Tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 1/2017 diễn ra chiều 3/2, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng và đại diện 1 số ngành đã trả lời báo chí 6 vấn đề nóng dư luận quan tâm.
Hệ quả việc kỷ luật ông Vũ Huy Hoàng: Liên quan việc trước khi nghỉ Tết, Chính phủ đã có quyết định kỷ luật nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng theo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. PV quan tâm hỏi hệ quả việc kỷ luật ông Vũ Huy Hoàng thế nào? Các chế độ chính sách như tiền lương hưu với ông Hoàng có thay đổi gì không?
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP, Người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng trả lời câu hỏi của báo chí tại buổi họp báo
Về vấn đề này Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho biết: Ban Bí thư đã có quyết định kỷ luật nguyên Bí thư Ban cán sự đảng Bộ Công Thương đối với đồng chí Vũ Huy Hoàng nhiệm kỳ 2010-2015 trong đó yêu cầu các cơ quan chức năng quản lý Nhà nước xử lý kỷ luật tương xứng với chỉ đạo của Ban Bí thư. Trong quá trình thực hiện chỉ đạo này, Ban cán sự đảng Chính phủ đã thực hiện theo chỉ đạo của Ban Bí thư và Nghị quyết của Quốc hội. Ngày 28/12, Thủ tướng Chính phủ chính thức ký quyết định xóa tư cách nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương nhiệm kỳ 2010-2015 đối với đồng chí Vũ Huy Hoàng. Toàn bộ chế độ, chính sách liên quan, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Nội vụ và Bộ Công Thương nghiên cứu, đề xuất với Thủ tướng về vấn đề này.
Vụ bổ nhiệm 44/46 cán bộ làm lãnh đạo tại tỉnh Hải Dương: Kết luận của Thanh tra Bộ Nội vụ liên quan tới việc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Hải Dương đã bổ nhiệm 44/46 cán bộ làm lãnh đạo. Vừa rồi, Bộ Nội vụ có kết luận rằng những việc làm của Sở này là phù hợp với quy định, các cán bộ được bộ nhiệm làm lãnh đạo đáp ứng đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định. Điều này khiến dư luận xã hội không khỏi băn khoăn, có đại biểu đã có ý kiến đề nghị xem xét lại kết luận này. Xin được hỏi Chính phủ có ý kiến thế nào về kết luận này?
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng nêu rõ: Thủ tướng có giao cho Bộ Nội vụ tiến hành thanh tra việc đề bạt, bổ nhiệm công chức tại Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Hải Dương. Chúng ta cũng biết, chính việc này do báo chí phát hiện ra, 1 sở có 46 cán bộ thì đã đề bạt từ phó phòng trở lên 44 cán bộ, như vậy chỉ còn có 2 nhân viên thôi. Sau khi thanh tra, kiểm tra, Bộ Nội vụ có báo cáo với Thủ tướng xem xét vấn đề điều kiện, tiêu chuẩn, quy trình bổ nhiệm số cán bộ đó; Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương cũng đã có chỉ đạo Sở. Trong số 44 cán bộ, đã có 7 cán bộ xin rút bổ nhiệm chức vụ phó phòng. Trong quá trình bổ nhiệm cán bộ, có những sai sót, có những trường hợp chưa đủ điều kiện cán bộ, công chức hành chính nhưng vẫn bổ nhiệm. Vấn đề về tiêu chuẩn như báo chí nêu là hoàn toàn đúng. Tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng là yêu cầu công khai kết luận thanh tra của Bộ Nội vụ với báo chí và người dân, đồng thời chỉ đạo rút kinh nghiệm chung, tăng cường công tác quản lý cán bộ, nhất là vấn đề quy hoạch, bổ nhiệm, sử dụng và ngay cả vấn đề tuyển dụng.
Việc cấp biển số 80 cho các doanh nghiệp: Thủ tướng có yêu cầu Bộ Công an báo cáo việc cấp biển số 80 cho các doanh nghiệp. Vậy với những trường hợp lạm dụng cấp biển số xe cho doanh nghiệp thì sẽ có biện pháp xử lý như thế nào?
Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Thành
Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Thành thông tin: Sau khi có báo cáo của UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công an báo cáo việc cấp biển số ô tô 80A, 80B... cho các doanh nghiệp (các loại hình). Thực hiện vấn đề này thì hiện nay, văn bản chưa về Bộ Công an nhưng Bộ đã chủ động triển khai, đã giao cho Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông phối hợp với Công an Thừa Thiên-Huế rà soát việc sử dụng những xe biển 80A, 80B. Căn cứ theo quy định, việc xử lý sau này sẽ thông báo lại cho các nhà báo biết.
Chỉ thị không bắn pháo hoa: Vừa qua thực hiện Chỉ thị của Ban Bí thư, Thủ tướng đã yêu cầu các địa phương không bắn pháo hoa, nhưng nhiều địa phương vẫn bắn pháo hoa, pháo nổ. Quan điểm của Chính phủ xử lý các vụ việc ở địa phương thế nào? Việc xử lý người được giao quản lý địa bàn trong lực lượng công an để xảy ra đốt pháo ra sao?
