Định hướng quan trọng với nhiều giải pháp đột phá cho công tác đối ngoại

Tiêu điểm - Ngày đăng : 14:59, 10/07/2017

Thời gian qua, hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế của hệ thống TAND đã đạt nhiều kết quả tích cực. TANDTC đã hoàn thiện về cơ bản bộ máy cán bộ làm công tác đối ngoại, xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản hướng dẫn công tác đối ngoại trong nội bộ.

Trên cơ sở đảm bảo nguyên tắc độc lập về chủ quyền và định hướng xã hội chủ nghĩa, TANDTC đẩy mạnh hoạt động hợp tác quốc tế, tích cực thực hiện chính sách đối ngoại theo phương châm đa dạng hoá, đa phương hoá của Đảng và Nhà nước, nhằm góp phần nâng cao vị thế Việt Nam nói chung và TAND nói riêng trên trường quốc tế.

Đề án về công tác đối ngoại của TAND giai đoạn 2017-2021

Việc thực hiện các thỏa thuận hợp tác, các dự án hỗ trợ kỹ thuật đã đóng góp đáng kể vào việc triển khai thực hiện nhiệm vụ của TANDTC trong công cuộc cải cách tư pháp mà trọng tâm là công tác xét xử. Bên cạnh đó, các hoạt động hợp tác quốc tế cũng góp phần giúp TANDTC đẩy mạnh công tác đào tạo, đào tạo nâng cao, đào tạo lại, bồi dưỡng kiến thức cho đội ngũ Thẩm phán, cán bộ, công chức của các TAND để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Bên cạnh những kết quả nêu trên, hoạt động hợp tác quốc tế của TAND trong thời gian qua cũng bộc lộ một số hạn chế cần khắc phục trong thời gian tới. Do vậy, công tác hợp tác quốc tế của TAND đòi hỏi phải được nâng cao cả về chất và lượng, thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, có tính chiến lược dài hạn và phù hợp hơn đối với từng giai đoạn phát triển của TAND nói riêng và của đất nước nói chung.

Trước tình hình đó, việc xây dựng Đề án về công tác đối ngoại của TAND giai đoạn 2017-2021 là hết sức cần thiết, nhằm phát huy những kết quả đạt được, từng bước khắc phục những tồn tại, hạn chế, đồng thời đưa công tác hợp tác quốc tế của TAND lên một tầm cao mới, xứng tầm với vị thế của hệ thống trong việc bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, đóng góp vào tiến trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, phù hợp với chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước về hợp tác quốc tế về pháp luật và tư pháp, đặc biệt là 02 Nghị quyết quan trọng của Bộ Chính trị là Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 và Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020.

Định hướng quan trọng với nhiều giải pháp đột phá cho công tác đối ngoại

Chánh án TATC hai nước Việt Nam - Singapore ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác

Đề án đã xác định rõ định hướng chung, định hướng theo lĩnh vực và định hướng theo khu vực và nhóm đối tác cụ thể cho công tác đối ngoại giai đoạn 2017-2021. Theo đó, công tác đối ngoại của TAND giai đoạn 2017-2021 cần thực hiện theo các định hướng chung, cụ thể là:

Công tác đối ngoại phải đóng góp đắc lực trong việc đổi mới, tăng cường năng lực cho hệ thống TAND trên nhiều lĩnh vực: Hoàn thiện mô hình tổ chức và hoạt động, nâng cao chất lượng xét xử; hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật và các điều kiện bảo đảm cho công tác xét xử và hoạt động của Tòa án theo Hiến pháp năm 2013 và Luật Tổ chức TAND năm 2014, đáp ứng được các yêu cầu của cải cách tư pháp trong thời kỳ hội nhập quốc tế toàn diện.

Mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế của hệ thống TAND với Tòa án các nước trên thế giới, với các tổ chức/thiết chế khu vực và toàn cầu trong lĩnh vực tư pháp, đóng góp tích cực vào việc thực hiện đường lối đối ngoại chung của Đảng và Nhà nước trong giai đoạn mới, nâng cao vị thế của Việt Nam và Tòa án Việt Nam trên trường quốc tế.

Hoạt động đối ngoại của TAND cần phải bám sát và phục vụ tốt việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, chuyên môn của TAND; cụ thể hóa các nhiệm vụ trọng tâm của TAND dài hạn, trung hạn và ngắn hạn vào các hoạt động đối ngoại, đảm bảo góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ đó; huy động sự tham gia và phát huy được tiềm lực của toàn hệ thống trong công tác đối ngoại.

