Tín ngưỡng thờ Mẫu chính thức được vinh danh Di sản của nhân loại

Nhật Minh| 02/12/2016 08:39
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt đã chính thức được công nhận là Di sản Văn hóa Phi vật thể đại diện của nhân loại vào tối 1/12, theo tin từ trụ sở LHQ tại Ethiopia.

Tín ngưỡng thờ Mẫu chính thức được vinh danh Di sản của nhân loại

Đoàn Việt Nam do Đại sứ Phạm Sanh Châu (ngồi giữa) làm Trưởng đoàn tham dự phiên họp. Ảnh: Facebook Đại sứ Phạm Sanh Châu

Cụ thể, vào lúc 17h15 giờ địa phương (21h15 giờ Việt Nam) ngày 1/12, tại Phiên họp Ủy ban Liên Chính phủ Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của LHQ (UNESCO) về Bảo vệ Di sản Văn hóa Phi Vật thể diễn ra tại Adis Abebas, Ethiopia (từ 28/11 - 3/12), di sản Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt đã chính thức được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đoàn Việt Nam do Đại sứ Phạm Sanh Châu - Vụ trưởng Vụ Văn hóa và UNESCO thuộc Bộ Ngoại giao làm Trưởng đoàn tham dự phiên họp.

Theo nguồn Facebook Đại sứ Phạm Sanh Châu cập nhật tin tức từ trụ sở LHQ tại Ethiopia, hồ sơ Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt được đánh giá cao về chất lượng và là 1/18 hồ sơ được thông qua không cần thảo luận. Đây cũng là lần đầu tiên UNESCO vinh danh Người phụ nữ Việt Nam qua hình ảnh của Thánh Mẫu.

Cũng theo nguồn Facebook Đại sứ Phạm Sanh Châu, cùng đợt vinh danh này có hồ sơ về Cách sản xuất 1.500 loại Bia của Bỉ, Điệu nhảy Rumba của Cuba và Săn mồi bằng chim ưng của 18 nước đồng trình.

Hồ sơ Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt được công nhận là Di sản Văn hóa Phi vật thể đại diện của nhân loại do bản thân Tín ngưỡng thờ Mẫu có giá trị đặc sắc bởi di sản gắn liền với đời sống tinh thần và các phong tục tập quán văn hóa của người dân, được cộng đồng trân trọng và liên tục lưu truyền từ ngàn đời nay.

Việc Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Phi vật thể đại diện của nhân loại một mặt sẽ góp phần tăng cường vị trí, vai trò của di sản đối với xã hội, làm giàu thêm bức tranh đa dạng văn hóa của Việt Nam và của nhân loại, mặt khác sẽ làm cho cộng đồng, những người thực hành di sản nhận thức sâu sắc thêm về di sản của mình để họ tự hào và tích cực hơn trong công tác tham gia bảo vệ và phát huy giá trị của Tín ngưỡng thờ Mẫu. Đây cũng là tin vui to lớn đối với tỉnh Nam Định (nơi được vinh dự thay mặt cả nước chủ trì xây dựng hồ sơ trình UNESCO) nói riêng và nhân dân cả nước nói chung.

Tín ngưỡng thờ Mẫu chính thức được vinh danh Di sản của nhân loại

Đoàn Việt Nam chụp ảnh kỷ niệm với đại diện các nước có di sản được UNESCO xét duyệt lần này. Ảnh: Facebook Đại sứ Phạm Sanh Châu

Quan niệm thế giới tự nhiên được chia thành các phủ: Trời, rừng, nước và đất dưới sự cai quản của các nữ thần, người Việt theo tín ngưỡng thờ Mẫu thờ cúng các nữ thần cùng với các vị thánh là những nhân vật trong lịch sử hoặc huyền thoại, có công với dân, đất nước và có quyền năng trong các điện thờ. Sức mạnh và ý nghĩa của Tín ngưỡng thờ Mẫu chính là đáp ứng nhu cầu tâm linh của người Việt, cầu tài, cầu lộc, sức khỏe, làm ăn, buôn bán, những niềm mong ước tốt đẹp cho cuộc sống hàng ngày.

Thực hành cơ bản của Tín ngưỡng thờ Mẫu bao gồm các lễ cúng, lên đồng, hát văn, và lễ hội, tiêu biểu là Lễ hội Phủ Dầy ở tỉnh Nam Định diễn ra vào ngày 3 tháng 3 âm lịch (ngày mất của Thánh Mẫu Liễu Hạnh). Các thực hành thể hiện những yếu tố văn hóa truyền thống như trang phục, âm nhạc, múa, diễn xướng dân gian mang đậm bản sắc văn hóa Việt, được sáng tạo, phát triển, lưu truyền qua các thế hệ hàng trăm năm.

Hồ sơ “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt” được UNESCO công nhận với những tiêu chí nổi bật sau:

- Di sản được coi là một phương thức quan trọng đối với các cộng đồng để thể hiện ký ức lịch sử, bản sắc văn hóa, tinh thần đoàn kết và đáp ứng nhu cầu tâm linh;

- Việc ghi danh di sản này sẽ góp phần vào khả năng bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể nói chung và nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của di sản ở các cấp độ khác nhau, do có những điểm tương đồng văn hóa giữa các cộng đồng và các nhóm người tôn thờ các thánh mẫu (nữ thần) như là biểu tượng của lòng từ bi và ban ơn trong các phần còn lại của thế giới, và sự kết hợp của đạo giáo, Phật giáo và nhiều tôn giáo khác đại diện cho di sản này. Đây là di sản chung của nhiều nhóm dân tộc ở Việt Nam, do đó việc ghi danh sẽ khuyến khích đối thoại và tôn trọng sự đa dạng văn hóa ở cấp địa phương. Sự sáng tạo của con người sẽ phong phú hơn vì các yếu tố nghệ thuật của di sản bao gồm những bộ trang phục, điệu múa và âm nhạc chiếm một vị trí quan trọng trong lễ hội;

- Từ những năm 1990, Việt Nam đã tiến hành những biện pháp nhằm bảo vệ và phát huy giá trị di sản từ cấp Trung ương đến địa phương. Những biện pháp này thể hiện sự cam kết của chính phủ, cộng đồng và các nhóm chuyên nghiệp trong việc bảo tồn di sản. Mục tiêu tổng quát là nhằm bảo vệ di sản chống lại các mối đe dọa đến từ bên ngoài và bên trong, chẳng hạn như việc thương mại hóa quá mức hay các nghi thức cúng bái bị bóp méo;

- Di sản đề cử được xem là kết quả của sự tham vấn rộng rãi và hợp tác giữa những người thực hành tín ngưỡng ( thủ nhang, cung văn và thanh đồng tâm linh), đại diện cộng đồng và các viện nghiên cứu, cũng như một số tổ chức phi chính phủ và cơ quan chính phủ;

- Di sản đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia vào năm 2013. Công tác kiểm kê di sản được Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phối hợp với Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam cập nhật hàng năm. Di sản được xây dựng với sự tham gia của cộng đồng địa phương, già làng và thủ nhang.

(Nguồn: Báo Quốc tế)

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tín ngưỡng thờ Mẫu chính thức được vinh danh Di sản của nhân loại