Ai sẽ trả lại cho em tuổi thanh xuân…
Giáo dục - Ngày đăng : 10:58, 10/02/2017
Nỗi đau đấy, ai sẽ trả lại cho em? Tiền ư? Liệu có bù đắp nổi cho em sức trẻ, niềm kiêu hãnh, tự tin của cô gái 18 tuổi đầy mơ ước, hoài bão hay là sự chân thành, tình người mới có thể giúp em có thêm nghị lực vượt qua nỗi đau.
Sự việc em học sinh bị bỏng tại trường THPT Phan Đình Phùng những ngày qua cũng dần dần khép lại, điều gì có khởi đầu cũng có kết thúc. Cô giáo Mai Anh là cán bộ phụ trách phòng thí nghiệm cũng đã nhận hình thức kỷ luật là “cảnh cáo”. Sức khỏe của cô bé bị bỏng trong phòng thí nghiệm cũng đã dần ổn định và em đã trở lại trường.
Nhưng điều gì còn đọng lại ở đằng sau sự việc này? Là sự cảm thông, day dứt cho một cô bé còn quá trẻ với những dòng tâm sự đầy ám ảnh “Tớ, là một học sinh lớp 12, đứng trước ngưỡng cửa cuộc đời, và tớ vừa bị đoạt mất ước mơ của chính bản thân mình “. Hay là một nỗi xót xa vì sự bao che, đùn đẩy trách nhiệm?
Vết thương của nữ sinh do bị bỏng trong phòng thí nghiệm hóa học tại trường THPT Phan Đình Phùng
Tại sao một sự việc nghiêm trọng đến như vậy mà cứ cố tình bị chìm dần đi. Mãi đến khi, cô bé không thể chịu nổi sự ấm ức…thì mới lên tiếng. Lúc ấy, nhà trường mới vào cuộc?
Tại sao người ta có thể đánh đổi cả tính mạng, tương lai, cuộc đời của một cô bé để bảo vệ cho danh dự của nhà trường, để bảo vệ cho cái thành tích, danh hiệu mà đầu mỗi năm học nhà trường đã đăng ký, để bao che cho một hành động vô cùng nguy hiểm mà trực tiếp đã ảnh hưởng đến sức khỏe của người khác.
Có xót xa không khi mà cô bé phải thốt lên: “Suốt 1 tháng ròng rã vừa rồi, khi tớ đấu tranh từng tí một để giành lại cuộc sống của mình , thì bạn ấy không bị một hình phạt kỉ luật gì cả, nhà trường còn có hành vi che giấu sự việc trên, và điều đó là không công bằng với tớ".
Tại sao nhà trường, gia đình cậu bạn kia không một lời tỏ ra ăn năn, hối lỗi. Có lẽ, nếu nhà trường vào cuộc sớm hơn, nếu các thầy cô giáo dám đứng lên nhận trách nhiệm về mình, bỏ qua đi cái sĩ diện, danh hiệu, danh dự của nhà trường…để hỏi han, động viên, chia sẻ và an ủi em…thì sự việc có lẽ không bị đẩy xa đến vậy. Và cô gái 18 tuổi đầy hồn nhiên ấy không phải thốt lên những lời đau xót, day dứt như thế này: “Các cậu, kể từ bây giờ, khắp người tớ sẽ là những mảng da nhăn lại, co lại sần sùi lồi lõm mà công nghệ cũng khó cứu được, đau đớn 1 tháng qua từng khiến tớ muốn từ bỏ tất cả, tay phải tớ co gân không làm được chuyện gì ngay cả viết , tớ không thi nổi đại học nữa rồi…”.
Một bản kỷ luật được lập trong những ngày dư luận phản ứng gay gắt chẳng thể trả lại cho em được làn da không nhăn nhúm. Một hình thức cảnh cáo sau khi em đã phải trải qua những đớn đau liệu có làm cho đôi bàn tay em trở lại vẹn nguyên không…
Liệu một bản án kỷ luật chẳng thể trả lại cho em một tuổi trẻ hồn nhiên, đầy hoài bão
Khi nói ra sự thật, phải chăng em mong những ai gây ra lỗi phải chịu kỷ luật em mới vừa lòng. Tôi tin là không phải vậy, mà có lẽ bởi sự uất ức, bất công, sự thật bị che đậy nên em phải nói ra…và còn bao nhiêu cái sự thật đang bị bao che nữa trong xã hội này không được phơi bày. Hành vi dối trá cũng chính là tội ác, tội ác đấy nó như ngàn mũi dao đâm...tê dại.
Trong cuộc sống, sẽ có những sự việc xảy ra ngoài ý muốn, sẽ có những tổn thương ta vô tình gây cho nhau. Nhưng trên hết là sự chân thành, ăn năn hối lỗi và biết nhận ra sai lầm của mình. Nếu bản thân làm được điều đó, tôi tin gánh nặng sẽ vơi đi nhiều và sự tha thứ sẽ dễ dàng hơn!