Gần đây, dư luận đang tranh cãi gay gắt với quy định xử phạt khi không gạt chân chống. Nhiều ý kiến cho rằng, điều luật quy định chưa rõ nghĩa và xử phạt khi không gạt chân chống từ 2 – 3 triệu đồng là quá nặng.
Theo đó, tại điểm a, khoản 6, điều 6, Nghị định số 171/2013/NĐ-CP về quy định, xử phạt người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng, nếu sử dụng chân chống hoặc vật khác quệt xuống đường khi xe đang chạy.
Xoay quanh điều luật này, có rất nhiều tranh cãi từ dư luận, để làm rõ hơn cách hiểu về điều luật này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Luật sư Lê Ngọc Hoàng – Trưởng văn phòng luật sư Long Tâm (Đoàn Luật sư TP Hà Nội).
Theo Luật sư Hoàng, trước hết, mỗi điều luật được soạn thảo ra đều chứa đựng tinh thần của nó, ngôn ngữ diễn đạt tinh thần đó cần gần gũi, rõ ràng, sắc nét.
Luật sư Lê Ngọc Hoàng
Nhiều khi ý diễn đạt không rõ, gây ra nhiều cách hiểu khác nhau, khó khăn trong việc áp dụng, hoặc cố tình hiểu sai để vụ lợi. Nói về vấn đề này, Luật phòng, chống tham nhũng năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2007, năm 2012) có quy định: “Người có thẩm quyền khi tiến hành áp dụng pháp luật cần có sự am hiểu sâu hơn về quy định pháp luật, xem xét nhiều mặt của vấn đề,…”.
Theo điểm a, khoản 6, điều 6, Nghị định số 171/2013/NĐ-CP, hành vi “Sử dụng chân chống hoặc vật khác quệt xuống đường khi xe đang chạy”, căn cứ theo câu từ, có một số mạch hiểu như sau:
Thuật ngữ “sử dụng” để chỉ hành vi cố ý không gạt chân chống khi xe đang chạy, tiếp xúc với mặt đường tạo ra tia lửa, gây âm thanh chói tai, ảnh hưởng đến người tham gia giao thông khác, gây mất trật tự xã hội, mất an toàn giao thông. Theo cách hiểu này thì nếu hành vi là vô ý, không gạt chân chống nhưng chưa “quệt xuống đường” thì chưa bị xử phạt.
Từ lẽ đó, thực tế mới xảy ra tranh cãi, “người tham gia giao thông vô ý để chân chống quệt xuống đường, bị Cảnh sát giao thông xử phạt hành chính từ 2 - 3 triệu đồng là quá nặng, hoặc chưa hợp lý”.
Trên cương vị của một Luật sư – hỗ trợ cho nền Tư pháp tôi có mấy nhận định như sau:
Thứ nhất, tinh thần điều luật nhằm vào "lỗi cố ý". Cố ý ở đây có thể hiểu là, cố ý quẹt chân chống hay vật khác (gậy gộc, que, thanh…) xuống đường. Khi đã là cố ý, và hành vi cố ý đó gây nguy hiểm cho xã hội thì việc đưa ra một mức xử phạt nặng là hợp lý và tương xứng với hành vi.
Quy định này (hành vi quẹt xuống đường) dễ bị hiểu lầm với tinh thần tại điểm k, khoản 4, điều 6, Nghị định này, về hành vi “mang vác vật cồng kềnh”. Ví dụ: 1 người chở sắt xây dựng quẹt xuống lòng đường gây tiếng ồn và tia lửa. Vì thế, quy định về điều luật như trên là chưa rõ nghĩa.
Thứ hai, dư luận hiện đang tranh cãi gay gắt và đặt ra cách hiểu rằng, trong trường hợp vô ý quên chưa gạt chân chống nhưng chưa quẹt xuống lòng đường thì không bị xử phạt. Tôi nghĩ dư luận có quyền hiểu theo cách như vậy, bởi điều luật quy định chưa rõ ràng.
Thứ ba, trường hợp "Vô ý quên gạt chân chống" nhưng quẹt xuống lòng đường, gây ra tai nạn giao thông thì chỉ nên xử phạt nhằm mục đích răn đe, nhắc nhở, không nên phạt quá nặng. Theo tôi, mức phạt này cũng chỉ áp dụng như mức phạt quy định về bật đèn phương tiện sau 6h tối (từ 80 – 100 ngàn đồng).
Theo đó, người tham gia giao thông cũng không nên dựa vào đó, mà dùng lý luận “quên” để biện minh, bởi cái “quên” này sẽ gây ra thiệt hại cho chính người điều khiển phương tiện và người khác.
"Pháp luật hướng tới sự hoàn thiện của cá nhân, xã hội. Tôi ủng hộ tinh thần của điều luật nhưng kiến nghị, cơ quan làm luật cần có văn bản giải thích rõ điều luật theo ba phân tích trên", Luật sư Hoàng cho biết.