Về định hướng theo lĩnh vực, Đề án xác định các lĩnh vực ưu tiên cho hoạt động đối ngoại là: Triển khai nội dung của các văn kiện, Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng liên quan đến hoạt động hợp tác quốc tế về pháp luật và tư pháp; Nghiên cứu mô hình tổ chức và hoạt động của Tòa án của một số nước, tham khảo có chọn lọc và phù hợp với điều kiện chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội vào quá trình tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Tòa án Việt Nam, có tính đến yếu tố phù hợp với mô hình chung của các nước trên thế giới, đặc biệt là các nước trong khu vực ASEAN để tạo điều kiện thuận lợi và bảo đảm tính bền vững của hợp tác pháp luật và tư pháp trong nội khối.

Chủ động đẩy mạnh ký kết các thỏa thuận quốc tế, tham gia tích cực trong việc đàm phán, ký kết các điều ước quốc tế; Đổi mới tổ chức và hoạt động của hệ thống TAND; Phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao.

Định hướng quan trọng với nhiều giải pháp đột phá cho công tác đối ngoại

Lễ ký Biên bản ghi nhớ về hợp tác giữa Học viện Tòa án Việt Nam và Học viện Tư pháp Slovakia

Về định hướng hợp tác theo khu vực và nhóm đối tác, Đề án đã khẳng định rõ hợp tác song phương, hợp tác trong cộng đồng ASEAN, hợp tác đa phương, chú trọng đến hợp tác với các nước láng giềng (Lào, Campuchia, Trung Quốc); hợp tác với các thiết chế đa phương về hợp tác pháp luật và tư pháp, phát triển quan hệ với các tổ chức quốc tế; với các đối tác mới và tiềm năng.

Những giải pháp chủ yếu và trách nhiệm tổ chức thực hiện

Đề án xác định 6 giải pháp chủ yếu để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ cho công tác đối ngoại giai đoạn 2017-2021, đó là: nâng cao nhận thức; đẩy mạnh công tác nghiên cứu, dự báo xu hướng phát triển của hoạt động hợp tác quốc tế nói chung, hợp tác trong lĩnh vực Tòa án nói riêng; nâng cao tính chủ động trong triển khai thực hiện hợp tác quốc tế; tăng cường phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan trong hoạt động đối ngoại; kiện toàn tổ chức, cán bộ thực hiện hoạt động hợp tác pháp luật; đảm bảo đủ kinh phí, cơ sở vật chất, kỹ thuật.

Trong các giải pháp nêu trên, vấn đề nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức TAND về công tác đối ngoại là rất quan trọng. Đề án xác định cần phải: Tổ chức phổ biến, quán triệt chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác đối ngoại để nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức trong hệ thống Tòa án nói chung, cán bộ, công chức làm công tác hợp tác quốc tế và tương trợ tư pháp nói riêng về vị trí, vai trò, yêu cầu nhiệm vụ của hợp tác quốc tế và tương trợ tư pháp trong tình hình mới. Thường xuyên cập nhật xu thế phát triển của hoạt động hợp tác quốc tế nói chung, hợp tác trong hoạt động của Tòa án và tương trợ tư pháp nói riêng cũng như những định hướng phát triển quan hệ đối ngoại và tương trợ tư pháp của hệ thống Tòa án cho cán bộ, công chức làm công tác hợp tác quốc tế và tương trợ tư pháp để thống nhất nhận thức và hành động trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ.

Đề án quy định Ban cán sự đảng TANDTC chịu trách nhiệm tổ chức và chỉ đạo việc thực hiện các mục tiêu, định hướng và giải pháp tăng cường công tác đối ngoại được nêu trong Đề án này; phân công một đồng chí Ủy viên Ban cán sự Đảng, Lãnh đạo TANDTC được giao phụ trách về công tác đối ngoại chịu trách nhiệm chính trong việc theo dõi, tổ chức thực hiện Đề án. Đồng thời, quy định cụ thể trách nhiệm của các đơn vị: Vụ Hợp tác quốc tế, Vụ Tổ chức - Cán bộ, Cục Kế hoạch - Tài chính, Văn phòng, các đơn vị khác của TANDTC và các TAND địa phương trong việc triển khai thực hiện Đề án.

Có thể nói việc xây dựng và ban hành Đề án về công tác đối ngoại của TAND giai đoạn từ năm 2017 đến năm 2021 là tiền đề quan trọng, là cơ sở để đưa công tác hợp tác quốc tế của TAND lên một tầm cao mới, xứng tầm với vị thế của TAND trong việc bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, đóng góp vào tiến trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. 

PV