Tội phạm tham nhũng phải xử lý nghiêm

Chính trị - Ngày đăng : 20:04, 09/11/2012

Ngày 9-11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). Nội dung buổi làm việc quan trọng này được phát thanh và truyền hình trực tiếp để cử tri cả nước theo dõi.

Luật Phòng, chống tham nhũng phải phù hợp thực tiễn

Tại phiên thảo luận, các ý kiến đánh giá Luật Phòng, chống tham nhũng được ban hành đã tạo hành lang pháp lý quan trọng cho công tác phòng, chống tham nhũng. Qua 6 năm thực hiện, công tác phòng, chống tham nhũng đã có những chuyển biến tích cực trên các phương diện hoàn thiện thể chế, tổ chức thực hiện pháp luật và nâng cao ý thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân trong công tác này.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, các đại biểu cũng đánh giá Luật Phòng, chống tham nhũng đã bộc lộ một số hạn chế, vướng mắc, bất cập làm giảm hiệu lực, hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng. Các ý kiến thể hiện sự tán thành với đề nghị của Chính phủ về sự cần thiết sửa đổi Luật Phòng, chống tham nhũng trên cơ sở cần bám sát vào những khó khăn, bất cập, vướng mắc trong thực tiễn thi hành Luật. Việc sửa đổi phải bảo đảm các quy định phù hợp với thực tiễn, nhất là phải toàn diện, đầy đủ và cụ thể thì mới tạo điều kiện cho công tác tổ chức thực hiện, qua đó góp phần phát huy hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng.

Theo đại biểu Ngô Văn Minh (đoàn Quảng Nam), cần làm rõ một trong những nguyên nhân phải sửa đổi bổ sung Luật Phòng chống tham nhũng là việc xử lý tội phạm tham nhũng chưa thật nghiêm, chưa đáp ứng được nguyện vọng và quyết tâm chính trị của toàn Đảng, toàn dân.

“Với tham nhũng không phải phòng chống nữa mà phải tiêu diệt. Phải coi tội tham nhũng là một trong những tội nặng nhất, chống lại chế độ, chống lại nhân dân. Trên quan điểm đó, chúng ta phải xử lý thật nghiêm thì mới đem lại hiệu quả thiết thực”, đại biểu nêu ý kiến.

Minh bạch tài sản, thu nhập

Các đại biểu đều nhất trí với báo cáo thẩm tra của UBTVQH khi cho rằng, việc kê khai, minh bạch tài sản, thu nhập là một trong những biện pháp phòng ngừa tham nhũng, tăng cường trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đối với tính hợp pháp về tài sản, thu nhập của mình, đồng thời cũng tạo điều kiện cho các cơ quan, tổ chức hữu quan phát hiện hành vi tham nhũng. Tuy nhiên, thời gian qua, việc kê khai, minh bạch tài sản trên thực tế nhìn chung là hình thức, hiệu quả của việc phòng ngừa, ngăn chặn và phát hiện tham nhũng là rất thấp.

Đại biểu Mã Điền Cư đánh giá Luật Phòng, chống tham nhũng hiện hành chưa quy định về công khai tài sản, thu nhập mà chỉ quy định việc công khai kết luận về sự minh bạch trong kê khai tài sản, thu nhập. Do đó, những quy định này chỉ mang tính hình thức, tính hiệu quả và tính khả thi không cao, không kiểm soát được tài sản thu nhập cũng như không phát huy được tác dụng trong phòng ngừa và phát hiện tham nhũng.

Đại biểu nêu lên một thực tế cho thấy những vụ tham nhũng không được phát hiện nhiều tại nơi làm việc, mà đa số từ phía nhân dân và giới báo chí. Đại biểu đề nghị cần đưa chế định về công khai bảng kê khai tài sản, thu nhập cả nơi người có nghĩa vụ thường xuyên làm việc, công tác và nơi cư trú. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để nhân dân giám sát việc thực hiện pháp luật phòng, chống tham nhũng. Theo đó, cần có những quy định về quy trình, thủ tục công khai nơi cư trú thật chặt chẽ, tránh lạm dụng vào mục đích tiêu cực.

