TANDTC: Nhiều đổi mới trong công tác thi đua - khen thưởng
Tiêu điểm - Ngày đăng : 08:14, 11/09/2017
Phong trào thi đua được phát động với chủ đề “trách nhiệm, kỷ cương, chất lượng, vì công lý”.
Sứ mệnh cao cả
Trải qua các giai đoạn lịch sử, những quy định về hệ thống Tòa án nhiều lần được cải cách, sửa đổi đã dần hoàn thiện nhằm nâng cao vị trí, vai trò của Tòa án. Trong quá trình xây dựng và trưởng thành, hệ thống TAND đã có những đóng góp to lớn vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ và cuộc sống bình yên của nhân dân. Thông qua hoạt động xét xử, TAND đã góp phần đấu tranh phòng, chống tội phạm, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự và an toàn xã hội, bảo vệ công lý.
Để thực hiện được mục tiêu cao nhất của hoạt động xét xử là đúng pháp luật, không oan sai, không bỏ lọt tội phạm, hệ thống Tòa án thời gian qua đã nỗ lực phấn đấu để đạt được mục tiêu ấy. Dưới sự chỉ đạo của Ban cán sự Đảng, lãnh đạo TANDTC, các Tòa án cấp cao, TAND địa phương trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình đã đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các loại vụ án. Nhất là các vụ án hình sự lớn, trọng điểm, các tranh chấp, yêu cầu về dân sự nổi cộm, các vụ án hành chính về đất đai gây bức xúc trong nhân dân. Hạn chế đến mức thấp nhất các bản án, quyết định bị hủy, sửa do lỗi chủ quan của Thẩm phán; kiên quyết không để xảy ra việc kết án oan người không có tội hoặc bỏ lọt tội phạm.
Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình trao Cờ thi đua của Chính phủ cho các đơn vị
Nhìn chung, đội ngũ cán bộ, công chức Tòa án các cấp hiện nay, nhất là cán bộ có chức danh tư pháp đều đã được đào tạo cơ bản về chuyên môn nghiệp vụ và kỹ năng nghề nghiệp. Từ trước đến nay, Tòa án các cấp luôn coi trọng chất lượng đội ngũ Thẩm phán. Đội ngũ Hội thẩm đều là những người có trình độ hiểu biết pháp luật, được tập huấn về nghiệp vụ Tòa án, nhiều người nguyên là cán bộ các cơ quan bảo vệ pháp luật đã nghỉ hưu, một số người nhiều nhiệm kỳ tham gia công tác Hội thẩm và đều có điều kiện để tham gia công tác xét xử. Đây chính là những điều kiện quan trọng tạo ra sự chuyển biến tích cực trên các mặt công tác của TAND trong những năm qua, đặc biệt là trong công tác giải quyết, xét xử các loại vụ án. Để có được những điều đó, công tác thi đua - khen thưởng luôn được TAND các cấp coi trọng.
Lượng án tăng nhưng vẫn đi liền với chất lượng
Mặc dù trung bình mỗi năm, số lượng các loại vụ án mà toàn hệ thống phải thụ lý, giải quyết tăng khoảng trên 30.000 vụ án các loại, nhưng các Tòa án vẫn đảm bảo về tiến độ giải quyết, khắc phục có hiệu quả việc để các vụ án quá thời hạn xét xử theo quy định của pháp luật và chất lượng giải quyết, xét xử các loại vụ án cũng ngày càng được nâng lên. Tòa án các cấp đã hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp kết án oan người không có tội; tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do lỗi chủ quan của Thẩm phán đều giảm hơn so với các năm trước. Công tác giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm năm sau cao hơn năm trước. Để đẩy mạnh công tác thi đua, khen thưởng lên một tầm cao mới, Hội đồng Thi đua - Khen thưởng TAND đã xác định rõ mục tiêu, phương hướng đổi mới công tác thi đua trong những năm tới. Đó là, trên cơ sở chủ đề xuyên suốt đã được xác định là “Phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư”, các đơn vị trong TAND tiếp tục tổ chức phong trào thi đua với mục đích cụ thể là: “Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức TAND có bản lĩnh chính trị vững vàng; có năng lực chuyên môn giỏi; tuyệt đối trung thành với Đảng, với chế độ, với nhân dân; đoàn kết, tự trọng, trách nhiệm, danh dự và năng động. Xây dựng hệ thống TAND trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ cải cách tư pháp…”. Để đạt được mục tiêu trên, Ban cán sự Đảng, lãnh đạo TANDTC đã chỉ đạo toàn hệ thống thực hiện tốt một số nội dung đổi mới công tác thi đua, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị năm 2017 và các năm tiếp theo.
