Sáng nay (12/9), TAND cấp cao tại Hà Nội đã mở lại phiên tòa xét xử phúc thẩm với các bị cáo trong vụ án cháy quán karaoke trên phố Trần Thái Tông (Hà Nội) khiến 13 người tử vong.
Trước đó, TAND TP Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm và tuyên phạt bị cáo Nguyễn Diệu Linh (SN 1986, trú tại phường Văn Quán, Hà Đông, Hà Nội - chủ quán karaoke 68 Trần Thái Tông, Cầu Giấy, Hà Nội) 9 năm tù giam; bị cáo Lê Thị Thì (tức Lê Thị Thanh, SN 1962, trú tại phường Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy, Hà Nội - chủ sử dụng lao động đối với Tuấn) 7 năm tù giam và bị cáo Hoàng Văn Tuấn (SN 1993, trú tại phường Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy, Hà Nội - thợ hàn trực tiếp gây ra vụ cháy trong quá trình hàn cắt bỏ bản lề cửa phòng hát) 7 năm tù giam về tội “Vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy”.
Tuy nhiên, sau bản án sơ thẩm, cả 3 bị cáo trong vụ án này đều có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Phía gia đình bị hại có đơn kháng cáo đề nghị tăng hình phạt của bị cáo Nguyễn Diệu Linh.
Theo bản án sơ thẩm, Nguyễn Diệu Linh (chủ quán Karaoke 68, quán Karaoke thuộc danh mục có cơ sở nguy hiểm về cháy nổ) đã tự ý thay đổi, không làm theo đúng thiết kế về phòng cháy chữa cháy theo bản thiết kế đã thẩm duyệt; không kiểm tra, giám sát trong quá trình thi công.
Các bị cáo tại phiên tòa xét xử sáng nay
Trong khi việc sửa chữa, lắp đặt quán karaoke vẫn đang trong quá trình hoàn thiện, hệ thống phòng cháy, chữa cháy chưa được nghiệm thu thì vào đầu giờ chiều 1/11/2016, Nguyễn Diệu Linh vẫn chỉ đạo Võ Hoàng Kỳ (nhân viên quản lý) cho 2 tốp khách vào hát tại 2 phòng.
Hoàng Văn Tuấn là thợ hàn không có chứng chỉ về công việc hàn điện, chưa được huấn luyện về an toàn lao động, chưa được cấp thẻ an toàn, không có biện pháp phòng chống cháy, dùng máy hàn thổi lửa trực tiếp vào bản lề cửa mục đích dùng nhiệt cắt bản lề ra dẫn đến lửa bén vào vách phòng và gây cháy.
Lê Thị Thì là chủ sử dụng lao động Hoàng Văn Tuấn, sử dụng lao động khi không có chứng chỉ hành nghề, không tuân theo các quy định an toàn phòng chống cháy nổ, biết rõ công việc hàn có thể dẫn đến cháy nổ, không có biện pháp phòng chống cháy nhưng vẫn đồng ý để Tuấn dùng máy hàn để nung, cắt bản lề cửa, dẫn đến cháy.
Lê Thị Thì chỉ đạo Hoàng Văn Tuấn dùng máy hàn, máy cắt điện thổi lửa vào bản lề cửa ra vào tầng 2 để cắt bản lề. Trong khi thực hiện không có dụng cụ che chắn, đảm bảo an toàn về phòng cháy chữa cháy nên lửa bén vào vách phòng gây cháy, hậu quả làm 13 khách đến hát karaoke tử vong. Vụ án này đã làm thiệt hại toàn bộ tài sản trong quán karaoke, 11 xe máy, 1 xe đạp điện, đồng thời làm cháy lan sang các nhà số 70, 72, 74 và khách sạn Yến Hotel 66…
Bản án nêu rõ nguyên nhân cháy do quá trình hàn cắt kim loại bằng hồ quang điện ở khu vực cửa ra vào phòng phía ngoài làm bắn các vẩy hàn có nhiệt độ cao vào phần cách âm gắn trên tường, gây cháy; sau dó cháy lan ra xung quanh.
Tại phiên phúc thẩm sáng nay, các bị cáo đều giữ nguyên kháng cáo và mong được giảm nhẹ hình phạt, sớm trở về với gia đình. Riêng bị cáo Tuấn nói thêm: “Do nhận thức có hạn nên bị cáo mới để xảy ra sai phạm, bị cáo thừa nhận sai phạm mà mình đã gây ra. Bị cáo rất mong được giảm án để sớm quay về, có cơ hội bù đắp cho gia đình nạn nhân. Tuy nhiên, gia đình bị cáo khó khăn, bị cáo là người dân tộc thiểu số nên hiện nay gia đình bị cáo chưa có cơ hội và chưa đủ khả năng khắc phục hậu quả”.