Tội phạm tham nhũng phải xử lý nghiêm

Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương Lê Đình Khanh phát biểu ý kiến. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Về quy định về đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập, đại biểu Lê Thị Yến (Phú Thọ) có quan điểm về lâu dài cần thiết mở rộng đối tượng kê khai tài sản để đảm bảo sự công bằng. Đại biểu tán thành với những quy định trong dự thảo Luật quy định đối tượng kê khai tài sản, thu nhập, bao gồm người có nghĩa vụ kê khai theo quy định hiện hành, đồng thời bổ sung thêm những cán bộ, công chức, viên chức là đảng viên.

Đại biểu Phạm Xuân Thường (Thái Bình) lại cho rằng đối tượng phải kê khai tài sản cần được mở rộng, tất cả cán bộ, công nhân viên chức nhà nước đều cần kê khai tài sản. Theo đại biểu, cán bộ, công chức, viên chức đều có thể liên quan tới quản lý tài sản, tiếp xúc giải quyết công việc của người dân. Đại biểu đánh giá đây là đòi hỏi tất yếu trong công khai, minh bạch thu nhập, làm cơ sở cho việc phòng chống tham nhũng.

Nhiều đại biểu đồng tình với ý kiến mở rộng đối tượng kê khai tài sản, như ngoài các đối tượng phải kê khai tài sản đã quy định cần bổ sung thêm đối tượng con thành niên của những đối tượng này. Thực tế hiện nay, việc kê khai minh bạch tài sản trên thực tế vẫn còn hình thức, hiệu quả ngăn chặn tham nhũng thấp. Hơn nữa, quy định đối tượng phải kê khai tài sản đang bị trống một khoảng lớn đó là các đối tượng liên quan như con thành niên, bố mẹ, anh, chị, em ruột… Đây là một sơ hở vì sẽ có sự dịch chuyển tài sản cho người thân nắm giữ. Do vậy cần mở rộng đối tượng phải kê tài sản và coi đây là một biện pháp phòng ngừa tham nhũng.

Thành lập Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng

Các đại biểu nhất trí với việc thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng để bảo đảm sự thống nhất lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng đối với toàn bộ hệ thống chính trị trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Với tính chất, mức độ của tình trạng tham nhũng hiện nay, nhằm đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng chống tham nhũng, thì bên cạnh việc thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương, các đại biểu kiến nghị Quốc hội cần thành lập Ủy ban độc lập phòng, chống tham nhũng. Ủy ban này có quyền điều tra bất cứ vấn đề gì liên quan đến tham nhũng trong các cơ quan nhà nước, tiếp nhận và xem xét các kiến nghị của công dân, công chức, viên chức về tham nhũng. Ủy ban này có quyền đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân truy tố các bị can về các tội danh tham nhũng. Người đứng đầu Ủy ban do Quốc hội phê chuẩn, ngân sách hoạt động của Ủy ban do Quốc hội phê duyệt.

Đại biểu Ngô Văn Minh (Quảng Nam) cũng tán thành việc thành lập Ủy ban quốc gia độc lập phòng, chống tham nhũng trực thuộc Quốc hội, bao gồm các cơ quan chức năng và những người đủ mạnh, đủ tâm, đủ tài để thực hiện có kết quả, hiệu quả đáp ứng mong đợi của cử tri và nhân dân.

Đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) ủng hộ quan điểm không giao chức năng phòng, chống tham nhũng cho cơ quan hành pháp. Theo đại biểu ở nhà nước pháp quyền, trách nhiệm phòng, chống tham nhũng thuộc cơ quan tư pháp hoặc thuộc một cơ quan độc lập do Quốc hội chỉ định hoặc bầu ra thì mới phù hợp.

Mặt khác, Dự thảo luật cần nghiên cứu thiết kế một điều luật riêng quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo Trung ương phòng, chống tham nhũng. Qua đó thể hiện công tác phòng chống tham nhũng là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, của toàn dân và phải tuân theo pháp luật, đảm bảo tính kế thừa liên tục trong công tác này.

Cũng tại buổi thảo luận, nhiều đại biểu cũng đề nghị cần nghiên cứu bổ sung các hành vi tham nhũng như nhận quà trị giá cao, ra quyết định sai nhằm mục đích lợi ích nhóm… Các hành vi tham nhũng được quy định phải phù hợp với những bộ luật khác, như BLHS.

Phương Lan