Chàng sinh viên giàu nghị lực, sở hữu hơn 1.000 cuốn sách
Giáo dục - Ngày đăng : 14:39, 20/02/2017
Từ cậu học trò từng nghịch “nhất phố huyện”...
Khuôn mặt sáng, mái tóc hơi rối và luôn cầm cuốn sách cũ dày cộm trên tay là những ấn tượng đầu tiên của chúng tôi về chàng sinh viên giàu nghị lực Đỗ Trường Hùng (SN 1994, lớp Báo in K34 A2, Học viện Báo chí và Tuyên truyền). Dường như bất cứ lúc nào, người ta đều bắt gặp hình ảnh Đỗ Trường Hùng đang cặm cụi bên những trang sách.
Tuy bề ngoài hơi ngố, đậm chất “mọt sách” nhưng ít ai biết rằng Đỗ Trường Hùng nguyên là dân khối A lại thi được 24,5 điểm đại học khối C. Nhờ ý chí và nghị lực, Đỗ Trường Hùng đã vượt lên hoàn cảnh, đặt tay đến giấc mơ trở thành sinh viên báo chí. Sau hai năm học tập tại Khoa Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Đỗ Trường Hùng là người có thành tích học tập ở tốp đầu với điểm số trên 8.0.
"Gia tài" của Đỗ Trường Hùng là hơn 1.000 cuốn sách - Ảnh: Hữu Lan
Tuổi thơ của Hùng kém may mắn hơn những đứa trẻ khác vì sớm thiếu vắng tình cảm của bố. Thuở nhỏ, hai anh em Hùng rất nghịch mà theo cách nói của Hùng thì “có tiếng nhất nhì phố huyện Hưng Hà” (Thái Bình). Theo thời gian, Đỗ Trường Hùng nhìn nhận về cuộc sống thấu đáo hơn và dần hiểu ra rằng, đằng sau những gánh hoa chợ phiên trên đôi vai gầy của mẹ là cả một cuộc đời tần tảo, hi sinh vì con. Bởi thế, hai anh em Hùng không còn cắm đầu vào những trận đánh Phong thần, Kiếm thế, Đột kích, Bom bom,… xuyên đêm hay việc đuổi đánh nhau khắp chợ mà thay vào đó là ấp ủ những giấc mơ nơi giảng đường.
Hùng tâm sự, công việc chính của mẹ cậu là buôn bán hoa nhưng cậu chỉ muốn mẹ lên Hà Nội làm giúp việc. “Thứ nhất là để mẹ gần con cái, tiếp đến là không còn phải thức thâu đêm, ăn uống thất thường phải truyền nước, tay bỏng rộp vì hóa chất… Mỗi lần về nhà thấy hình ảnh mẹ ngâm đôi tay bị bong tróc da trong chậu nước muối mình rất đau lòng”- Đỗ Trường Hùng tâm sự.
Mặc dù nhiều lần suýt chết vì bị tụt huyết áp nhưng mẹ Hùng vẫn không đồng ý lên Hà Nội cùng con. Không phải vì mẹ cậu sợ vất vả mà vì không muốn xa quê. Từ cái thuở 18, đôi mươi mẹ Hùng đã một mình lên Tuyên Quang bán hàng thuê nên cả phần đời còn lại bà chỉ muốn ở quê. “Mẹ đi buôn cả hôm mồng 1 Tết. Tết nhất mà nhà vắng lặng. Hơn 20 năm nay không thấy mẹ cùng đón Tết trọn vẹn bao giờ, lúc nào cũng đạp xe đi lấy hoa kể cả lúc nửa đêm. Hiện giờ, nhà đang nợ cả trăm triệu vì việc bán buôn thua lỗ, lãi mẹ đẻ lãi con do kéo dài nhiều năm không trả nổi” – chàng sinh viên nén tiếng thở dài.
Đến đôi tay làm đủ nghề, sở hữu hơn 1.000 cuốn sách
Từ lúc còn học lớp 11, Hùng đã đi phụ hồ để phần nào giúp mẹ trang trải. Thậm chí, ngày nhận được tin báo đỗ đại học từ bạn, Đỗ Trường Hùng đang thu dọn bát đĩa trong một quán cơm ở Long Biên, Hà Nội. Và những ngày tháng học đại học, đôi tay Hùng đã làm đủ nghề để có thể nuôi mình ăn học, từng bước thực hiện ước mơ.
Những ngày ôn thi lại đại học, Hùng lên Hà Nội đi làm bảo vệ ở một công ty 14 tiếng/ngày với mức lương 1,8 triệu đồng. Dù lịch làm việc gần như “kín” nhưng Hùng vẫn tranh thủ hết sức có thể để học. 12 giờ đêm, sau khi đi làm về cậu vẫn ngồi vào bàn học khoảng 1,5 tiếng và buổi sáng dậy từ lúc 5h học đến 7h rồi mới đi làm. Hùng bảo, trong khoảng thời gian này cậu tiết kiệm đến mức không uống một ly trà đá, không mua bất cứ gói dầu gội đầu nào.
