Tại nghị trường Quốc hội vừa qua, nhiều Đại biểu đánh giá ngành Tòa án đã có nhiều cố gắng và nỗ lực với quyết tâm chính trị cao dù trong bối cảnh gia tăng các loại tội phạm phức tạp, các loại vụ án đều gia tăng...
Trong khi pháp luật mâu thuẫn, chồng chéo, nhất là lĩnh vực đất đai đã tạo áp lực rất lớn cho ngành Tòa án trong việc đạt các chỉ tiêu Quốc hội giao. Biện pháp căn cơ để giải bài toán này là xây dựng Học viện Tòa án nhằm nâng cao chất lượng xét xử là vấn đề mà nhiều ĐB hướng đến.
Án hành chính: phức tạp và đụng chạm nhiều
Nội dung được nhiều ĐB đề cập đến là án hành chính vốn rất phức tạp, nhạy cảm không chỉ khó khăn cho công tác chuyên môn mà còn là “tác nhân” làm cho tỷ lệ án hủy, sửa của ngành Tòa án tăng cao, nên dù lãnh đạo và toàn ngành đã hết sức nỗ lực phấn đầu vẫn khó đạt được chỉ tiêu mà Quốc hội giao.
Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình trao Huân chương Hữu nghị cho ngài Park Dea-Won - Chủ tịch KOICA Hàn Quốc tại lễ khánh thành Trường Cán bộ Tòa án
ĐB Trương Thái Hiền (Đoàn Kiên Giang) nhận định, qua giám sát thấy rằng, án hành chính còn quá nhiều bất cập, nhiêu khê, pháp luật chưa hoàn thiện và đồng bộ. Chỉ tính riêng năm 2013, án hành chính phải thụ lý giải quyết tăng 1.561 vụ so với cùng kỳ năm trước. Đây là loại án phức tạp, thường đương sự không cung cấp đầy đủ các tài liệu chứng cứ chứng minh mà phải chờ đợi ý kiến trả lời của các cơ quan chính quyền các cấp có liên quan. Trong khi lực lượng tham mưu được Chủ tịch UBND các cấp ủy quyền còn thiếu, chưa đáp ứng theo yêu cầu của Tòa án; nhiều nơi lãnh đạo chính quyền bận nhiều việc, chưa quan tâm, chỉ đạo đúng mức và đây cũng là loại án đụng chạm nhiều đến thẩm quyền và văn bản pháp quy để tham chiếu; Luật Tố tụng hành chính mới được ban hành nhưng còn chồng chéo với một số văn bản khác.
Nhiều ĐB khác cũng có chung quan điểm: Án hành chính khó, phức tạp, thời gian thực hiện Luật Tố tụng hành chính chưa nhiều, trong đó có nhiều quy định mới liên quan đến Luật Đất đai và các văn bản pháp luật khác chưa có hướng dẫn kịp thời nên quá trình áp dụng pháp luật còn nhiều hạn chế, thiếu sót dẫn đến bản án bị hủy, sửa. Trong khi án hành chính liên quan chủ yếu đến các quyết định của lãnh đạo chính quyền các cấp nhưng thường họ không có sự phối hợp, hợp tác với Tòa án.
“Phần lớn các trường hợp bị hủy, sửa là ở Tòa án cấp huyện khi xét xử các vụ án liên quan tới quyết định hành chính, hành vi hành chính của UBND, Chủ tịch UBND cấp huyện. Trong khi đó, với mô hình tổ chức hiện nay, TAND cấp huyện còn nhiều mối quan hệ gắn với chính quyền địa phương, đây là một thực tế cần có giải pháp khắc phục”, ĐB Nguyễn Trọng Trường (Bắc Ninh) dẫn chứng.
Hướng tới tranh tụng và áp dụng án lệ
Phát biểu trước Quốc hội, Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình cũng đã phân tích khá rõ về cốt lõi của những vấn đề nêu trên và đưa ra các giải pháp khắc phục, hướng đến tranh tụng và áp dụng án lệ là hai trong nhiều biện pháp tích cực. Đó là việc nâng cao chất lượng tranh tụng tại các phiên tòa, cả các phiên tòa hình sự và các loại vụ án khác. Việc tranh tụng sẽ đảm bảo phát huy đầy đủ vai trò của công tố viên, vai trò của luật sư và những người tham gia tố tụng... được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình để Tòa án có những phán quyết đúng đắn.
Đồng thời, việc ban hành các văn bản đảm bảo hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật cũng phải được thực hiện - đây cũng là vấn đề được các ĐB quan tâm và thảo luận trên các diễn đàn Quốc hội. Chánh án Trương Hòa Bình cho rằng, qua kinh nghiệm xét xử, Tòa án ban hành các nghị quyết hướng dẫn áp dụng pháp luật thống nhất nhằm xử lý những vấn đề luật pháp chưa đầy đủ. Vì vậy, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Tòa án, Viện kiểm sát và Chính phủ để ban hành thông tư liên tịch hướng dẫn áp dụng pháp luật thống nhất.
