Những thay đổi trong chương trình sách giáo khoa mới có thể được dùng trong năm 2018
Giáo dục - Ngày đăng : 07:35, 25/03/2017
Tại cuộc họp báo GS Nguyễn Minh Thuyết - Tổng chủ biên Chương trình Giáo dục phổ thông đã báo cáo những vấn đề liên quan tới việc sửa chữa, bổ sung và hoàn thành nội dung chương trình - sách giáo khoa mới do Hội đồng thẩm định Quốc gia đã họp và biểu quyết thông qua.
Theo đó, "Hội đồng thẩm định Quốc gia đã họp và biểu quyết thông qua chương trình, sách giáo khoa (SGK) mới. Tỷ lệ phiếu khá cao (42% ủng hộ) không cần có sửa chữa và 58% ủng hộ nhưng cần phải sửa chữa. Có thể khẳng định, năm 2018 triển khai được chương trình SGK mới".
Trong chương trình - sách giáo khoa mới sẽ chú trọng hướng nghiệp cho các em học sinh.
Báo cáo cũng nêu rõ những thay đổi và bổ sung trong chương trình giáo dục sẽ chia ra thành từng cấp và từng môn học để đảm bảo tính xác thực và phù hợp với yêu cầu của xã hội hiện nay. Trong đó cấp THPT là có nhiều thay đổi lớn nhất, sau đó là đến các cấp Tiểu học và THCS.
Cụ thể, ngay từ lớp 10, học sinh sẽ được định hướng nghề nghiệp. Đến lớp 11 và 12, học sinh sẽ tiếp cận nhiều hơn với thực tế nghề nghiệp trong tương lai nên ngoài một số môn bắt buộc, các em được chọn 5 môn phù hợp cho định hướng nghề nghiệp. Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể đều được kế thừa chương trình hiện hành.
Ở giai đoạn định hướng nghề nghiệp, lớp 10 bao gồm các môn học bắt buộc là: Ngữ văn, Toán, Tiếng Anh, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Lịch sử, Địa lý, Vật l ý, Hóa học, Sinh học, Tin học, Thiết kế và Công nghệ, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh, Hoạt động nghệ thuật, Hoạt động trải nghiệm sáng tạo. Môn học tự chọn là Ngoại ngữ 2.
Lớp 11 và lớp 12, các môn học chung (bắt buộc) bao gồm: Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh, Hoạt động trải nghiệm sáng tạo. Các môn học định hướng nghề nghiệp (tự chọn bắt buộc): Ngữ văn, Toán, Tiếng Anh, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Lịch sử, Địa lý, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Khoa học máy tính, Tin học ứng dụng, Thiết kế và Công nghệ, Mỹ thuật, Âm nhạc. Học sinh tự chọn tối thiểu 5 môn học trong các môn nói trên phù hợp với nguyện vọng của bản thân.
Ở cấp tiểu học và mầm non trong dự thảo cũng thay đổi đẩy mạnh giáo dục giới tính điều mà hầu như các trường còn đang rất thiếu. Theo các chuyên gia đó cũng chính là nguyên nhân dẫn tới hiện tượng có nhiều vụ xâm hại trẻ em trong thời gian qua.
GS Nguyễn Minh Thuyết cho biết không chỉ có giáo dục bậc tiểu học hay mầm non sẽ chú ý đến giáo dục giới tính mà trong dự thảo chương trình sách giáo khoa mới này mà: “Nội dung giáo dục giới tính và bảo vệ trẻ em sẽ được quan tâm hơn trong SGK mới. Các bài học giúp các em nhận thức được việc bảo vệ mình trước vấn đề xâm hại sẽ có trong các môn như: khoa học đời sống, kiến thức pháp luật, sinh học của các cấp học...”
Ở cấp THCS, các môn học bắt buộc gồm: Ngữ văn, Toán, Tiếng Anh, Giáo dục công dân, Khoa học tự nhiên, Tin học, Công nghệ và Hướng nghiệp, Lịch sử và Địa lý, Giáo dục thể chất, Nghệ thuật, Hoạt động trải nghiệm sáng tạo. Môn học tự chọn là Ngoại ngữ 2.
GS Thuyết cho hay, ngày 24/1 đã hoàn thành khung Chương trình và chuyển đến Hội đồng thẩm định Quốc gia. Ngày 24/2 Hội đồng đã họp đã biểu quyết thông qua với tỷ lệ khá cao: 42% không qua sửa chữa, 58% thông qua nhưng yêu cầu phải có sửa chữa. Sau hơn 1 tháng tập trung làm việc, ngày 14/3 dự thảo lần cuối đã hoàn thành và hiện đang trình Bộ GD&ĐT xem xét trước khi công bố.