Cho đến khi lên đại học, Hùng làm đủ nghề từ bưng bê, bán bánh khoai đến chở gạch thuê, đi xe ôm. Hiện tại, đôi kính cận của Hùng đã 3 năm còn chưa cắt lại, quần áo cũng chỉ có vài bộ đã cũ. Tuy nhiên, trong căn phòng trọ chưa đầy 10m2 của Hùng lại có cả nghìn cuốn sách từ lịch sử, văn hóa đến nghệ thuật trong nước và nước ngoài… “Có bao tiền mình đều dành để mua sách. Đối với mình sách không chỉ là tri thức mà còn là nguồn động lực sống. Mình có thể mặc chiếc áo xanh bảo hộ lao động đến lớp nhưng tay không thể rời cuốn sách” – Đỗ Trường Hùng chia sẻ.
Căn phòng nhỏ của Hùng dường như chỉ có sách và bàn học. Ngay cả chiếc “giường” của cậu cũng là một chiếc ghế ngủ văn phòng được xếp ở vị trí rất “khiêm tốn” vì giá sách "khủng" - đồ cũ được cho đã chiếm hết chỗ. Sách của Hùng có nhiều sách cũ, nhưng với cậu thì “Những nét chữ trên sách có thể bị mờ theo thời gian nhưng tri thức, giá trị thì không hề cũ” – Hùng vừa xếp lại sách trên giá vừa chia sẻ.
Người “anh cả” về nghị lực sống
Th.S Bùi Đức Anh Linh, giảng viên Khoa Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền kể về một bức thư đặc biệt, dài 12 mặt giấy thếp được gửi về khoa Báo chí vào năm 2013. Bức thư viết về sự khao khát được trở thành một sinh viên báo chí trong năm học tới của một thi sĩ trẻ có bút danh Sông Tình. Chàng thi sĩ đó chính là Đỗ Trường Hùng và cậu đã trở thành sinh viên của trường báo, học tại lớp do Th.S Bùi Đức Anh Linh làm chủ nhiệm.
Đỗ Trường Hùng được vợ nhà văn Sơn Tùng, bà Phan Hồng Mai xem như cháu ngoại - Ảnh: Hữu Lan
Nói về Hùng, giảng viên Anh Linh cho biết thêm: “Sinh viên Đỗ Trường Hùng là sinh viên có thành tích học tập đứng tốp đầu của lớp. Hùng còn được mọi người quý mến, gọi là “người anh cả” về tấm gương học tập, nghị lực vươn lên hoàn cảnh cùng lối sống giản dị, biết thổi sáo và làm thơ hay. Do hoàn cảnh khó khăn nên Hùng phải tự lực từ rất sớm, ngoài lo cho mình em còn phải đi làm để nuôi người em trai đang học tại Đại học Bách khoa”. Ngoài ra, Hùng còn “ẵm” rất nhiều học bổng của trường, khoa, Quỹ Bầu ơi…
Nhưng có lẽ, xúc động hơn cả là câu chuyện Đỗ Trường Hùng đạp xe xuyên Bắc Nam để thắp hương cho bố, báo tin đỗ đại học và tìm đến nhà của nhà văn Sơn Tùng – người chuyên viết về Bác Hồ xin được nhận làm cháu.
Chia sẻ với phóng viên, Hùng nói: “Mình mua xe đạp bằng tiền làm bảo vệ, để năm sau nếu có đỗ thì còn có xe mà đi báo cho ba hay, ba mình mất ở Đắk Lắk. Trong suốt hành trình, phía sau xe mình là chiếc cờ đỏ sao vàng. Mỗi khi đạp xe, nghe tiếng gió thổi cờ bay phần phật, trong mình như đang có lửa. Lần này mình vào Đắk Lắk thắp nhang cho bố với một tâm thế khác, lòng thấy thanh thản hơn”.
Vợ nhà văn Sơn Tùng, bà Phan Hồng Mai, cho hay, gia đình xem cậu sinh viên Đỗ Trường Hùng như con cháu trong nhà, thứ 7 hàng tuần Hùng thường về thăm ông bà. Nhờ sự chân thành của mình, Hùng được ông bà tin tưởng giao nhiệm vụ lau bàn thờ của gia đình.
Nói về Hùng, con trai nhà văn Sơn Tùng, anh Bùi Sơn Định chia sẻ: “Từ việc đọc tác phẩm Búp sen xanh kể về thời niên thiếu của Bác Hồ, cháu Hùng đã tìm được động lực để vươn lên trong cuộc sống, gia đình tác giả rất cảm động và quý mến. Đó cũng chính là mong muốn của nhà văn Sơn Tùng khi dành cả cuộc đời để viết các tác phẩm về Bác Hồ”.