Thời gian qua, TANDTC cũng đã phát hành những tuyển tập án mẫu để các Tòa án tham khảo. Sắp tới, TANDTC sẽ tiếp tục thành lập hội đồng để xét chọn những bản án mẫu, có bình luận khoa học của các chuyên gia, những quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của TANDTC. Các quyết định này hàm chứa nội dung giải thích các vấn đề, sự kiện pháp lý và chỉ ra những nguyên tắc, các quy phạm pháp luật cần được áp dụng trong việc giải quyết các vụ việc để trở thành chuẩn mực chung cho những vụ án tương tự. Đây là một vấn đề rất quan trọng mà theo tinh thần Nghị quyết số 49 chính là việc phát triển án lệ, do đó, cần phải đưa vào Hiến pháp và Luật để đảm bảo việc áp dụng pháp luật thống nhất.
Nguyên nhân tình trạng đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm nhiều là do chất lượng xét xử ở cấp sơ thẩm, phúc thẩm cũng còn chưa đạt yêu cầu; quy định của luật tố tụng tư pháp cũng đã mở rộng quyền gửi đơn nhiều lần không cần nộp án phí. Vì vậy, nhiều vụ án sau khi xét xử xong là đương sự gửi đơn ngay, không biết rằng vụ án đó mình có căn cứ gì để yêu cầu giám đốc thẩm, tái thẩm hay không và nhiều đơn không nêu được căn cứ.
Bên cạnh đó, các căn cứ để kháng nghị mà luật quy định quá rộng nên lượng đơn cũng vì thế mà tăng rất nhiều. Với trách nhiệm của mình, ngành Tòa án sẽ làm đến cùng những đề nghị của người dân. Tuy nhiên, cũng phải xem xét, những vụ án thực sự có sai thì chúng ta quyết tâm sửa đến cùng, nhưng những vấn đề không còn căn cứ cũng phải có điểm dừng. Vậy nên để hướng tới vấn đề này, đề nghị sẽ được xem xét để giải quyết trong việc xây dựng pháp luật trong Hiến pháp, trong Luật Tổ chức Tòa án, Luật Tổ chức Kiểm sát và các luật tố tụng tư pháp.
Về việc đào tạo nguồn cán bộ chất lượng cao cho ngành Tòa án, Chánh án Trương Hòa Bình cho hay, việc nâng cao chất lượng của đội ngũ cán bộ Thẩm phán, công chức có chức danh tư pháp của ngành Tòa án đã và đang được TANDTC thực hiện. Trong năm 2013, ngành Tòa án đã đạt khoảng 15.000 lượt cán bộ và trên 10.000 Hội thẩm nhân dân được bồi dưỡng. Ngành TAND cũng đang hướng tới xây dựng một chiến lược về công tác cán bộ đến năm 2020, trong đó có nội dung đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ Tòa án đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của cải cách tư pháp và đang hoàn thiện đề án xây dựng Học viện Tòa án để trình các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Nếu được phê duyệt, ngành Tòa án sẽ triển khai nhằm mục đích đào tạo được đội ngũ chuyên gia trên lĩnh vực xét xử có chất lượng cao.
Ông Nguyễn Đình Lộc, nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp, ĐBQH khóa XI (khách mời tại Kỳ họp thứ 6): Án lệ rất quan trọng
Án lệ là vấn đề rất quan trọng trong tố tụng hiện nay, vì vậy, sớm hay muộn thì chúng ta cũng phải chấp nhận nó. Đó là thành quả của trí tuệ, của nền tư pháp nên không phải ngẫu nhiên mà chúng ta có luật này, luật kia. Một trong những con đường tạo lập tư pháp chính là hoạt động xét xử, từ thực tiễn xét xử mà chúng ta đề cập đến những vấn đề của xã hội, từ đó ta mới rút ra được vấn đề khái quát mang tính quy phạm, trở thành án lệ. Mỗi án lệ có giá trị như một quy phạm pháp luật nên án lệ rất đáng trân trọng. Với nhiều nước trên thế giới, việc ban hành và áp dụng án lệ là một yêu cầu bắt buộc trong tố tụng. Tôi cho rằng, giao thẩm quyền ban hành án lệ cho TANDTC là phù hợp và cần thiết trong giai đoạn hiện nay.
ĐB Phạm Hồng Phong, tỉnh Hậu Giang: Thẩm phán cũng là một nghề và là nghề đặc biệt - nghề xét xử.
Thẩm phán cũng là một nghề và là nghề đặc biệt - nghề xét xử. Trong xét xử, Thẩm phán được quyền nhân danh Nhà nước để phán quyết. Vì vậy, Thẩm phán cần phải có trình độ, đạo đức tốt, có lập trường, quan điểm rõ ràng. Phải có trình độ chuyên môn sâu và hiểu biết rộng trong mọi lĩnh vực, nhất là phải có kinh nghiệm trong xét xử. Xây dựng Học viện Tòa án là biện pháp căn cơ để nâng cao chất lượng xét xử, giảm đến mức thấp nhất án bị hủy, sửa do lỗi chủ quan của Thẩm phán.
Hiện nay, các văn bản hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật chưa đầy đủ, chế định án lệ chưa được quy định nên ngành Tòa án gặp không ít khó khăn. Việc trao thẩm quyền giải thích pháp luật và ban hành án lệ cho một cơ quan như TANDTC chủ trì thực hiện là cần thiết. |
PV