Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể: Nên giảm bớt số lượng thơ Đường trong môn Ngữ văn
Giáo dục - Ngày đăng : 15:34, 05/05/2017
Thay thơ Đường (Trung Quốc) bằng tác phẩm văn học hiện đại
Theo đánh giá của nhiều giáo viên, Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể đã phác họa cho giáo viên cũng như học sinh nhìn thấy rõ chân dung của một người học sinh mới. Đồng thời đã rút ngắn lại chương trình học, giảm bớt áp lực cho học sinh rất nhiều tuy nhiên số lượng tiết học mỗi ngày sẽ tăng lên.
“Mặt tích cực của chương trình là học sinh có thể thoải mái học những môn mang tính ứng dụng cao, thoải mái sáng tạo, phát huy được sở trường đam mê của mình ngay từ đầu”, đó là đánh giá của cô Trần Thị Thủy, giáo viên môn Ngữ văn (ở Hà Tĩnh).
Mặt khác, theo như Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, đã giảm nhẹ về thời lượng tiết của một số môn nhưng lại tăng số lượng tiết học của một số môn trải nghiệm khác, như vậy số lượng tiết học của học sinh tính ra giảm không đáng kể.
Để giúp học sinh thích ứng với những phương pháp học mới, hiện nay nhiều giáo viên đã chủ động lồng ghép vào chương trình dạy của mình những điểm đổi mới của chương trình để học sinh có thể dần cảm nhận được cũng như thích ứng với chương trình mới.
Học sinh sẽ có nhiều môn học mang tính thực tế nhiều hơn. Ảnh Vương Trần.
“Ngoài ra, chúng tôi cũng tăng cường nghiên cứu, đặc biệt nắm rõ chương trình của học sinh cũng như điều kiện dạy, học để khi chương trình đưa vào triển khai giáo viên và học sinh không bị động”, cô Thủy cho hay.
Mặt khác, nhiều giáo viên mong muốn trong quá trình soạn sách giáo khoa Bộ GD-ĐT nên giảm bớt lượng kiến thức, tăng thời gian thực hành các hoạt động rèn luyện.
“Đặc biệt, trong chương trình Ngữ văn THCS hiện nay đang có nhiều tác phẩm thơ Đường, văn học Trung đại cho nên trong quá trình soạn thảo sách giáo khoa, Bộ GD-ĐT nên xen kẽ vào những tác phẩm văn học hiện đại, phù hợp với lứa tuổi các em cũng như phù hợp với tâm lý lứa tuổi để các em tiếp cận hứng thú hơn đồng thời lược bỏ bớt các tác phẩm thơ Đường Trung Quốc, văn học Trung đại”, cô Thủy chia sẻ.
Không nên thi tuyển sinh vào lớp 10
Cô Thủy cũng đưa ra ý kiến không nên tuyển sinh lên lớp 10 để giảm bớt áp lực cho học sinh. Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 nên giao cho các trường cấp 3, dựa vào thành tích học tập và kết quả rèn luyện 4 năm để xét tuyển.
Không tổ chức các kỳ thi lớp 10 để giảm bớt áp lực cho học sinh và thời điểm lớp 9 các em bắt đầu định hướng nghề nghiệp nên đã định hướng được môn học yêu thích của mình.
“Khi các em được chọn vào trường cấp 3, các trường có thể có một bài thi để chọn học sinh vào các lớp chuyên. Mặt khác ở cấp 2 các trường nên lồng ghép các chương trình học hướng nghiệp sớm cho học sinh, không nhất thiết phải đua nhau vào học cấp ba để học đại học”, cô Thủy chia sẻ thêm.
Học sinh sẽ có cơ hội phát huy được sở thích, đam mê của mình. Ảnh Hải Nam.
Chia sẻ về Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, Tiến sĩ, Nguyễn Trọng Đức, (giáo viên môn Ngữ văn, trường THPT Chuyên Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh) nhận định: “Hiện nay chúng ta chưa kịp đào tạo đội ngũ giáo viên cho chương trình mới nên sẽ dẫn đến thiếu giáo viên dạy các môn liên quan đến kỹ năng sống, hệ thống giáo viên như: giáo viên Lịch sử, giáo viên Địa lý sẽ thừa".
Tiến sĩ Đức cũng cho biết thêm, hiện nay, chúng ta đang thay đổi trên "ngọn", bởi vậy muốn thay đổi được bản chất thực nên thay đổi từ cách dạy, cách thi cử, thay đổi mục tiêu giáo dục… “Từ trước đến nay, học sinh, phụ huynh đang quan niệm cũng như tư duy học là học để thi, chưa học để ứng dụng. Bây giờ phải thay đổi cách tư duy đó”, TS Đức nhấn mạnh.
Đánh giá, kiểm định chất lượng và thay đổi tư duy của người thực hiện, từ cấp trên cho đến hệ thống giáo viên mọi cấp đồng thời, thay đổi đó phải có lộ trình. Nếu làm ngay sẽ có nhiều hệ lụy không đáng có, đặc biệt chúng ta cần phải chuẩn bị được nhân lực. Đó là ý kiến chia sẻ của nhiều chuyên gia, giáo viên khi góp ý kiến vào Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông.