Bố mẹ cần làm gì khi con mắc phải bệnh trầm cảm
Giáo dục - Ngày đăng : 07:03, 28/03/2017
Hiện căn bệnh trầm cảm có thể xảy ra với bất kỳ ai và ở bất cứ độ tuổi nào. Đặc biệt là các em trong độ tuổi và thời gian đứng trước những kỳ thi quan trọng. Bởi lúc đó các em có quá nhiều thứ phải suy nghĩ: bài vở, những bài thi và cả những kỳ vọng của thầy cô và bố mẹ. Tất cả những điều đó làm ảnh hưởng khá lớn đến tâm lý của các em và dễ gây ra bệnh trầm cảm.
Ảnh Internet
Chứng trầm cảm ở trẻ em và thanh thiếu niên có thể biểu hiện dưới dạng tâm trạng buồn chán, cáu giận hoặc cực kỳ nhạy cảm. Trẻ có thể đã mắc bệnh khi thường xuyên cảm thấy tuyệt vọng, vô dụng, có lỗi, tự ti hoặc ít quan tâm hơn tới các hoạt động mà trước đây các em đã từng vui thích.
Ngoài ra khi trẻ bị trầm cảm thường có những biểu hiện về mặt sinh lý như: có những thay đổi đáng kể về khẩu vị hoặc cân nặng. Xa lánh những người lớn hoặc giao tiếp kém. Thường xuyên nghĩ tới cái chết, gây tổn hại cho bản thân, hoặc tự tử.
Thường xuyên cảm thấy khó chịu trong cơ thể, ví dụ như đau đầu, nhức mỏi cơ, đau bụng, hoặc mệt mỏi. Có tâm trạng tức giận, cáu gắt, thù hận hoặc các hành vi nguy hiểm nghiêm trọng hơn. Bật khóc, la hét, kêu la hoặc cáu giận mà không rõ nguyên nhân. Thường xuyên nghỉ học hoặc có kết quả học tập kém.
Thậm chí có một số em sẽ tìm tới chất kích thích, cồn và ma túy khi mắc bệnh trầm cảm. Các bệnh về thể chất và tâm thần khác cũng có các triệu chứng giống như các triệu chứng của bệnh trầm cảm. Và cũng có khả năng là một đứa trẻ có thể cùng lúc mắc bệnh trầm cảm và một căn bệnh khác, thí dụ như chứng rối loạn cảm xúc lo âu hoặc các khuyết tật về nhận thức. Do đó, điều quan trọng là em cần được bác sĩ chuyên khoa khám kiểm tra kỹ lưỡng để chẩn đoán chính xác.
Và khi con bạn đã mắc bệnh trầm cảm thì gia đình cũng đừng buồn chán bởi căn bệnh này hoàn toàn có thể chữa khỏi. Bởi đây là căn bệnh phần lớn là do môi trường và hoàn cảnh sống tạo nên. Chính vì vậy khi muốn chữa khỏi bệnh cho các em bố mẹ cũng nên tìm hiểu nguyên nhân và đưa ra các giải pháp phù hợp nhất với con của mình.
Điều đầu tiên, bạn và gia đình hãy dành thời gian bên con nhiều hơn. Hãy học, chơi và tham gia các hoạt động cùng trẻ. Có như vậy nguyên nhân của căn bệnh mới có thể được tìm ra và từ đó có hướng giải quyết hiệu quả nhất.
Hãy liên lạc và đến trực tiếp gặp ban giám hiệu cùng thầy, cô giáo của con để tìm hiểu về những lịch trình học kiến thức trên trường. Bạn hãy chắc chắn rằng lượng kiến thức ở lớp cũng như cách giáo dục của giáo viên sẽ không gây áp lực cho con.
Hãy yêu cầu khám kiểm tra sức khỏe toàn diện cho con. Để cho bác sĩ biết về những hành vi của trẻ khiến bạn cảm thâý lo ngại. Hãy hỏi bác sĩ để biết có cần đưa con đi khám chữa trị với bác sĩ chuyên khoa về các bệnh hành vi hay không.
Cuối cùng hãy tạo cho con những niềm vui và giảm bớt những kỳ vọng mà các bạn dành cho con. Hãy để trẻ sống vô tư và phát triển với đúng những gì con đang có. Hãy hiểu rằng tuổi thơ của trẻ quý giá hơn rất nhiều những bằng cấp, những bảng điểm trên trời mà bạn nghĩ rằng bao người mơ ước.