Vì nghèo khổ, những người phụ nữ ở làng Thái Sơn đành bán đi mái tóc của mình. Cứ thế mái tóc của họ trở nên xơ xác trong những thứ cơm, áo, gạo tiền ...
Theo sự chỉ dẫn của người dân, chúng tôi tìm về thôn Thái Sơn, xã Đại Hưng, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam dưới cái nắng oi bức của những ngày tháng 5. Ở đây, những người phụ nữ đen đúa, gầy gò, vẫn chăm chỉ cần mẫn làm nông dù không đủ ăn, còn những người chồng tối ngày “bán mặt cho đất bán lưng cho trời” vẫn không thể kiếm đủ ba bữa ăn một ngày.
Được biết, câu chuyện bán tóc không phải là chuyện của riêng ai mà là hoàn cảnh chung của nhiều người mẹ trẻ trong thôn. Đó là nơi bắt nguồn của cái tên “làng bán tóc”.
Thỉnh thoảng nơi đây lại vang lên: “Ai bán tóc dài, tóc rối không?”. Nghe tiếng rao của “người đi buôn tóc dạo”, người phụ nữ từ trong nhà chạy vội ra kêu lại: “Có đây”. Ngay lập tức, chiếc xe máy dừng trước cửa nhà và chỉ 5 phút sau mái tóc của người phụ nữ đã bị cắt ngắn đến nỗi chẳng thể buộc lại được.
Vì gia cảnh khó khăn những phụ nữ ở làng Thái Sơn đành bán tóc nuôi con
Bên trong ngôi nhà xuống cấp nghiêm trọng, những mái tôn bị “xé rách” do trận mưa đá vào đầu tháng 5, chị Thúy nghẹn ngào kể: “Trận mưa đá vừa rồi làm mái tôn nhà tôi bị thủng chi chít lỗ, toàn bộ dàn tôn đã bị hư hỏng nặng nhưng chưa có tiền sửa. Tiền ăn mỗi ngày đã khó rồi, không biết đến lúc nào mới có tiền sửa nhà. Vừa rồi túng thiếu quá không còn cách nào khác tôi đành bán tóc để lấy tiền đi chợ và lo cho các con”.
Nhìn chị Thúy gầy gò, xanh xao do căn bệnh thận hành hạ không ai nghĩ người phụ nữ này mới 31 tuổi. Mái tóc đen dài, bóng mượt của chị Thúy lần đầu tiên bán được gần 700 ngàn đồng. Số tiền đó giúp cho gia đình chị rất nhiều giữa cuộc sống đầy cơ cực.
Nhà của chị Cù Thị Ngọc Liên cũng khốn khổ không kém. Gia đình chị thuộc hộ nghèo nhất nhì của xã Đại Hưng, bản thân chị quanh năm chỉ làm nông, ngoài ra ai kêu gì thì làm nấy. Còn chồng chị, anh Nguyễn Văn Sáng theo nghề đánh cá. Rong ruổi, cực khổ cả ngày cũng chỉ kiếm được 70 ngàn đồng.
Chị Liên tâm sự: “Người dân ở đây chỉ làm nông nên vất vả lắm. Gia đình tôi một ngày thu nhập chỉ được vài chục ngàn đồng nhưng phải chi tiêu rất nhiều thứ. Chưa kể con gái đầu bị bệnh tim mỗi tháng phải đi đưa khám và mua thuốc một lần khiến gia cảnh khó khăn lại càng khó khăn hơn”.
Chị Liên cho biết, có lần con lên cơn đau tim khi trong nhà không còn lấy một đồng. Hết cách chị đành bán tóc lấy 500 ngàn đồng đưa con đi bệnh viện. “Họ nói cái răng cái tóc là góc con người, hơn nữa tôi còn là phụ nữ, đâu có ai muốn bán tóc đâu hả chú. Nhưng vì thương con bị bệnh tật hành hạ, trong khi nhà có 5 miệng ăn, cuộc sống nghèo khó, túng thiếu nên đành phải bán thôi”, chị Liên xót xa nói.
Được biết, tùy theo tóc dài hay ngắn mà người ta mua với giá cao hay thấp. Nếu mái tóc dài, dày, bóng mượt thì được mua với giá từ 800.000 đến 1 triệu đồng. Còn tóc dài ngang eo hay lưng thì giá từ 400.000 đến 700.000 đồng.
Dẫu biết những người phụ nữ nơi đây không phải nuôi tóc dài để bán nhưng vì cuộc sống quá khó khăn nên họ đành ngậm ngùi làm vậy. Họ cũng buồn, cũng tủi, cũng cảm thấy xấu hổ với bà con hàng xóm nhưng không còn cách nào khác. Giữa bộn bề những thứ phải lo toan, họ chấp nhận đánh đổi "một góc con người" để con cái có cái ăn cái mặc.
Rời làng Thái Sơn, chúng tôi ra về khi trời đã ngả bóng chiều. Những người phụ nữ tụm năm, tụm ba trên con đường làng. Đôi mắt họ chất chứa nhiều điều chưa nói hết. Chúng tôi không khỏi ngậm ngùi, xót xa. Nếu cuộc sống đủ đầy hơn, những bất hạnh, bệnh tật không ập đến gia đình các chị thì những người mẹ trẻ này đã không phải hy sinh mái tóc của mình như vậy.