Đề Địa lý dài, thí sinh khó "ăn điểm"
Giáo dục - Ngày đăng : 15:54, 11/06/2017
Dẫu làm được hết lượng câu hỏi trong đề thi nhưng tâm trạng không thoải mái vẫn thể hiện rõ trên khuôn mặt của thí sinh Lê Ngọc Duy, học sinh trường THCS Thăng Long (Hà Nội).
Ngọc Duy chia sẻ: “Theo cảm nhận của em đề thi môn Địa lý năm nay khá khó và dài, có những câu hỏi khiến chúng em cảm thấy khó khăn trong quá trình làm”.
Nhiều thí sinh chia sẻ, đề Địa lý dài và khó. Ảnh VT.
Theo nhiều thí sinh đánh giá trong đề Địa lý câu I được đánh giá là “lạ và khó”, nhiều thí sinh chưa từng làm qua dạng bài này cho nên sẽ khó “ăn” điểm tuyệt đối.
Cụ thể hai vế câu hỏi của câu I như sau:
1) Chuyển động tự quay quanh trục của Trái Đất tác động như thế nào đến hoạt động của Tín phong?
2) Cho bảng số liệu:
Nhiệt độ và lượng mưa tại địa điểm A
Tháng | 1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 | 9 | 10 | 11 | 12 |
Nhiệt độ (0C) | 23 | 23 | 24 | 24 | 23 | 25 | 24 | 24 | 23 | 24 | 23 | 22 |
Lượng mưa (mm) | 279 | 250 | 200 | 270 | 200 | 270 | 250 | 300 | 240 | 390 | 410 | 400 |
Phân tích nhiệt độ và lượng mưa ở địa điểm A. Cho biết địa điểm A thuộc đới khí hậu gì?
“Dạng câu I này, em chưa học trên trường bao giờ, để làm được câu này buộc chúng em phải tư duy, áp dụng những kiến thức học từ nhiều bài, sau đó liên hệ thực tế chính vì vậy khá “khó nhằn”, em làm mất nhiều thời gian nhất với câu này nhưng khi làm xong em vẫn cảm thấy không an tâm với đáp án của mình”, Ngọc Duy cho biết thêm.
Tâm lý khá thoải mái khi bước ra khỏi phòng thi, Trương Như Anh, trường THCS Thăng Long cho hay: “Đa phần các câu hỏi đã được học trên lớp rồi. Lượng kiến thức chủ yếu là trong sách giáo khoa tuy nhiên muốn làm được điểm cao chúng em phải học thêm ở ngoài rất nhiều”.
Đề chính thức môn Địa lý của Sở GD-ĐT Hà Nội.
Như Anh nói thêm: “Điểm nhấn của đề là các phần kiến thức cân đối, cả tự nhiên và kinh tế xã hội. Bên cạnh đó, đề đã yêu cầu thí sinh phải khai thác tốt về kỹ năng Địa lí đọc atlat, phân tích bảng số liệu, biểu đồ… Có một số câu đòi hỏi phải tư duy, đánh giá cũng như liên hệ thực tế hiện nay. Những câu này dùng để đánh giá năng lực, hiểu biết thực sự của mỗi thí sinh. Đó là cái đặc biệt mà đề thi chuyên yêu cầu mỗi thí sinh cần phải thể hiện được”.
Khác với Như Anh, Phạm Minh Ngọc THCS Chu Văn An cho hay: “Em không làm xong, gần như em bỏ câu cuối vì không kịp thời gian. Bên cạnh đó, các câu câu II ý 2, câu III ý 2. Câu I ý 1 là câu nâng cao. Với đề này, nếu chỉ học thuộc thí sinh sẽ chỉ được 5 - 6 điểm”.
Muốn được điểm cao đề này thực sự thí sinh phải nắm chắc kiến thức lý thuyết, thực hành, kỹ năng đọc atlat đặc biệt là phân tích số liệu và kiến thức thực tế.
“Bởi trong các câu hỏi, gần như sử dụng kỹ năng đọc atlat là nhiều, nếu kỹ năng đọc atlat kém thì làm bài không hiệu quả”, Minh Ngọc nhấn mạnh.