Nhiều đổi mới
Đổi mới trước tiên là về chỉ tiêu giải quyết, xét xử: đảm bảo 100% các vụ việc được giải quyết trong thời hạn luật định. Trong đó giải quyết, xét xử các vụ án hình sự từ 90% trở lên; các vụ việc dân sự từ 85% trở lên; các vụ án hành chính từ 80% trở lên; quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Toà án từ 99% trở lên; giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm từ 60% trở lên. Đảm bảo 100% các bản án, quyết định của Toà án được ban hành trong thời hạn luật định; ra quyết định thi hành án phạt tù đúng thời hạn đối với 100% số người bị kết án mà bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật.
Tiếp đó là đổi mới về đối tượng tặng Cờ thi đua. Năm 2017, thực hiện phân cấp cho Hội đồng Thi đua - Khen thưởng TAND cấp tỉnh xét, đề nghị tặng thưởng “Cờ thi đua Toà án nhân dân” đối với TAND cấp huyện trong phạm vi thuộc tỉnh. Do đó, số lượng “Cờ Thi đua Toà án nhân dân” phân bổ cho TAND cấp huyện được điều chỉnh lại. Vì thế, mỗi TAND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được bình xét, đề nghị tặng thưởng “Cờ thi đua Toà án nhân dân” theo tỷ lệ 10% trên tổng số đơn vị TAND cấp huyện. Đối với các địa phương có dưới 10 đơn vị cấp huyện, được bình xét, đề nghị tặng “Cờ thi đua Toà án nhân dân” với 1 đơn vị TAND cấp huyện. Những tỉnh, thành phố có tính chất đặc thù, tỷ lệ phân bổ “Cờ thi đua Toà án nhân dân” có thể cao hơn 10%.
Đối với TAND cấp huyện chỉ xem xét tặng “Cờ thi đua của Chính phủ” cho các đơn vị TAND cấp huyện trong năm công tác có khối lượng công việc lớn, số lượng vụ việc thụ lý phải khoảng từ 1000 vụ việc trở lên. Đối với các đơn vị thuộc các tỉnh miền núi phía Bắc, Tây Nguyên số lượng vụ án có thể thấp hơn quy định, nhưng phải có phong trào thi đua thật nổi trội, thành tích đặc biệt xuất sắc và các trường hợp này do Hội đồng Thi đua - Khen thưởng TAND xem xét, quyết định. Các đối tượng khác: Toà án quân sự Trung ương, các đơn vị thuộc TANDTC, các TAND cấp cao, TAND cấp tỉnh giữ nguyên theo quy định hiện hành. Trong quá trình thực hiện theo số lượng cờ phân bổ nêu trên, nếu cụm thi đua nào không có đủ các tập thể xuất sắc tiêu biểu để bình xét và đề nghị đủ về số lượng “Cờ thi đua của Chính phủ”, thì số cờ dư có thể được chuyển xét tặng cho các tập thể đủ tiêu chuẩn ở cụm thi đua khác và do Hội đồng Thi đua - Khen thưởng TAND xem xét, quyết định.
Đó còn là đổi mới trình tự, phương pháp bình xét danh hiệu Cờ thi đua. Theo hướng dẫn số 143/TANDTC ngày 13/7/2017 của TANDTC, số lượng đề nghị “Cờ thi đua Toà án nhân dân” không được vượt quá số lượng phân bổ. Mỗi TAND tỉnh, thành phố chỉ được lựa chọn, giới thiệu không quá 1 đơn vị TAND cấp huyện đủ điều kiện để hội nghị Cụm thi đua xét, đề nghị danh hiệu “Cờ thi đua của Chính phủ” (nếu có). Cụm thi đua thuộc các TAND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tiến hành bình, xét danh hiệu “Cờ thi đua Toà án nhân dân” đối với các TAND cấp tỉnh thuộc Cụm thi đua, sau đó lựa chọn các tập thể xuất sắc nhất bình xét tặng danh hiệu “Cờ thi đua của Chính phủ”. Tiến hành bình xét “Cờ thi đua của Chính phủ” đối với các TAND cấp huyện đã được TAND cấp tỉnh bình xét, đề nghị tặng “Cờ thi đua Toà án nhân dân”. Cụm thi đua Toà án quân sự Trung ương; các đơn vị TANDTC; các TAND cấp cao và 3 vụ Giám đốc kiểm tra, thực hiện bình xét “Cờ thi đua Toà án nhân dân”, sau đó lựa chọn các tập thể xuất sắc nhất bình xét tặng danh hiệu “Cờ thi đua của Chính phủ”…
Bên cạnh đó, Thường trực Hội đồng Thi đua - Khen thưởng TAND xây dựng kế hoạch kiểm tra đánh giá thành tích các đơn vị đề nghị tặng cờ thi đua, gắn với công tác kiểm tra nghiệp vụ của TANDTC với TAND các cấp, có sự phối hợp tham mưu của các đơn vị Vụ Thi đua - Khen thưởng, Ban Thanh tra, Vụ Tổ chức - Cán bộ, Vụ Tổng hợp TANDTC.