Xử lý nợ xấu sau sáp nhập: Đừng như “bình mới – rượu cũ”

Thạch Huê| 01/06/2015 20:06
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Ngân hàng Nhà nước vừa chấp thuận việc sáp nhập Ngân hàng PG Bank vào Ngân hàng VietinBank và Ngân hàng MHB vào Ngân hàng BIDV....

Động thái này cho thấy, quyết tâm cao của ngành ngân hàng trong việc tái cấu trúc hệ thống các tổ chức tín dụng; kiên quyết xử lý những ngân hàng yếu kém, không có triển vọng phục hồi và phát triển. 

Theo đánh giá của một số chuyên gia kinh tế, năm nay là bước chuyển quan trọng trong quá trình tái cơ cấu ngân hàng. Nếu giai đoạn 2012 - 2014 được coi là bước đi ban đầu, khắc phục những mắt xích yếu kém nhất, ngăn chặn nguy cơ đổ vỡ, thì 2015 là năm tạo ra đột phá mới trong tái cơ cấu ngân hàng. Mục tiêu là cần xử lý triệt để những yếu kém còn tồn tại để tạo nền tảng phát triển bền vững hệ thống ngân hàng trong giai đoạn tiếp theo. 

Xử lý nợ xấu sau sáp nhập: Đừng như “bình mới – rượu cũ”

Lễ ký kết hồ sơ sáp nhập PG Bank và VietinBank và thỏa thuận hợp tác giữa VietinBank với Petrolimex

Ngân hàng Nhà nước đã chủ trương thực hiện 6 thương vụ sáp nhập, hợp nhất ngân hàng trong năm nay nhằm thu hẹp hệ thống. Trước mắt, có thể thấy một số kết quả mang lại từ việc sáp nhập như giúp tăng vốn điều lệ, mở rộng thị trường và quan hệ khách hàng được phát triển ngày càng rộng hơn… 

Đánh giá hiệu quả của hoạt động tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, ông Lê Đức Thọ, Tổng Giám đốc Ngân hàng VietinBank nhận định, sáp nhập là giải pháp cần thiết và có tính tất yếu để lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng ở Việt Nam. Xu hướng ngân hàng nhỏ, yếu sáp nhập với ngân hàng lớn có năng lực tài chính tốt đang diễn ra khá sôi động và dự báo sẽ tiếp diễn với tốc độ cao hơn trong thời gian tới. Thực tế, nhóm ngân hàng sáp nhập giai đoạn trước năm 2015 đã có những chuyển biến tích cực về các hoạt động như huy động vốn, thanh khoản, xử lý nợ, cho vay. 

Liên quan tới thương vụ sáp nhập của ngân hàng mình, cả ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng BIDV và ông Lê Đức Thọ đều có chung quan điểm, việc sáp nhập PG Bank vào VietinBank hay MHB vào BIDV đều góp phần tăng quy mô, cơ sở khách hàng và mở rộng mạng lưới hoạt động, nâng cao quy mô và thị phần cho cả hai doanh nghiệp, khẳng định vị thế là những định chế tài chính hàng đầu Việt Nam. 

Tuy nhiên, những thông tin mà dư luận đang quan tâm là gánh nặng nợ xấu của các ngân hàng sau khi sáp nhập; giải pháp xử lý nợ xấu và cải thiện tình trạng thanh khoản, cũng như khả năng can thiệp của Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC). Miễn sao, xử lý nợ xấu ngân hàng đừng là chuyện “bình mới – rượu cũ”. 

Thông tư 36/2014/TT-NHNN ngày 20/11/2014 của Ngân hàng Nhà nước quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Theo đó, khi ngân hàng thương mại mua, nắm giữ cổ phiếu của tổ chức tín dụng khác phải đảm bảo có tỷ lệ nợ xấu dưới 3%. Như vậy, xét về mặt kỹ thuật, Chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu phân tích, nếu mua lại một ngân hàng thương mại nhỏ hơn có tỷ lệ nợ xấu trên 12% thì bình quân nợ xấu sau khi sáp nhập của ngân hàng lớn sẽ xấp xỉ từ 4% đến 5%/tổng dư nợ. Về hình thức là rất khác, nhưng bản chất thì không đổi. Nghĩa là lượng nợ xấu đối với một ngân hàng sau sáp nhập có thể giảm đáng kể, nhưng đối với toàn hệ thống ngân hàng thì vẫn giữ nguyên. 

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương lại nhìn nhận vấn đề xử lý nợ xấu sau sáp nhập theo cách khác. Ông cho rằng, khó thực hiện cùng lúc nhiều mục tiêu nếu chỉ bằng giải pháp sáp nhập, hợp nhất ngân hàng. Không thể đòi hỏi vừa cải thiện hoạt động của hệ thống ngân hàng lại vừa muốn lập tức giảm tỷ lệ nợ xấu. Dù cho có mối liên hệ hữu cơ xong xử lý nợ xấu là bài toán nan giải và cần thêm thời gian cũng như nỗ lực của toàn hệ thống. 

Lý giải nguyên nhân khó giải quyết nợ xấu ngân hàng được một cách rốt ráo, ông Nguyễn Trí Hiếu nhận định, vướng nhất là xử lý nợ xấu là ngăn chặn tình trạng dung túng và dễ dãi trong cho vay, tình trạng sở hữu chéo hay đầu tư chéo liên quan đến các nhóm lợi ích, hay vấn đề thanh lý tài sản là nợ xấu liên quan đến bất động sản… Cho dù, chủ trương sáp nhập để giải quyết những vấn đề yếu kém của ngành ngân hàng là đúng, song khó đặt kỳ vọng giải pháp này sẽ tác động làm lành mạnh hóa ngành ngân hàng theo hướng tinh giảm, gọn nhẹ và trong sạch, ông Hiếu khẳng định. 

Dù nan giải trong xử lý nợ xấu sau sáp nhập, song có thể khẳng định, năng lực quản trị nợ xấu của các ngân hàng thương mại chắc chắn sẽ được cải thiện đáng kể. Các chuyên gia kinh tế đều ghi điểm cộng cho chủ trương này của Ngân hàng Nhà nước. 

Theo ông Trương Văn Phước, Phó Chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính quốc gia, nợ xấu là vấn đề trọng tâm của quá trình tái cơ cấu. Những giải pháp mà Ngân hàng Nhà nước đưa ra, kể cả việc sáp nhập, hợp nhất cho thấy, “vượt ra khỏi những khó khăn nguy hiểm, tính thanh khoản của hệ thống ngân hàng thương mại đang dần được cải thiện, tình trạng sở hữu chéo từng bước được khắc phục và làm cho vấn đề về cổ đông, cổ phần được công khai, minh bạch hơn… thể hiện qua tỷ lệ cho vay/vốn huy động xấp xỉ đạt khoảng 80%, đúng như kỳ vọng”.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xử lý nợ xấu sau sáp nhập: Đừng như “bình mới – rượu cũ”