Mô hình học ở nhà: Phụ huynh không nên nghĩ đó là tốt
Giáo dục - Ngày đăng : 06:26, 16/05/2017
Phụ huynh không nên nghĩ cho con học ở nhà là tốt
Thời gian gần đây mô hình học homeschooling (học ở nhà) được cộng đồng xã hội đặc biệt chú ý, chính vì vậy nhiều gia đình đã đua nhau đi tìm hiểu cũng như có ý định cho con mình áp dụng mô hình học này. Tuy nhiên, nhiều gia đình lại phản đối kịch liệt. Sở dĩ nhiều phụ huynh không đồng tình với homeschooling vì mô hình trường học vẫn giúp con trẻ phát triển toàn diện hơn.
“Con ít nói, nhút nhát, sợ con không hòa nhập được với bạn bè khi đi học. Thế nhưng hơn 4 tháng đi học ở trường con nói nhiều hơn, đi học về biết chào hỏi đặc biệt cháu đã biết tự đi vệ sinh”, đó là chia sẻ của chị Nguyễn Thị Hoài Phương (36 tuổi, Q. Hai Bà Trưng- Hà Nội). Là một gia đình có điều kiện và đặc biệt quan tâm đến vấn đề giáo dục con sao cho phát triển toàn diện đồng thời cho con một tuổi thơ đúng nghĩa, không để gánh nặng học hành làm mất đi tuổi thơ, thế nhưng khi PV nhắc đến mô hình học ở nhà chị lắc đầu.
Theo nhìn nhận của phụ huynh mô hình trường học vẫn là nơi giúp con trẻ phát triển toàn diện. Ảnh minh họa.
Chị Phương chia sẻ: “Thực ra mô hình học ở nhà mình đã tìm hiểu từ khi mình học cao học ở nước ngoài, mình cũng từng nghĩ sẽ áp dụng cho con mình sau này. Tuy nhiên, đứa con đầu của mình sinh ra nhút nhát, suốt ngày bám mẹ, thậm chí ít nói, thấy người lạ là sợ hãi và khóc”.
Để cho con mạnh dạn hơn khi tiếp xúc với bạn bè cùng trang lứa và hàng xóm, chị Phương đã quyết định cho con đi học sớm hơn so với dự kiến của gia đình.
“Sau khi cho con đi học, phải mất một tuần đầu con khóc lóc, không chịu ăn uống, tuy nhiên đến tuần thứ 2 con bắt đầu hòa động với bạn bè, sáng nào cứ đến giờ là cháu đi học không còn khóc. Sau gần nửa năm đi học, cháu trò chuyện nhiều hơn, cách nói chuyện có chủ ngữ, đầu đuôi và dường như cháu mạnh bạo hơn rất nhiều”, chị Phương chia sẻ thêm.
“Nhiều hôm đi học về cháu chủ động kể những câu chuyện ở trường, ở lớp của mình cho vợ chồng mình nghe, hay những thứ mà cháu học được. Hơn một năm đi học cháu đã tự mình khám phá và đặt cho bố mẹ những câu hỏi liên quan đến cuộc sống xung quanh. Ví dụ như: vì sao lại củ cà rốt lại có màu vàng, vì sao ăn nhiều kẹo lại sâu răng….”, chị Phương kể.
Chị Phương cũng chia sẻ thêm: “Nhà trường có những kỹ năng giáo dục con người mà ở gia đình không thể có được”.
Gia đình chỉ là cái nôi sinh ra
Nhiều phụ huynh cho rằng, mô hình học ở nhà thực sự khó áp dụng ở Việt Nam thời điểm này. Đặc biệt mô hình học này sẽ đánh mất đi tuổi thơ, sự phát triển toàn diện cũng như khả năng giao tiếp của con.
Chia sẻ về điều đó, chi Trần Thị Lý (40 tuổi, Q. Hoàn Kiếm, Hà Nội) nói: “Vấn đề tự học ở nhà thực sự rất khó để đảm bảo học sinh phát triển toàn diện về thể chất lẫn tâm hồn đặc biệt là kỹ năng giao tiếp xã hội. Hiện nay, nhiều đứa trẻ sinh ra kỹ năng giao tiếp, kỹ năng sống rất kém. Thậm chí, có nhiều cháu đã lên đại học nhưng khi đứng thuyết trình trước lớp hay đứng lên phát biểu ý kiến còn run, hồi hộp. Nếu giờ học ở nhà nữa thì gần như kỹ năng giáo tiếp, ứng xử của con sẽ không được áp dụng vào cuộc sống”.
Mặt khác, theo chị Lý khi xác định cho con tự học ở nhà, phụ huynh phải đảm bảo được mình có đủ mội trường để con phát triển, giải đáp được những thắc mắc mà con đặt ra.
“Nếu không làm được điều đó thì không nên cho con học ở nhà, chưa nói đến những vấn đề như quá trình sinh lý con thay đổi phụ huynh phải xử lý như thế nào? Định hướng nghề nghiệp cho con ra sao? Nhiều người nghĩ cho con học ở nhà là giảm áp lực cho con, nhưng thực ra theo tôi họ đang giết đi tuổi thơ, những gì của con trẻ”. Chị Lý nói.
Đồng tình với quan điểm của chị Lý, chị Lương Thu Hương (Hoàn Kiếm, Hà Nội) chia sẻ: “Bản thân mình không ủng hộ mô hình giáo dục tại nhà vì mình không có kỹ năng sư phạm. Mặt khác, nhiều ông bố, bà mẹ trong quá trình dạy con sẽ có thể dẫn đến mâu thuẫn. Hơn nữa, học ở nhà sẽ khó đi vào nề nếp quy cũ như ở trường. Mình vẫn ủng hộ cách học truyền thống hơn”.