học sinh đều có những quá trình riêng của mình, cốt sao để các em tự thay đổi.
Những hoạt động giáo dục tâm huyết, dựa trên những cơ sở khoa học giáo dục tiên tiến lại phải phù hợp với học sinh Đinh Tiên Hoàng. Trường THPT Đinh Tiên Hoàng là ngôi trường có phòng tham vấn học đường được xây dựng từ năm 2003 đến nay. Với một trường dân lập nhưng đã bố trí trả lương cho 4 cán bộ chuyên trách làm tham vấn học đường cho gần 1.000 học sinh miễn phí.
Bên cạnh đó, để có sự thành công trường đã có đội ngũ nhà giáo tâm huyết tài năng; luôn vận dụng khoa học giáo dục tiên tiến là tâm lý học, giáo dục học và cuối cùng là có hệ thống quản lý giáo dục tiên tiến. Đúng như PGS.TS Tâm lý học Mạc Văn Trang khi nghiên cứu mô hình trường Đinh Tiên Hoàng đã nhận xét: “Đinh Tiên Hoàng từ một mô hình giáo dục đặc biệt trở thành mô hình giáo dục đặc sắc cho những học sinh gặp khó khăn, thiệt thòi trong cuộc sống mà giáo dục công lập đang bỏ quên”.