Sau 3 ngày xét xử, sáng 11/5, TAND cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh đã tuyên án với các bị cáo trong vụ án lừa đảo gần 967 tỷ đồng của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) - Chi nhánh 6.
Đây là một trong 8 vụ án tham nhũng lớn mà Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng Trung ương theo dõi, chỉ đạo.
HĐXX đã y án sơ thẩm, tuyên phạt Dương Thanh Cường, Tổng Giám đốc Tập đoàn Bình Phát tù chung thân và buộc phải bồi thường cho Ngân hàng Agribank số tiền 1.127 tỷ đồng.
Trước đó, năm 2015, Bản án sơ thẩm cũng đã tuyên: Năm bị cáo nguyên là cán bộ Agribank Chi nhánh 6 gồm: Hồ Đăng Trung, Hồ Văn Long, Trương Nhật Quang, Trương Quốc Bảo và Nguyễn Hoàng Quốc Thụy bị tuyên phạt 9 - 20 năm tù cùng về tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”. Bốn bị cáo khác gồm Lê Thành Công, Đỗ Trọng Nhân, Thái Cường và Lê Sơn Hùng bị phạt từ 8 - 25 năm tù về các tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”, “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Riêng Phạm Hoàng Thọ lĩnh 4 năm tù về tội “Che giấu tội phạm”.
Sau khi bản án được tuyên, các bị cáo kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, thay đổi tội danh, Agribank kháng cáo về phần trách nhiệm hoàn trả tài sản ở số 10 Âu Cơ và 23 giấy chứng nhận ở Bình Chánh.
Các bị cáo vụ án 'Dương Thanh Cường lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Agribank chi nhánh 6, TP.HCM' tại tòa. Ảnh: Phan Thương
Theo bản án sơ thẩm, Công ty dệt kim Đông Phương (viết tắt là công ty Đông Phương) là doanh nghiệp Nhà nước. Năm 2006, Công ty này được Bộ Tài chính chấp thuận chuyển giao 5000m2 trên tổng số hơn 22.000m2 đất tại số 10 Âu Cơ cho UBND TP. Hồ Chí Minh làm trụ sở Công an quận Tân Phú và chuyển mục đích sử dụng của hơn 17.000m2 đất còn lại để lập dự án xây dựng khu thương mại và chung cư cao tầng.
Thực hiện chủ trương trên, Lê Thành Công (62 tuổi, nguyên Giám đốc Công ty Đông Phương) ký hợp đồng liên doanh với Công ty Bất động sản Phương Nam do Vương Thoại Nguyên làm Giám đốc. Sau đó hai bên ký tiếp phụ lục hợp đồng liên doanh với nội dung Công ty Phương Nam có quyền chuyển nhượng một phần vốn góp của mình cho đối tác khác và có trách nhiệm thông báo cho bên liên quan. Phụ lục hợp đồng này có công ty liên doanh là Công ty TNHH Đông Phương Phát (do Dương Thanh Cường thành lập, Đông Phương Phát góp vốn 10%, Phương Nam chiếm 90% vốn).
Ngày 1/6/2007, ông Vương Thoại Nguyên ký thông báo về việc Công ty Phương Nam đã chuyển nhượng 80% vốn góp cho Công ty cổ phần xây dựng thương mại Bình Phát (cũng do Dương Thanh Cường thành lập) tham gia cùng liên doanh với Công ty Đông Phương để thực hiện dự án đầu tư tại số 10 Âu Cơ. Để thực hiện dự án trên, Dương Thanh Cường đã đến gặp Hồ Đăng Trung (63 tuổi), Giám đốc Agribank Chi nhánh 6 để vay tiền, Trung đồng ý cho Công ty Tấn Phát (do Dương Thanh Cường thành lập) vay.
Tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất tại số 10 Âu Cơ, Agribank Chi nhánh 6 cho vay 170 tỷ đồng. Sau khi vay xong, Dương Thanh Cường mượn lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 10 Âu Cơ để sang tên cho Công ty Đông Phương Phát, rồi thế chấp cho Ngân hàng Phương Nam (nay là Sacombank) vay 15.846 lượng vàng. Sau khi giải chấp, Cường bán dự án và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại số 10 Âu Cơ cho Công ty Loan Thảo lấy 1.150 tỷ đồng.
Đến cuối năm 2007, Dương Thanh Cường có ý định thực hiện dự án cao ốc căn hộ và khu biệt thự vườn Thanh Phát tại xã Phong Phú, huyện Bình Chánh. Cường đã đến gặp Hồ Đăng Trung để vay 700 tỷ đồng và được Agribank chi nhánh 6 phê duyệt và giải ngân 628 tỷ đồng. Tài sản thế chấp là 23 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở Bình Chánh (các giấy này sau đó được định giá là 192 tỷ đồng).
Biết dự án của mình không thực hiện được, tháng 8/2008, Cường đề nghị mượn lại 23 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã thế chấp cho Agribank chi nhánh 6 và mang thế chấp cho Ngân hàng Phương Nam để vay 266 tỷ đồng và 18.000 lượng vàng. Sau đó Dương Thanh Cường gán luôn 23 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất này cho Ngân hàng Phương Nam. Tính đến tháng 10/2012, Công ty Thanh Phát của Dương Thanh Cường còn nợ 930 tỷ đồng của Agribank gồm cả lãi và gốc. Sau nhiều lần làm việc, Dương Thanh Cường cho biết không còn khả năng trả nợ.
Sau khi nghị án, HĐXX TAND cấp cao đã bác toàn bộ kháng cáo, y án sơ thẩm tù chung thân với Dương Thanh Cường, buộc phải bồi thường thiệt hại hơn 1.127 tỷ đồng (cả gốc và lãi) cho Agribank - Chi nhánh 6. Đồng thời, bản án tuyên phạt Lê Thành Công 25 năm tù, Hồ Đăng Trung 20 năm tù và Đỗ Trọng Nhân 8 năm tù.
Về kháng cáo của Agribank, bản án phúc thẩm cho rằng, những tài sản mà ngân hàng này yêu cầu trả lại thuộc sở hữu của một công ty và Ngân hàng Phương Nam. Do đó, không có cơ sở trả lại 23 sổ đỏ ở huyện Bình Chánh và khu đất 10 Âu Cơ cho Agribank.