Cũng tại phiên tòa phúc thẩm, những người đại diện của những người bị hại mong muốn HĐXX xem xét kỹ hồ sơ vụ án bởi việc thực thi hành vi của bị cáo Tuấn là do sự sai bảo của bị cáo Thìn, bị cáo Linh có sự bàn bạc với chồng và ủy quyền cho người khác.
Trong đơn kháng cáo từ phía gia đình các bị hại, tất cả những người đại diện cho những người bị hại đều đồng loạt đề nghị tăng hình phạt với bị cáo Linh. Phía gia đình những bị hại cho rằng bản thân bị cáo Linh không có lời hỏi han tới các gia đình bị hại, bản thân bị cáo Linh luôn lấy lý do nuôi con nhỏ để làm tình tiết giảm nhẹ chỉ nhằm chạy tội cho mình mà không hề có thái độ ăn năn, hối lỗi…
Một đại diện từ phía bị hại cho rằng họ phẫn nộ vì lương tâm của con người không được thể hiện. Trong khi gia đình bị cáo Tuấn cúi đầu xin lỗi, nhận thấy rõ sự ăn năn nhưng với bị cáo Linh, họ cho rằng chỉ nhận được những lời xin lỗi tại tòa mà chưa có một động thái hối lỗi nào.
Trong phần luận tội, đại diện VKS cho rằng, tại phiên tòa, 3 bị cáo đã có lời khai, và căn cứ vào các tài liệu, hồ sơ vụ án… thấy rằng các bị cáo bị truy tố và xét xử về tội danh “Vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy” là đúng người, đúng tội, đúng pháp luật khi hành vi của các bị cáo đã gây ra vụ cháy nghiêm trọng, làm 13 người chết, gây thiệt hại nặng nề.
Với mức án mà Tòa sơ thẩm đã tuyên, VKS nhận thấy đó là mức án phù hợp nên không chấp nhận kháng cáo của các bị cáo.
Về vấn đề xem xét vai trò của những người liên quan, VKS cho rằng trong quá trình điều tra đã xem xét, làm rõ trách nhiệm và thực tế cho thấy chưa đủ căn cứ để xử lý hình sự những người này.
Theo đó, đại diện VKS đề nghị không chấp nhận đơn kháng cáo xin giảm nhẹ của cả 3 bị cáo, không chấp nhận kháng cáo từ phía gia đình các bị hại và giữ nguyên bản án đối với các bị cáo.
Sau khi nghị án, căn cứ vào bản án sơ thẩm, các tình tiết liên quan cũng như diễn biến tại phiên tòa, HĐXX cấp phúc thẩm nhận định, bị cáo Linh biết quán còn sửa chữa mà vẫn cho khách vào hát; trong khi đó bị cáo Tuấn đã không tuân thủ quy định phòng cháy chữa cháy nên mới gây ra thiệt hại; bị cáo Thìn là người sử dụng lao động nên cũng phải chịu trách nhiệm trong vụ việc này.
Theo HĐXX, mặc dù các bị cáo đã thành khẩn khai báo nhưng hậu quả gây ra là đặc biệt nghiêm trọng nên tòa sơ thẩm tuyên phạt các bị cáo là phù hợp, tương xứng với hành, vi tính chất phạm tội của các bị cáo và không thể giảm nhẹ.
Xét kháng cáo của các gia đình bị hại - đề nghị tăng nặng hình phạt đối với bị cáo Nguyễn Diệu Linh, HĐXX nhận thấy: Hành động không thăm hỏi phía gia đình bị hại sau khi vụ cháy xảy ra là hành động cần phải phê phán nghiêm khắc. Tuy nhiên, HĐXX cho rằng sau khi vụ cháy xảy ra, bị cáo Linh cũng là người mất mát tài sản và hiện bị cáo đang nuôi con nhỏ nên không tăng hình phạt.
Theo đó, HĐXX TAND cấp cao tại Hà Nội đã quyết định bác kháng cáo của các bị cáo và phía bị hại, giữ nguyên bản án sơ thẩm, tuyên phạt bị cáo Nguyễn Diệu Linh 9 năm tù; Hoàng Văn Tuấn và Lê Thị Thì cùng lĩnh mức án 7 năm tù về tội Vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy.