Nên cho sinh viên tham gia vào thành phần Hội đồng trường
Giáo dục - Ngày đăng : 20:34, 20/04/2017
Hai cơ chế quản trị trong một tổ chức
Hội đồng trường được thành lập xuất phát từ yêu cầu đổi mới quản trị đại học. Các trường đại học hiện đại được xem như một xã hội thu nhỏ và Hội đồng trường có thể xem như một cơ quan lập pháp, một tổ chức hoạch định chính sách vĩ mô trong khuôn khổ quyền tự chủ và trách nhiệm xã hội theo luật định.
Ở Việt Nam, Hội đồng trường được thành lập từ năm 1989, tuy nhiên nó vẫn mang tính chất hình thức. Theo chia sẻ của giáo sư Phạm Phụ - ĐH Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh: “Trong lịch sử giáo dục Việt Nam, tất cả các Hội đồng trường Đại học kể cả các Hội đồng khoa học và đào tạo đều mang tính chất tư vấn. Ở một số trường Đại học có tổ chức Hội đồng trường bao gồm: Hiệu trưởng, các Trưởng khoa, phòng, ban, Đảng ủy, công đoàn, một số giáo sư… nhưng về bản chất đó vẫn là Hội đồng hành chính “bên trong” của nhà trường”.
Hiện nay, Hiệu trưởng và bộ máy quản lý được xem như một cơ quan hành pháp, cần phải tách quản trị ra khỏi quản lý, đảm bảo cho việc quản trị không bị chi phối trực tiếp với lợi ích vật chất.
“Hội đồng trường là những người đại diện cho chủ sở hữu cộng đồng mới đủ thẩm quyền ra những quyết định phù hợp chứ không phải là cá nhân “thủ trưởng” của một tổ chức đó” , GS. Phụ nhấn mạnh.
Tại buổi Hội thảo, các đại biểu của các trường Đại học đã thẳng thắn chia sẻ những khó khăn trong quá trình tự chủ đại học cũng như thành lập Hội đồng trường. Ảnh Ngô Chuyên.
Muốn tự chủ Đại học thì nên thành lập Hội đồng trường trước
Chia sẻ về những vấn đề liên quan đến thành lập Hội đồng trường, đại diện trường ĐH Hồng Đức, ông Nguyễn Mạnh An chia sẻ: “Trường tôi chưa thành lập được hội đồng trường, trong khi đó đánh giá, kiểm định ngoài thì phải có Hội đồng trường”.
Ông An cũng chia sẻ thêm, trong quy định không được bầu Hiệu trưởng và phó hiệu trưởng làm Chủ tịch Hội đồng trường, giả sử bây giờ chúng ta bầu một ông Phó chủ tịch hay Trưởng ban tuyên giáo tỉnh thì chỉ là danh nghĩa, nếu bảo họ nghỉ việc ở cơ quan hiện tại để xuống làm việc chuyên ở Hội đồng trường thì chắc chắn họ không làm, mà họ chỉ kiêm nhiệm.
"Hiện nay, hầu như các trường lớn đều theo hướng tự chủ đại học cho nên chúng tôi hoàn toàn đồng ý, thống nhất cao. Khi đã tự chủ thì buộc phải thành lập được hội đồng trường", ông An chia sẻ.
“Ví dụ như trường tư thục thì quá ổn, nhưng hiện nay nước chúng ta đang chủ yếu là trường công lập, đứng đằng sau là Bộ GD-ĐT hoặc một bộ ngành nào đó. Nếu nói tự chủ là tự chủ ngay thì rất khó đặc biệt là các trường ở địa phương, phụ thuộc rất nhiều cơ quan chủ quản ở địa phương đó. Hiện nay, các trường ở địa phương muốn xin người cũng phải dựa vào tỉnh cho nên không thể nói tự chủ là tự chủ ngay được mà cần phải có thời gian”, ông An nhấn mạnh.
Muốn tự chủ được đại học buộc phải có Hội đồng trường. Ảnh Hải Nam.
Ngoài ra, ông An đưa ra góp ý các trường công lập tiến đến tự chủ thì nên chia thành hai giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất thành lập Hội đồng trường và hoạt động trên cơ sở có cơ quan chủ quản. Muốn làm được thì phải sửa một trong các luật giáo dục, luật giáo dục đại học”.
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng nhấn mạnh, Chủ tịch hội đồng trường phải được bầu phải là số 1. Người đó có quyền đề xuất Hiệu trưởng, trong trường hợp nếu không bầu được người nào giỏi hơn ông Hiệu trưởng nên để ông Hiệu trưởng làm Chủ tịch Hội đồng trường.
Bàn thêm về vấn đề này, ông Dương Đức Hùng Chủ tịch hội đồng trường ĐH Hải Phòng nhấn mạnh: “Trong Hội đồng trường nên cho sinh viên được vào tham gia”.
Ông Hùng phân tích hiện nay số trường có Hội đồng trường rất ít, nếu có chỉ hoạt động theo hình thức. “Nếu ông Chủ tịch Hội đồng trường kiên quyết làm có thể dẫn đến mâu thuẫn với Hiệu trưởng. Nếu không định vị được cái này thì Hội đồng trường làm việc cũng chỉ là hình thức”, ông Hùng cho hay.
Ông Hùng cũng dẫn chứng ở nước ngoài nếu người ngoài được bầu vào Hội đồng trường thì họ được xem như vinh dự và trách nhiệm rất lớn. Tuy nhiên ở Việt Nam thì ngược lại, họ thường ít có thời gian tham gia vào công việc của trường.
Theo ý kiến của nhiều đại biểu, trong Ban giám hiệu chỉ cần 1 người (Hiệu trưởng) tham gia Hội đồng trường. “Ở các nước phương Tây, Hiệu trưởng là thành viên nhưng không tham gia bỏ phiếu quyết nghị”, ông Hùng dẫn chứng.
Bên cạnh đó một số đại biểu cũng đưa ra ý kiến, các thành viên của Hội đồng trường do cấp trên quản lý trực tiếp ra quyết định bổ nhiệm trừ các thành viên là sinh viên thì do Hội sinh viên bầu chọn mỗi năm một lần.