Dưới góc nhìn của giáo viên: Đề Ngữ văn của Sở GD-ĐT Hà Tĩnh mang hơi thở cuộc sống
Giáo dục - Ngày đăng : 09:04, 07/06/2017
Từ góc nhìn của một giáo viên có thâm niên gần 15 năm dạy môn Ngữ văn, cô Trần Thị Thủy – giáo viên trường THCS Xuân Diệu (Hà Tĩnh) đánh giá: “Đề thi môn Ngữ văn lớp 9 lên 10 của Sở GD-ĐT Hà Tĩnh bám sát chương trình học, đồng thời không đánh đố cũng như tạo ma trận đề khó hiểu cho học sinh. Mỗi câu hỏi trong đề yêu cầu rõ nội dung học sinh cần làm gì và phân loại được khả năng học sinh làm đến đâu”.
Cô Thủy cho biết thêm: “Với đề này, thời gian làm như vậy là hợp lý, không quá ngắn cũng không dài”.
Đề thi chính thức môn Ngữ văn của Sở GD-ĐT Hà Tĩnh. Mã đề 2. Ảnh Ngô Chuyên.
Các câu hỏi trong tâm trong sách giáo khoa, không yêu cầu khắt khe đối với thí sinh, thí sinh có thể căn cứ vào thời gian để thể hiện bài làm của mình.
Theo nhiều giáo viên đánh giá, câu hỏi nghị luận xã hội (câu 2, 3 điểm) “Viết một đoạn văn ngắn (khoảng 1 trang giấy thi) trình bày suy nghĩ của em về việc tự học của học sinh hiện nay” khá “kích thích” học sinh. Chủ đề được lựa chọn trong đề thi là vấn đề đang nóng và được đề cập rất nhiều trong thời gian qua.
“Đối với câu hỏi này, thí sinh hiểu và xác định rõ không chỉ trong học tập mình phải tự học mà kể cả những vấn đề trong cuộc sống. Nếu bản tính tự học được xây dựng, định hướng từ sớm thì những kỹ năng sống, những va chạm hay thử thách trong cuộc sống sau này các em sẽ dễ dàng vượt qua. Đó là cái nhân văn, cái hay mà người ra đề muốn gửi ngắm đến cho các thí sinh trong đề thi năm nay”, cô Thủy cho hay.
Bên cạnh đó, cô Thủy đánh giá cái hay trong câu 3 (6 điểm) “Phân tích nhân vật anh thanh niên trong tác phẩm “Lặng lẽ Sa Pa” của Nguyễn Thành Long (Ngữ văn lớp 9, tập một) để thấy được vẻ đẹp của thế hệ trẻ Việt Nam trong lao động và xây dựng đất nước”.
Cô Thủy nói: “Câu này đòi hỏi thí sinh ngoài nắm chắc kiến thức, thí sinh phải hiểu rõ tính cách của nhân vật “anh thanh niên”, từ đó liên hệ vào chính cuộc sống của mình. Để bài viết phong phú hơn và dành được điểm cao trong câu này học sinh phải có những dẫn chứng “sống” thuyết phục hội đồng chấm thi”.
“Nói tóm lại, đề thi môn Ngữ văn lớp 9 lên 10 năm nay vừa sức với thí sinh, bám sát chương trình, thực tiễn cuộc sống hiện nay. Thí sinh thoải mái thể hiện cá tính, cũng như phong cách viết văn của mình”, cô Thủy nhấn mạnh