Kinh nghiệm của Thẩm phán Hoa Kỳ trong xét xử các vụ án
Tiêu điểm - Ngày đăng : 19:33, 04/10/2017
Hội thảo đã được các Thẩm phán, Công tố viên đến từ Hoa Kỳ chia sẻ những kinh nghiệm trong quá trình xét xử các vụ án.
Thể hiện rõ hơn vai trò của Tòa án
Phát biểu khai mạc, ông Trịnh Xuân Toản, Uỷ viên chuyên trách kiêm Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp (CCTP) Trung ương nhấn mạnh, CCTP là một trong những nhiệm vụ rất quan trọng trong quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Qua hơn 10 năm triển khai thực hiện Chiến lược CCTP, tổ chức, hoạt động tư pháp tại Việt Nam đã có nhiều đổi mới và đạt được nhiều kết quả tích cực. Trong đó, hệ thống pháp luật có liên quan đến tổ chức, hoạt động tư pháp đã được sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện phù hợp với mục tiêu, quan điểm, phương hướng nhiệm vụ nêu trong chiến lược của Đảng về CCTP.
Năm 2015, 2016 và đầu năm 2017, Quốc hội đã sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự, Bộ luật Dân sự, Bộ luật Tố tụng dân sự và các văn bản pháp luật có liên quan đến hoạt động tố tụng tư pháp. Trong đó, Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi) đã thể chế hóa chủ trương đề cao hiệu quả phòng ngừa và tính hướng thiện trong việc xử lý người phạm tội; giảm hình phạt tù, mở rộng hình phạt tiền; khắc phục tình trạng hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự và bỏ lọt tội phạm… Bộ luật Dân sự (sửa đổi) đã quy định rõ các nguyên tắc bảo vệ quyền dân sự, đồng thời quy định rõ các biện pháp bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức khi tham gia giao dịch, bảo đảm thúc đẩy các quan hệ dân sự phát triển lành mạnh, phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế.
Bộ luật tố tụng hình sự, Bộ luật tố tụng dân sự và Luật tố tụng hành chính đã xác định rõ hơn vai trò, trách nhiệm của TAND trong quá trình thực hiện quyền tư pháp; bảo đảm thực hiện nguyên tắc tranh tụng; tăng cường khả năng tiếp cận công lý và bảo vệ quyền của công dân.
Nhấn mạnh đây là cuộc hội thảo đầu tiên về pháp luật hình sự và tố tụng tư pháp Việt Nam - Hoa Kỳ, ông Trịnh Xuân Toản bày tỏ mong muốn thông qua Hội thảo này, các chuyên gia, cán bộ pháp lý của Việt Nam và Hoa Kỳ sẽ có điều kiện tiếp cận, hiểu biết nhiều hơn về hệ thống pháp luật hình sự, tố tụng tư pháp của mỗi nước và cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm thực thi pháp luật; góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.
Quang cảnh hội thảo
Quyền Phó đại sứ Hoa Kỳ, ông Brett Blackshaw cũng nhận định, cải cách tư pháp là vấn đề cấp thiết hiện nay. Hệ thống pháp luật mỗi nước phải có sự phát triển, chia sẻ kinh nghiệm, tuân thủ cam kết quốc tế để làm cơ sở phát triển về kinh tế, xã hội. Việt Nam hiện đang hiện đại hóa tư pháp hình sự. Bộ luật tố tụng hình sự 2015 công nhận quyền bình đẳng các bên, khuyến khích tranh tụng tại Tòa án. Đây là nội dung quan trọng xuyên suốt trong tiến trình CCTP. Ông cũng cho biết rất vui mừng khi Việt Nam đã xây dựng được nền tảng quan trọng này đồng thời nêu lên thực tế còn nhiều việc cần phải thực hiện, do vậy Chính phủ Hoa Kỳ cam kết sẽ hỗ trợ Việt Nam trong quá trình thực hiện cải cách tư pháp. Hội thảo này là minh chứng cụ thể và làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai bên.
Theo PGS.TS Trương Hồng Hà, Phó Trưởng Ban Phụ trách Ban 1, Văn phòng BCĐ CCTP Trung ương, BLHS 2015 sửa đổi ban hành đã đảm bảo phát huy vai trò của BLHS trong việc bảo vệ và thúc đẩy các nhân tố tích cực của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN phát triển một cách lành mạnh. Đồng thời BLHS phòng chống hiệu quả các loại tội phạm mới phát sinh trong quá trình vận hành nền kinh tế, nhất là các tội phạm trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh, thương mại hay tài chính ngân hàng. Bảo đảm xử lý nghiêm các hành vi xâm phạm quyền con người, quyền cơ bản công dân, cụ thể hóa Hiến pháp 2013 theo hướng nâng cao hiệu quả phòng ngừa và đảm bảo tính hướng thiện trong việc xử lý người phạm tội…
Với tinh thần sửa đổi toàn diện, BLHS 2015 gồm 26 chương có 426 điều bổ sung quy định về trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại; thu hẹp phạm vi áp dụng hình phạt tù và giảm hình phạt tử hình; bổ sung chính sách xử lý đối với người dưới 18 tuổi; mở rộng căn cứ miễn trách nhiệm hình sự....Đối với các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, bổ sung 1 tội danh trong lĩnh vực chứng khoán, bổ sung 4 tội trong lĩnh vực bảo hiểm; quy định xử lý hình sự đối với pháp nhân thương mại phạm tội đối với 22 tội...
