Việt Nam sẽ đưa nội dung giáo dục công dân toàn cầu vào trường học
Giáo dục - Ngày đăng : 10:22, 26/12/2016
Ảnh: Minh họa
Trong buổi làm việc với các thành viên thuộc Mạng tổ chức giáo dục công dân toàn cầu, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ khẳng định, đây là một chương trình thú vị để đẩy nhanh quá trình hội nhập với thế giới, nhờ đó công dân Việt Nam sẽ được giáo dục để biết tôn trọng giá trị chung của nhân loại, của các dân tộc khác, năng lực hợp tác với bạn bè quốc tế và tham gia thị trường lao động. Bộ GD&ĐT sẽ nghiên cứu, xem xét lựa chọn nội dung nào phù hợp sẽ đưa dần vào các chương trình giảng dạy.
GS Nguyễn Minh Thuyết nhìn nhận, việc đưa các nội dung của chương trình vào nội dung giảng dạy trong các bậc học ở thời điểm này khá thuận lợi vì giáo dục của Việt Nam đang xây dựng chương trình Sách giáo khoa mới. Song, để triển khai vào thực tế thì không dễ dàng vì so với hiểu biết xã hội của số đông người dân Việt Nam, những nội hàm của chương trình GDCDTC có một khoảng cách khá xa. Tuy nhiên, đây cũng là nội dung cần thiết cho công dân Việt trong thời kỳ hội nhập, 3 trụ cột của chương trình GDCDTC cũng phù hợp với chủ trương đường lối của Đảng và Nhà nước.
Còn theo đại diện của các trường ĐH Sư Phạm, GS Phạm Hồng Quang, Hiệu trưởng ĐHSP Thái Nguyên cho rằng, cần cân nhắc khi đưa nội dung của chương trình GDCDTC vào chương trình học như các môn học độc lập. Hiện nay cácchương trình học trong nhà trường ở các bậc học đều đã quá tải, hơn thế nữa, trong các môn học của Việt Nam ở các bậc học cũng đã có các nội dung này. Theo định hướng xây dựng các môn học theo hướng tích hợp, liên môn mà Bộ GD&ĐT đã xác định, nên chăng đưa các nội dung, nội hàm của GD CDTC vào lồng ghép theo huớng tích hợp với các môn học khác.
GD CDTC đang được giảng dạy tại ĐH California tại LosAlgeles từ 2015 và dựa trên kết quả của sáng kiến GD toàn cầu. Từ năm 2012 Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Bankimoon đã sáng lập ra chương trình GDCDTC dựa trên 3 trụ cột cơ bản: giáo dục cho tất cả mọi người, nâng cao chất lượng giáo dục và GD CDTC. Và chỉ khi nào phát triển chương trình GD CDTC (trụ cột thứ 3) thì mới có thể đạt được 2 trụ cột trên. Hiện Mạng lưới GDCDTC đã xây dựng bộ câu hỏi 125 câu hỏi, Một người trả lời 80% câu hỏi này sẽ được nhận chứng chỉ là CDTC. Mạng lưới chương trình GD CDTC đặt mục tiêu từ nay cho tới 2020 Việt Nam sẽ có 5 triệu người có chứng chỉ CDTC. |