Như chúng tôi đã phản ánh những bất cập trong việc tạm giữ lô hàng gỗ xuất khẩu ở Hải quan Cảng Đà Nẵng, thậm chí có những dấu hiệu Hải quan hành doanh nghiệp. Vụ việc này tiếp tục bị kéo dài và lô hàng đang bị “trôi nổi” về mặt pháp lý vì thời hạn tạm giữ đã hết. Những diễn biến “không vui” tiếp theo mà chúng tôi chuyển đến bạn đọc có lẽ cũng đáng để cơ quan có
Xô xát trong trụ sở Tổng cục Hải quan
Thông tin này được lãnh đạo Công an phường Gia Thuỵ, quận Long Biên (Hà Nội), nơi Tổng cục Hải quan (TCHQ) có trụ sở, xác nhận với nội dung: chiều 30-3-2012, ngay sau khi nhận được thông báo của Cảnh sát 113 là có tin báo có người bị đánh trong trụ sở TCHQ, Công an phường đã tổ chức lực lượng tiếp cận hiện trường. Bước đầu, Công an phường đã tiến hành lấy lời khai của các bên, chụp ảnh thương tích, lấy lời khai nhân chứng và cấp giấy giới thiệu đi giám định thương tích.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, Cục Điều tra chống buôn lậu (CĐTCBL) mời Công ty TNHH MTV Ngọc Hưng (chủ lô hàng gỗ bị tạm giữ) ra làm việc ngày 29-3-2012. Buổi làm việc đã kết thúc bằng biên bản. Hôm sau, ông Trương Huy Liệu (đại diện Công ty Ngọc Hưng) nhận được điện thoại của ông Phong (cán bộ CĐTCBL) nói nếu còn ở Hà Nội thì đến trụ sở TCHQ để làm tiếp một số việc. Với thiện chí hợp tác để công việc nhanh chóng kết thúc, ông Liệu đã có mặt.
Tuy nhiên, theo ông Liệu thì trong buổi làm việc, ông Thành (phó Trưởng phòng) lại toàn hỏi những vấn đề không thuộc chức trách của ngành HQ. Ông Liệu không đồng ý nên cáo từ. Ông Liệu đứng dậy thì ông Thành de dọa rồi chặn cửa. Vì có một mình nên sợ không an toàn, ông Liệu đã cố sức chui qua cửa ra ngoài thì bị ông Thành túm tay trái ông bẻ quặt lại. Khi ông Liệu vùng ra được thì bị ông Thành túm tay phải ngáng vào cửa làm cho đồng hồ rơi xuống sàn nhà, dây gỗ đeo tay của ông Liệu tay bị đứt, tay phải rớm máu. Lúc đó nhìn thấy ông Nhi (Cán bộ Hải quan Cửa Việt tỉnh Quảng Trị), ông Liệu bảo ông Nhi gọi giúp Cảnh sát 113 nên ông Thành buông ông Liệu ra. Ông Liệu chạy vào thang máy (làm việc trên tầng 9) thì ông Thiềng (cùng đội ông Thành) đứng chặn cửa thang máy với bộ mặt dữ tợn nói rằng không cho ông Liệu xuống. Nhưng vì trong thang máy lúc đó có một người nói rằng “đừng hành hạ người ta như thế” nên ông Thiềng không chặn cửa nữa. Hiện ông Liệu bị đau ở cổ và đang đi khám, điều trị.
Ông Nhi cho hay, vào thời điểm đó, ông được CĐTCBL mời ra trụ sở TCHQ làm việc liên quan đến lô hàng gỗ đang bị tạm giữ. Khi đang làm việc ở phòng kế bên, ông nghe tiếng động rất lớn nên chạy ra ngoài. Ông được ông Liệu nhờ gọi 113 và nhìn thấy tay ông Liệu bị rớm máu, dây gỗ bị đứt vẫn lủng lẳng trên tay... Luật sư bảo vệ quyền lợi cho doanh nghiệp xác nhận việc công an phường đã triệu tập các bên, chụp ảnh phần thương tích của ông Liệu.
Như vậy, đã có “sự cố” xảy ra ngay trong trụ sở TCHQ và lại liên quan đến những người trực tiếp xử lý vụ tạm giữ lô hàng. Vụ việc này thế nào sẽ được làm rõ, xử lý theo quy định. Dù sao cũng thật đáng tiếc vì ngành Hải quan đã có cả Quyết định số 225/QĐ-TCHQ ngày 9-2-2011 ban hành “Tuyên ngôn phục vụ khách hàng” với những quy định thể hiện sự “văn minh, lịch sự trong hoạt động và ứng xử” (!).