Thẩm phán được bổ nhiệm suốt đời
Các chuyên gia của Hoa Kỳ giới thiệu về cơ chế hoạt động của các cơ quan điều tra; công tố; vai trò; trách nhiệm, mối quan hệ của điều tra viên, công tố viên trong việc thực hiện hoạt động tố tụng; cơ chế bảo đảm tính độc lập và việc thực hiện nguyên tắc tranh tụng, bảo đảm sự bình đẳng giữa các bên đương sự trong quá trình xét xử tại các Tòa án Hoa Kỳ.
Bà Joanna Seybert, Thẩm phán Liên bang Hoa Kỳ cho biết: Thẩm phán được bổ nhiệm trọn đời, chỉ bị bãi nhiệm khi có vi phạm pháp luật, đạo đức nghề nghiệp. Trong hơn 200 năm qua chỉ có 15 vụ luận tội Thẩm phán. Hiện nay Hoa Kỳ có 13 Toà án phúc thẩm liên bang và 94 Tòa án sơ thẩm liên bang. Phần lớn các vụ án tranh chấp do Tòa án của bang giải quyết. Các phán quyết của Toà án tối cao Hoa Kỳ, Thẩm phán đóng vai trò độc lập, công bằng. Bà Joanna Seybert cho rằng, với Hiến pháp và các bộ luật về tố tụng hình sự mới được ban hành, Việt Nam có cơ hội tiếp thu một số khía cạnh trong hệ thống luật án lệ/hệ thống tranh tụng của Hoa Kỳ. Thẩm phán sẽ độc lập hơn trong quá trình xét xử vụ án.
Ở Hoa Kỳ, khi xét xử yêu cầu phải áp dụng nguyên tắc suy đoán vô tội với bị cáo; quyền được xét xử công bằng, công khai trừ những tội phạm có tổ chức hay bảo vệ nhân chứng...Thẩm phán trong quá trình xét xử, việc tiếp cận và đánh giá chứng cứ rất quan trọng.
Trong quá trình tiếp cận và đánh giá chứng cứ, Thẩm phán tuân theo cảm quan thông thường và Bộ quy tắc ứng xử của liên bang. Bộ quy tắc này được ban hành nhằm xác định chứng cứ nào nên được chấp nhận. Các luật sư đưa ra lập luận của bên mình về việc tại sao một nhân chứng nào đó nên được phép khai báo về một vấn đề và luật sư bên đối lập có thể phản đối về việc chứng cứ này không nên được chấp nhận. Bên cạnh đó, pháp luật cũng dành cho các bị cáo quyền được bảo vệ. Như quyền được suy đoán vô tội; quyền có luật sư và quyền bào chữa; quyền được xét xử nhanh chóng; quyền tranh tụng… Phòng xử án được bố trí đơn giản nâng cao vị thế của Thẩm phán và đặt bên công tố và bào chữa ở mức ngang bằng nhau minh họa sự bình đẳng giữa các bên này. Thẩm phán xét xử với tư cách là trọng tài, độc lập và vô tư.
Ông Duoglas Chin, Bộ trưởng Bộ Tư pháp bang Hawaii, Hoa Kỳ cho rằng, nhiệm vụ của Công tố viên không phải là thắng trong một vụ án mà là thực thi công lý. Đối với công tố viên, nhân phẩm và danh dự nghề nghiệp đòi hỏi tuân thủ tiêu chuẩn đạo đức cao hơn, một tiêu chuẩn về tính chuyên nghiệp. Mỗi Công tố viên làm đúng phận sự, đúng người và độc lập với Điều tra viên, Thẩm phán.
Hệ thống pháp luật Hoa Kỳ áp dụng mô hình tố tụng tranh tụng và luật sư đóng vai trò thiết yếu trong hệ thống tố tụng này. Luật sư chịu trách nhiệm trình bày các chứng cứ và các lập luận pháp lý để bảo vệ cho thân chủ của mình. Dựa trên sự trình bày của luật sư Thẩm phán sơ thẩm hoặc bồi thẩm đoàn xác định các tình tiết của vụ án và áp dụng pháp luật và đi đến phán quyết và sau đó ra bản án.
Trên cơ sở thảo luận về các vấn đề cùng quan tâm; tìm hiểu kinh nghiệm của các cơ quan thực thi pháp luật của Hoa Kỳ trong hoạt động tố tụng tư pháp, các đại biểu đề xuất các phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả thực thi pháp luật về tư pháp hình sự ở Việt Nam trong thời gian tới.