Sau phần luận tội và đề nghị mức án của đại diện Viện Kiểm sát với các bị cáo trong sự cố chạy thận xảy ra tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình khiến nhiều người tử vong, chiều nay (23/5), HĐXX cho bị cáo Bùi Mạnh Quốc tự bào chữa cho mình.
Theo đó, trong phần tự bào chữa cho mình, bị cáo Bùi Mạnh Quốc, nguyên Giám đốc Công ty TNHH Xử lý nước Trâm Anh đã gửi lời xin lỗi đến tất cả các bệnh nhân bị ảnh hưởng bởi sự cố hiện đang điều trị tại Bệnh viện đa khoa (BVĐK) tỉnh Hòa Bình.
Đồng thời, bị cáo Quốc cũng gửi lời chia buồn tới gia đình các nạn nhân không may tử vong, đồng thời gửi lời cảm ơn gia đình các nạn nhân đã xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo, Quốc nói: “Trước sự việc xảy ra ngày 29/5/2017, bị cáo đã làm công việc này cho Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình rất nhiều lần và cũng từng làm cho nhiều bệnh viện khác. Bị cáo không biết mình sử dụng các loại hóa chất như vậy là trái quy định của Bộ Y tế. Bị cáo làm rất nhiều lần tại BVĐK tỉnh Hòa Bình nhưng chưa một lần nào được hỏi bị cáo dùng hóa chất gì, họ chỉ nhìn nhận công việc của bị cáo là bị cáo có đạt được chất lượng và lưu lượng nước RO hay không”.
Ngoài ra, bị cáo Bùi Mạnh Quốc cho biết bản thân bị cáo và các nhân viên khi vận hành hệ thống chỉ xác định đồng hồ đo độ dẫn điện khi vệ sinh sục rửa đầu dẫn RO. Quá trình thay màng lọc RO thì bị cáo có trách nhiệm bàn giao cho bên yêu cầu bị cáo lên thay thế.
Cũng tại phiên tòa, bào chữa cho bị cáo Quốc, luật sư Nguyễn Tiến Dũng xin HĐXX xem xét một số tình tiết quan trọng của vụ án, qua đó đánh giá khách quan, toàn diện về trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức khi để xảy ra sự cố y khoa.
Bị cáo Bùi Mạnh Quốc tại phiên tòa xét xử
Vị luật sư sư này khẳng định không có Hợp đồng (HĐ) số 05 ngày 25/5/2017 được ký giữa Công ty Trâm Anh và Công ty Thiên Sơn bởi các căn cứ sau:
Ngày 25/5/2017, Quốc đang làm công việc tại thành phố Vinh (Nghệ An) và đến 17h ngày 25/5/2017 Quốc mới trở về Bắc Ninh và ở luôn tại nhà nên không thể ký HĐ với Thiên Sơn.
Trong nội dung thư điện tử trao đổi công việc giữa Quốc và Công ty Thiên Sơn không thể hiện nội dung trao đổi về HĐ 05 mà chỉ trao đổi về báo giá mà Quốc gửi cho Nguyễn Anh Tuấn (Giám đốc Công ty Thiên Sơn). Do đó, việc ký HĐ 05 và soạn thảo HĐ 05 là không có.
Chỉ sau khi sự cố xảy ra ngày 29/5/2017, bà Ngô Thị Tuyết Minh - Phó Giám đốc Công ty Thiên Sơn đi cùng với nữ nhân viên công ty (tên Tiên) cầm bản HĐ 05 lên Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình gặp Quốc tại bãi gửi xe và đưa cho Quốc ký vào bản HĐ 05 và nói là để hoàn thiện hồ sơ.
Ngoài ra, luật sư Dũng cũng cho rằng tại thời điểm này, Quốc không mang con dấu theo nên Công ty Thiên Sơn yêu cầu Quốc mang con dấu của Công ty Trâm Anh đến trụ sở Công ty Thiên Sơn vào sáng ngày hôm sau (30/5/2017) để đóng dấu hoàn thiện vào HĐ 05.
Theo đó, luật sư Dũng đề nghị HĐXX triệu tập bà Minh để làm rõ những nội dung trên.
Cũng trong phần bào chữa của mình, luật sư Nguyễn Tiến Dũng cho rằng, HĐ 05 soạn thảo vội vàng nên có những lỗi cơ bản. Giá trị báo giá là 49,5 triệu đồng, nhưng Công ty ghi kênh lên 70 triệu đồng. Các thuật ngữ ghi trong HĐ cũng không đúng (như USA lại ghi thành USD), các thuật ngữ liên quan đến màng lọc RO cũng không được ghi đúng.
Đại diện Viện Kiểm sát tại phiên tòa xét xử
Trong bản kết luận điều tra viện dẫn nội dung giám định của Bộ Công an kết luận đồng hồ đo độ dẫn điện chỉ dẫn sai số quá lớn. Viện kiểm sát và cơ quan điều tra chưa làm rõ trách nhiệm cá nhân quản lý, vận hành, sửa chữa hệ thống lọc nước RO có đồng hồ này, vị luật sư này nói: “Đây là một nguyên nhân quan trọng dẫn đến sự cố y khoa này. Sau khi dùng hóa chất tẩy rửa, bị cáo chỉ nhìn đồng hồ đo độ dẫn điện”.
Tại tòa, đối đáp với các luận cứ đưa ra của luật sư, đại diện Viện Kiểm sát giữ quyền công tố tại tòa cho rằng, việc chỉ dựa vào đồng hồ đo chỉ số dẫn điện đã chứng tỏ bị cáo Quốc quá chủ quan và quá tự tin.
Nói về trách nhiệm của bị cáo Quốc trong sự cố này, luật sư cho rằng, Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình phải là cơ quan chịu trách nhiệm lớn nhất, vì Bệnh viện không ban hành quy trình bảo dưỡng và vận hành máy lọc RO. Đây là trách nhiệm lớn nhất mà BVĐK tỉnh Hòa Bình phải nhận, mà cụ thể là ông Trương Quý Dương, nguyên Giám đốc Bệnh viện phải chịu trách nhiệm.
Thiên Sơn là nhà cung cấp nên phải có sơ đồ hệ thống bảo dưỡng RO và phải đưa cho Quốc để Quốc biết được chỗ nào cần sửa chữa, bảo dưỡng. Do đó, trách nhiệm này cũng thuộc về Công ty Thiên Sơn. Trong trường hợp Thiên Sơn không có sơ đồ thì phải yêu cầu Bệnh viện cung cấp….
Ngoài ra, luật sư cũng cho rằng Quốc không phải là người có trách nhiệm bàn giao lại hệ thống này cho Bệnh viện. Công ty Thiên Sơn mới là đơn vị nhận bàn giao từ bị cáo Quốc và sau đó bàn giao lại cho Bệnh viện và tại phiên tòa Quốc đã nhận thức được hành vi và trách nhiệm của mình.
Với những luận cứ đã trình bày ở trên, luật sư Dũng đã đề nghị HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo Bùi Mạnh Quốc.