Kết quả giám định… “ảo”?
Như chúng tôi đã đề cập trong những bài báo trước, vì nghi ngờ nên HQ đã tạm dừng thông quan, kiểm tra lô hàng, tiến hành giám định. Đơn vị được TCHQ đề nghị giám định là Viện Sinh thái và tài nguyên sinh vật (gọi tắt là Viện). Ngày 12-3-2012, Viện này có Văn bản số 151/STNSV mang tên “Biên bản kết luận giám định” gửi cho CĐTCBL. Theo đó, từ 21-2 đến 6-3-2012, Viện đã cùng các bên tiến hành kiểm tra, phân loại và giám định toàn bộ lô hàng gỗ xuất khẩu đang bị tạm giữ tại kho chứa hàng của Công ty Ligostics (nơi HQ thuê chứa hàng gỗ tạm giữ). Hội đồng giám định của Viện đã kết luận rằng lô hàng gỗ này gồm 431,598m3 gỗ thuộc loài trắc và 21,056m3 gỗ thuộc loài giáng hương. Ngoài biên bản này, đến nay doanh nghiệp không được cấp kết luận giám định hay chứng thư giám định lô hàng, mặc dù cả HQ và doanh nghiệp cùng có yêu cầu.
Gỗ trắc của Công ty Ngọc Hưng bị ách tắc tại Hải quan Đà Nẵng (Ảnh: LĐ)
Tuy nhiên “Biên bản kết luận giám định” - một căn cứ quan trọng để giải quyết vụ việc tạm giữ lô hàng này hiện đang bị nghi ngờ là “ảo”. Nó “ảo” bởi tồn tại rất nhiều điều bất hợp lý, thiếu thực tế. Trước hết, cơ sở để có được những con số ghi trong Biên bản kết luận giám định này là “Biên bản chứng nhận” lập ngày 7-3-2012 giữa Viện và Đội 2 (CĐTCBL). Dù được ghi rằng “Viện cùng các bên liên quan” nhưng thực tế thì chỉ có ý kiến của Đội 2 mà không hề có ý kiến của nhiều thành phần Đoàn kiểm tra lô hàng như Chi cục HQ Cảng Đà Nẵng; Chi Cục HQ Cửa Việt (Quảng Trị); Kiểm lâm thành phố Đà Nẵng và đại diện doanh nghiệp. Trên thực tế thì sau đó 1 tuần (14-3), các thành phần Đoàn kiểm tra còn chưa thống nhất được số liệu về khối lượng gỗ. Như vậy con số được “thống nhất” giữa Viện và Đội 2 có phản ánh khách quan?
Điều lạ lùng là, cơ quan giám định khẳng định số liệu cụ thể về khối lượng trong khi họ không có khả năng để tiến hành kiểm tra độc lập. Thực tế, với số lượng gỗ rất lớn, nhiều kích cỡ và chỉ có mấy thành viên tham gia, có lẽ chỉ có “phép tiên” thì Viện mới cho ra con số cụ thể về từng loại gỗ. Trong “Biên bản kết luận giám định” ghi số liệu khối lượng gỗ của toàn bộ lô hàng đang bị tạm giữ. Nhưng thực tế, Viện mới chỉ kiểm tra số gỗ trong kho chứa thuê của Công ty Ligostics. Trong khi đó, vẫn còn 2 container hàng nữa của lô hàng này đang nằm ngoài kho, chưa mở niêm phong chưa được kiểm tra. Vậy con số ghi trong “kết luận giám định” là thật hay “ảo”?
Chưa hết, điều vô lý nữa cần được lý giải: việc mở niêm phong lô hàng để “cơ quan giám định phân loại gỗ” được tiến hành lúc 11 giờ ngày 7-3. Đến 11 gờ 30 cùng ngày (tức là 30 phút sau) thì đã “xem xét xong” và đã cùng niêm phong lô hàng. Vậy thời gian để Viện kiểm tra, phân loại, giám định… là nhiều ngày (21-2 đến 6-3-2012) hay chỉ là… 30 phút?
Kết ngỏ
Sau khi đã trực tiếp chỉ đạo, tham gia xử lý nhưng vụ việc vẫn chưa thể giải quyết xong, giờ đây chính CĐTCBL lại một lần nữa trực tiếp đứng ra xử lý. Vậy liệu việc giải quyết có khách quan không, chắc hẳn TCHQ sẽ cân nhắc, quyết định.
Xuân Thao