Về vấn đề này Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Thành nêu rõ: Nếu địa phương để xảy ra vi phạm, trách nhiệm thế nào, ở phường có công an khu vực, xã có công an xã, ngoài ra là trách nhiệm của Chủ tịch xã, phường. Các trường hợp cụ thể, nếu chỉ ra được, chắc chắn chúng tôi cũng xác định trách nhiệm của Giám đốc Công an các địa phương phải tham mưu cho Bí thư, Chủ tịch. Nếu xác định đúng phải xử lý theo quy định, không trừ trường hợp nào.
Tình trạng tắc nghẽn tại một số tuyến thu phí dịp Tết: PV hỏi Bộ GTVT về việc trong những ngày trước Tết và trong Tết vừa qua, một số tuyến thu phí như Pháp Vân-Cầu Giẽ xảy ra tình trạng tắc nghẽn kéo dài. Tuy nhiên, các đơn vị thu phí không tiến hành mở lối cho xe qua để giải tỏa ách tắc. Tại sao Bộ GTVT không chỉ đạo việc này?
Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Hồng Trường
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường giải trình: Trong Nghị định xử phạt hành chính có quy định với các trạm thu phí, trong quá trình thu phí nếu ách tắc chiều dài trên 200 m và trên 10 phút sẽ bị xử phạt và mức xử phạt có thể lên tới 70 triệu đồng. Đối với tuyến Pháp Vân-Cầu Giẽ mật độ đi lại rất lớn, được sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GTVT đã tích cực mở rộng thêm 6 làn xe, dự kiến cuối năm 2017 sẽ mở rộng thêm 6 làn xe.
Về các trạm thu phí, chúng tôi áp dụng thu phí tự động, trước mắt đang áp dụng với vé tháng, vé quý nên đi qua không phải dừng.
Thêm nữa, chúng tôi đang mở rộng tối đa số làn, hiện nay tại trạm Pháp Vân là 18 làn và khi một bên tắc, một bên không tắc có thể điều chuyển các làn để cơ bản giải quyết ùn tắc.
Trong quá trình chúng tôi phối hợp cùng Bộ Công an thì chưa đến mức phải phạt. Trên thực tế trong những ngày Tết vừa rồi, chúng tôi theo dõi qua vệ tinh đặt tại trụ sở Bộ Công an thì thời gian ùn tắc rất ngắn, chỉ một lần khi có vụ tai nạn xảy ra nhưng đã xử lý kịp thời nên chưa đến mức xử phạt, chưa thể bắt họ dừng thu phí. Bộ GTVT làm rất chặt việc này, đặc biệt là trong thời gian kỳ nghỉ Tết vừa qua.
Vừa rồi chúng tôi cũng bỏ trạm Đại Xuyên để xe chạy thông thoáng.
Đề xuất gộp Tết ta vào Tết tây:Trước thời điểm Tết Nguyên đán, có một số trí thức, chuyên gia kinh tế đề xuất gộp Tết ta vào Tết tây, không làm lỡ cơ hội giao thương các nước trên thế giới, giảm thiểu tiêu cực nảy sinh dịp Tết cổ truyền. PV hỏi về quan điểm của Chính phủ về vấn đề này thế nào, liệu có lộ trình gộp Tết ta vào Tết tây chưa?
Hiện nay, tháng Giêng có nhiều lễ hội trên cả nước, nhưng cũng xuất hiện tiêu cực, nhiều hành vi không được đẹp trong lễ hội. Chính phủ có biện pháp gì để giảm thiểu hình ảnh xấu, khiến báo chí, dư luận xã hội bức xúc trong thời gian qua?
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng khẳng định: Về một số ý kiến ghép Tết tây với Tết âm lịch, đây chỉ là những suy nghĩ cá nhân, hiện Thủ tướng chưa nhật được báo cáo chính thức của cơ quan nào.
Nước ta có Tết cổ truyền dân tộc, ngày nghỉ được ghi trong Luật Lao động, trong đó được nghỉ Tết Dương lịch, ngày Quốc tế Lao động 1/5, ngày Quốc khánh 2/9, Tết cổ truyền… Tết cổ truyền là truyền thống văn hoá, nét đẹp của Việt Nam, đi vào tiềm thức, chúng ta phải giữ. Chưa cơ quan quản lý Nhà nước nào đặt vấn đề như phóng viên nêu. Đây là suy nghĩ cá nhân của một số chuyên gia nên ta chưa thảo luận, Chính phủ hiện cũng không đặt vấn đề gì cả.
Đầu năm, các địa phương đều có lễ hội truyền thống dân gian. Sáng nay, VPCP qua tổng hợp báo cáo các địa phương, các lễ hội tại các địa phương diễn ra khá tốt, bảo đảm quy chế, quy định của Nhà nước và địa phương, giữ được thuần phong mỹ tục của địa phương, vùng miền rất tốt.
Tuy nhiên, ngày mùng 5 Tết, tại đền Gióng có hiện tượng cướp lộc, chen lấn xô đẩy, hành động phản cảm, không tốt, thiếu văn hoá. Bí thư thành uỷ TP. Hà Nội Hoàng Trung Hải đã có chỉ đạo chung rút kinh nghiệm cho Thành phố. Sáng nay, Thủ tướng cũng nhắc nhở yêu cầu Bộ VHTT&DL, các địa phương tăng cường giám sát chỉ đạo chặt chẽ lễ hội đầu năm, tránh việc lặp lại như đền Gióng ở Hà Nội.