Giáo dục của Phần Lan khác biệt với Việt Nam như thế nào?
Giáo dục - Ngày đăng : 11:32, 31/05/2017
Phần Lan không chú trọng đánh giá bằng điểm
Đó là chia sẻ của TS Nguyễn Khánh Trung – Viện Nghiên cứu phát triển giáo dục IRED.
Là người có nhiều năm nghiên cứu về nền giáo dục của Phần Lan, Pháp và Việt Nam, TS Khánh Trung cho biết: “Hiện nay ở Việt Nam mình giáo dục đang coi trọng điểm số, thành tích. Còn ở Phần Lan giáo dục họ không đặt nặng thành tích, điểm chác thậm chí họ tránh xa những điều điều này, đối với họ điểm chác chỉ là vấn đề phụ”.
Bên cạnh đó, Việt Nam và Phần Lan có sự khác biệt rất lớn trong: Triết lý, quan điểm và cách thức thực hành trong giáo dục. Chính những sự khác biệt ở tầm vĩ mô đến dẫn đến có sự khác biệt trong đánh giá.
Nhiều phụ huynh đi họp phụ huynh vẫn chú trọng vào điểm của con nhưng họ chưa nghĩ con học được gì trong năm đó, liệu con có vui không?. Ảnh Hải Nam.
“Quan niệm đánh giá trong giáo dục của nước mình hiện đang theo hành động xét đoán, học sinh học giỏi hay học dở, học đạt bao nhiêu điểm. Còn Phần Lan thì khác, Phần Lan, họ xem công tác đánh giá là một khâu nhỏ, yếu tố phụ. Thực hiện đánh giá có hai mục đích, một mặt họ xem học sinh của mình học hành như thế nào, quá trình tiếp nhận kiến thức ra sao. Mặt chính vẫn để người giáo viên xem công việc giảng dạy của mình như thế nào, có hiệu quả không? Nếu không hiệu quả, giáo viên có hướng điều chỉnh”, TS Trung nhấn mạnh.
Kết quả đánh giá của phần Lan sẽ không được công bố công khai trước cuộc họp phu huynh, mà nó mang tính riêng tư chỉ có phụ huynh, giáo viên và học sinh được biết.
TS Khánh Trung nói: “Kết quả đánh giá cuối kỳ, cuối năm sẽ được làm thành một bản báo cáo gửi về gia đình. Báo cáo đó là vấn đề riêng tư, chuyện cá nhân giữa người giáo viên, phụ huynh và học sinh. Và đánh giá đó chỉ có ba bên biết, không công khai xếp loại trước cuộc họp phụ huynh chung. Còn Việt Nam mình, phụ huynh đi họp cuối kỳ, cuối năm coi thử con cái của mình học như thế nào, xếp loại gì….”.
Phần Lan giáo viên có quyền hạn rất lớn
Nền giáo dục Phần Lan đặt vai trò của giáo viên rất lớn. “Lớp học là lãnh địa của giáo viên, giáo viên không thuần túy chỉ là người truyền tải tri thức có sẵn từ trước mà là giáo viên là một nhà giáo dục. Có nghĩa họ vừa là một nhà sư phạm, vừa là một nhà giáo dục biết nghiên cứu để bám sát từng học sinh, hiểu từng học sinh của họ”, TS Khánh Trung nhấn mạnh.
Lứa tuổi mầm non, cấp 1 là lứa tuổi cần được khám phá mọi thứ, không nên để các em chỉ học trong không gian bốn bức tường của trường học. Ảnh Hải Nam.
Đặc biệt, ở Phần Lan mỗi người giáo viên sau khi nắm bắt tâm lý, quá trình học cũng như khả năng tiếp thu bài của học sinh, họ phải xây dựng kế hoạch giáo dục cho từng học sinh, để làm sao đạt hiệu quả cao nhất. Đó được gọi là phương pháp giáo dục hóa, cá biệt hóa.
Ngày xưa, ở các nước Pháp, Phần Lan và các nước châu Âu khi học sinh đến lớp phải “khoanh tay lên bàn, mắt nhìn lên bảng”. Tuy nhiên, hiện nay, họ không còn áp dựng nữa, họ đã thay đổi theo hướng tiến bộ, hiện đại.
“Trong lớp học sinh được làm việc nhóm, được thảo luận đưa ra ý kiến, quan điểm của mình. Nếu học sinh nào muốn làm việc độc lập cũng sẽ tôn trộng, không áp đặt. Giáo viên là người tổng kết ý kiến và định hướng cho học sinh…. Mỗi học sinh sẽ có một cách học nhưng tất cả đều làm việc. Họ hạn chế cho học sinh “ngồi lên khoanh tay lên bàn, mắt nhìn lên bảng” mà buộc học sinh luôn phải hoạt động, suy nghĩ hạn chế tối đa sự thụ động của học sinh”, TS Khánh Trung nhấn mạnh.
Theo TS Khánh Trung, ứa tuổi mầm non, cấp 1 là lứa tuổi cần được khám phá mọi thứ, không nên để các em chỉ học trong không gian bốn bức tường của trường học. Cánh cổng nhà trường phải mở ra, không chỉ học trong lớp mà nên cho các em học ở thiên nhiên, được tiếp xúc với thế giới xung quanh…
Ví dụ ở nước Pháp một tuần 2 lần học sinh được cô giáo dẫn đi thực tế, có nhiều giờ học nhóm, mỗi nhóm chọn một chủ dề liên quan đến bài học để tự tìm hiểu, khám phá kiến thức. Hoặc có những môn tập làm nhà khoa học nhí.....